Nắng nóng gay gắt kéo dài: Bệnh nhân cấp cứu tăng mạnh

Nắng nóng gây rối loạn điện giải, giảm sức đề kháng chính là nguyên nhân khiến người già và trẻ em dễ mắc bệnh. Đặc biệt, đối với người cao tuổi cần để phòng sốc nhiệt, đột quỵ, viêm phổi.

Bác sỹ theo dõi cho bệnh nhân tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Lão khoa Trung ương. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bác sỹ theo dõi cho bệnh nhân tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Lão khoa Trung ương. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thời tiết nắng nóng gay gắt tại các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ kéo dài khiến số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị ở các cơ sở khám chữa bệnh gia tăng.

Ghi nhận tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai trong ngày 28/6 cho thấy, số bệnh nhân cấp cứu chủ yếu là người già.

Bệnh nhân cấp cứu chủ yếu do đột quỵ

Những ngày qua, Bắc Bộ và các tỉnh Trung Bộ tiếp tục có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến 36-39 độ, có nơi trên 39 độ C. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến 37-40 độ, có nơi trên 40 độ C.

Tiến sỹ Trần Quang Thắng - Trưởng Khoa Cấp cứu và đột quỵ (Bệnh viện Lão khoa Trung ương) cho biết, trong những ngày nắng nóng vừa qua, lượng bệnh nhân cấp cứu tăng 2 lần so với những ngày trước đó. Mỗi ngày tại khoa tiếp nhận từ 50-60 bệnh nhân cấp cứu (trong khi trước kia chỉ khoảng 20-30 bệnh nhân cấp cứu). Đáng lưu ý, các bệnh nhân cấp cứu, nhập viện chủ yếu do đột quỵ, đột quỵ não, đứng thứ hai là bệnh nhân viêm phổi.

Thạc sỹ Hà Quốc Hùng - Trưởng khoa Khám Theo yêu cầu và Quốc tế (Bệnh viện Lão khoa Trung ương) cho hay, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng gần 500 bệnh nhân tới khám, trong đó có 50% bệnh nhân khám bệnh theo yêu cầu.

Còn tại Khoa Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai), theo thống kê, trung bình mỗi ngày có 120 trường hợp bệnh nhân vào cấp cứu. Trong đợt nắng nóng kéo dài này, đa phần các bệnh nhân là người cao tuổi.

Bác sỹ Thắng cho biết, nắng nóng tác động đến người cao tuổi theo hai cách là trực tiếp và gián tiếp. Trong đó, sốc nhiệt là tác động trực tiếp lên người bệnh, nhất là những người cao tuổi đang lao động ngoài trời. Tác động gián tiếp của thời tiết tới sức khỏe của người già đó là làm cho các bệnh mãn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp thay đổi theo chiều hướng tiêu cực dẫn đến các biến chứng là đột quỵ.

Đột quỵ não ở người cao tuổi có rất nhiều yếu tố nguy cơ như: tăng huyết áp, đái tháo đường và những yếu tố nguy cơ đó trong thời tiết nắng nóng sẽ làm cho các yếu tố nguy cơ nặng lên như huyết áp tăng, đường máu tăng, có thể giảm đi gây tụt đường huyết. Những yếu tố này gây ra tai biến mạch máu não, đột quỵ não.

Xe vân chuyển bệnh nhân cấp cứu tới Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo bác sỹ Thắng, gần đây, tại bệnh viện đã có vài trường hợp khi đưa vào cấp cứu đã bị tử vong do đột quỵ. Người nhà bệnh nhân cho hay bệnh nhân ở nhà vẫn đi lại bình thường, chỉ hơi mệt và chủ quan, nhưng khi đưa vào viện thì tình trạng đã muộn, bệnh nhân đã xuất huyết não và không qua khỏi.

Bác sỹ Lương Quốc Chính - Khoa Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) phân tích, thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao có ngày lên đến hơn 40 độ C dẫn đến nguy cơ người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính (tim mạch, huyết áp...) dễ bị đột quỵ, tai biến mạch máu não. Nắng nóng không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra đột quỵ mà là yếu tố thuận lợi khiến những người có các nguy cơ của đột quỵ não như tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, các bệnh lý mạch máu, loạn nhịp tim, bệnh van tim, bệnh lý chuyển hóa… có thể bị đột quỵ.

