Nắng nóng gay gắt có khả năng kéo dài

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, đợt nắng nóng gay gắt ở Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng sẽ kéo dài đến ngày 12 và 13-6, nhiệt độ cao nhất phổ biến 37 đến 39oC, có nơi hơn 40oC. Thời gian có nhiệt độ hơn 35oC từ 10 đến 17 giờ. Dự báo, từ đêm mai (12-6) có mưa dông cục bộ, đề phòng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Nhiều diện tích lúa ở xã Quảng Thạch, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) bị ảnh hưởng do nhiều ngày không có mưa. Ảnh: Ngọc Lan

Nhiều diện tích lúa ở xã Quảng Thạch, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) bị ảnh hưởng do nhiều ngày không có mưa. Ảnh: Ngọc Lan

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, đợt nắng nóng gay gắt ở Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng sẽ kéo dài đến ngày 12 và 13-6, nhiệt độ cao nhất phổ biến 37 đến 39oC, có nơi hơn 40oC. Thời gian có nhiệt độ hơn 35oC từ 10 đến 17 giờ. Dự báo, từ đêm mai (12-6) có mưa dông cục bộ, đề phòng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Ðài Khí tượng - Thủy văn Trung Trung Bộ cho biết, đợt nắng nóng đang tiếp tục kéo dài trong những ngày tới với cường độ mạnh dần. Nhiệt độ cao nhất tại Ðà Nẵng cũng như khu vực Trung Trung Bộ có khả năng xảy ra từ ngày 10 đến 13-6 với nền nhiệt độ cao nhất 37 đến 39oC, có nơi lên tới 40oC; từ ngày 15-6, nắng nóng giảm dần với nhiệt độ cao nhất ngày ở ngưỡng 34 đến 37oC. Do đợt nắng nóng kéo dài cho nên trong những ngày nắng nóng, chiều và chiều tối có khả năng xuất hiện dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Ðề phòng nguy cơ xảy ra cháy rừng ở vùng núi, cháy nổ ở các khu dân cư đông đúc...

Mặc dù các địa phương trong cả nước đồng loạt thực hiện các biện pháp ngăn chặn lây lan của dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), nhưng đến nay, bệnh dịch vẫn diễn biến phức tạp và lan rộng. Tại tỉnh Bình Thuận, ngày 10-6, UBND thị xã La Gi quyết định công bố DTLCP tại địa bàn. Tính đến thời điểm này, Bình Thuận ghi nhận ba ổ dịch. Tại An Giang, sáng 10-6, tỉnh đã tổ chức buổi họp trực tuyến với 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh để bàn giải pháp phòng, chống DTLCP và công bố DTLCP trên địa bàn toàn tỉnh. Hiện, các địa phương trong tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp phòng, chống không để dịch bùng phát ra diện rộng. Tại Vĩnh Phúc, sau khoảng hai tháng xuất hiện, đến nay DTLCP đã xảy ra tại 1.461 hộ chăn nuôi thuộc 333 thôn, 83 xã của tất cả huyện, thành phố của tỉnh với tổng số lợn bị bệnh, chết và tiêu hủy hơn 17 nghìn con. Tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương... chủ động xác định địa điểm tiêu hủy lợn bị bệnh dịch, kiên quyết không để tình trạng lợn bệnh, lợn chết mới tìm địa điểm tiêu hủy; thực hiện công bố dịch theo đúng quy định; huy động các lực lượng tại chỗ… khi cần thiết để chủ động giám sát phát hiện sớm và tiêu hủy triệt để lợn bệnh, lợn chết.

Ðến nay, việc bảo đảm an toàn hồ đập thủy lợi trước mùa mưa lũ năm 2019 đã được tỉnh Yên Bái triển khai tích cực, hiệu quả. Tỉnh đã chỉ đạo, yêu cầu các chủ hồ tiến hành kiểm tra đánh giá chung về ổn định hồ đập, xây dựng, cập nhật, bổ sung phương án phòng, chống lụt, bão của hồ, đập và phương án phòng, chống lũ, lụt vùng hạ du, hạ lưu.