Phòng tránh sốc nhiệt, viêm phổi

Theo các bác sỹ, nắng nóng gây rối loạn điện giải, giảm sức đề kháng chính là nguyên nhân khiến người già và trẻ em dễ mắc bệnh hơn. Đặc biệt, đối với những người cao tuổi trong những ngày nắng nóng cần để phòng sốc nhiệt, đột quỵ, viêm phổi.

Bác sỹ Lương Quốc Chính cho hay, sốc nhiệt rất dễ ảnh hưởng tới người cao tuổi sống trong các căn hộ hoặc nhà thiếu điều hòa không khí hoặc nhà không được thông khí tốt. Các nhóm nguy cơ cao khác bao gồm người ở bất cứ lứa tuổi nào không uống đủ nước, có bệnh mạn tính hoặc những người uống quá nhiều bia rượu.

Sốc nhiệt có thể giết hoặc gây tổn hại cho não và các cơ quan nội tạng khác trong cơ thể. Sốc nhiệt thường biểu hiện ban đầu bằng các rối loạn nhẹ hơn liên quan tới nhiệt như chuột rút do nhiệt, ngất xỉu do nhiệt và lả nhiệt (kiệt sức vì nóng). Nhưng, sốc nhiệt cũng có thể tấn công/biểu hiện ngay cả khi không có dấu hiệu tổn thương do nhiệt báo trước.

Cấp cứu cho bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Sốc nhiệt là hậu quả của việc tiếp xúc với nhiệt độ cao kéo dài, thường kết hợp với mất nước, gây tổn thương hệ thống kiểm soát thân nhiệt. Định nghĩa y học của sốc nhiệt là nhiệt độ trung tâm của cơ thể lớn hơn 40 độ C (105 độ F) với các biến chứng liên quan tới hệ thống thần kinh trung ương xuất hiện sau tiếp xúc với nhiệt độ cao. Các triệu chứng thường gặp khác bao gồm buồn nôn, co giật, lú lẫn, mất định hướng, và đôi khi mất ý thức hoặc hôn mê,” bác sỹ Chính phân tích.

Vì vậy, người dân khi nghi ngờ ai đó bị sốc nhiệt gọi số điện thoại cấp cứu 115 ngay lập tức hoặc đưa bệnh nhân tới bệnh viện. Bởi bất cứ sự trì hoãn việc tìm kiếm hỗ trợ y tế nào đều có thể khiến bệnh nhân tử vong.

Đáng lưu ý, trong khi đợi y tế đến, mọi người cần phải tiến hành sơ cứu cho bệnh nhân như: đưa bệnh nhân tới môi trường có điều hòa nhiệt độ, khu vực râm mát, cởi bỏ quần áo không cần thiết. Người dân cần thực hiện các phương pháp làm mát cho người sốc nhiệt như: Quạt và làm ướt da bệnh nhân bằng khăn ướt hoặc vòi nước; Áp túi nước đá vào nách, bẹn, cổ và lưng bệnh nhân để làm giảm được nhiệt độ cơ thể.

Tiến sỹ Trần Quang Thắng lưu ý, với các gia đình có người già, khi trời nắng nóng thấy các cụ ra mồ hôi nhiều thì cần bật điều hòa nhưng cần đảm bảo được nhiệt độ và độ ẩm phù hợp để tránh viêm phổi.

Theo bác sỹ Thắng, bệnh viêm phổi trong những ngày nắng nóng thường rơi vào nhóm người cao tuổi nằm một chỗ, khả năng đi lại hạn chế, ở nhà gia đình bật điều hòa liên tục. Ngoài ra, điều hòa là môi trường khô, khi bệnh nhân nằm một chỗ, thở qua đường miệng cũng dễ dẫn tới viêm phổi. Do đó, với người già, khi dùng điều hòa cả ngày các gia đình cần nên để ý cẩn thận nhiệt độ và độ ẩm trong phòng./.

Thùy Giang (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/nang-nong-gay-gat-keo-dai-benh-nhan-cap-cuu-tang-manh/579370.vnp