Vụ hè thu này, tỉnh Quảng Bình gieo cấy 16.000 ha lúa. Tuy nhiên, do nắng nóng kéo dài và gió phơn tây nam thổi mạnh, lại nhiều ngày không có mưa, gần 1.000 ha lúa bị thiếu nước tưới, nhiều nhất là huyện Quảng Trạch với gần 500 ha. Trong đó có một số diện tích lúa bắt đầu bị cháy khô do thiếu nước trong thời gian dài. Trước tình hình nêu trên, các địa phương đã tận dụng triệt để các nguồn nước từ ao hồ, kênh mương để bảo đảm tưới cho diện tích lúa có nguy cơ khô hạn. Ðối với diện tích lúa bị cháy không có khả năng khắc phục thì chuyển đổi sang các loại cây trồng khác có khả năng chịu hạn cao như: ngô, lạc, đậu đỗ.

Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang, tại tổ 13, khóm Thới Thạnh, phường Mỹ Thạnh, TP Long Xuyên đã xảy ra sạt lở bờ rạch Cái Sắn với chiều dài sạt lở khoảng 40 m, ăn sâu vào hết đường giao thông một đoạn dài 19 m, làm ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân trên địa bàn.

Tại tỉnh Lai Châu vừa xuất hiện loại sâu keo mới có sức tàn phá và lây lan nhanh trên nhiều diện tích ngô. Hiện đã có hơn 1.800 ha ngô bị sâu keo gây hại tại các huyện. Các cơ quan chức năng của tỉnh đang tích cực triển khai nhiều giải pháp để hạn chế sự lây lan và hạn chế thiệt hại do loại sâu bệnh này gây ra.

Theo Chi cục Thủy sản Kiên Giang, hiện nay, nhiều tàu cá của tỉnh hoạt động trên ngư trường không có giấy phép hoặc giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn. Chi cục Thủy sản Kiên Giang phối hợp các huyện, thành phố tập trung tuyên truyền, nhắc nhở chủ tàu cá hết hạn giấy phép khai thác trên địa bàn quản lý thực hiện thủ tục xin cấp lại hoặc cấp mới đối với phương tiện đóng mới, nâng cấp. Ðồng thời, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn chặn, hạn chế và loại bỏ hoạt động khai thác bất hợp pháp, góp phần khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu đối với thủy sản Việt Nam.

Theo thông tin người dân phản ánh, mấy ngày gần đây, nhiều lồng, bè nuôi cá diêu hồng trên sông Tiền (thuộc hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre) bị chết bất thường. Người dân lo ngại nguồn nước trên sông Tiền bị ô nhiễm, có thể do lượng nước thải từ các khu, cụm công nghiệp gần đó. Vụ việc đang được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

Sáng 10-6, người dân phát hiện ngọn lửa bùng phát tại khu rừng sản xuất ở xã Bảo Nam giáp ranh với xã Chiêu Lưu (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An). Nhận được thông tin, lực lượng chức năng đã huy động khoảng 200 người tham gia dập lửa. Ðến 16 giờ cùng ngày, đám cháy cơ bản được khống chế. Hiện cơ quan chức năng đang thống kê thiệt hại, điều tra làm rõ nguyên nhân sự việc.

Nhằm ứng phó với DTLCP, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao cho một số viện nghiên cứu vắc-xin phòng DTLCP và kết quả ban đầu khá khả quan. Khảo nghiệm hiệu quả vắc-xin dịch tả lợn do Học viện Nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu được đánh giá là có triển vọng. Hiện tại, để có kết quả chắc chắn, nhóm nghiên cứu vẫn đang tiếp tục các thí nghiệm với nhiều góc độ khác nhau, đồng thời sẽ triển khai kiểm nghiệm trên diện rộng để có thể đánh giá được chính xác nhất về hiệu quả miễn dịch của vắc-xin phòng, chống bệnh dịch này.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/40496102-nang-nong-gay-gat-co-kha-nang-keo-dai.html