Nắng nóng đỉnh điểm, nguy cơ sốc nhiệt, đột quỵ

Tại Hà Nội, trời nắng nóng gay gắt với nhiệt độ có nơi lên trên 39 độ C. Vì vậy, người dân cần cẩn thận khi đi ra ngoài đường nhằm tránh bị sốc nhiệt.

Theo các bác sỹ, những người mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu nên áp dụng các biện pháp phòng ngừa nguy cơ đột quỵ khi trời nắng nóng.

Bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: DN

Bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: DN

Với người bình thường, các chuyên gia cảnh báo, vào những ngày nắng nóng, nên cẩn trọng nếu đột nhiên cảm thấy hơi đau đầu, choáng váng, tê nửa người... bởi rất có thể đây là biểu hiện báo trước khả năng xảy ra một cơn đột quỵ.

Bên cạnh đó, theo cảnh báo, nắng nóng cũng làm tăng tình trạng sốc nhiệt, nguy hiểm tính mạng. Theo đó, các dấu hiệu sớm của sốc nhiệt gồm nhiệt độ tăng cao (lên đến 40 độ C), mệt, đau đầu, khó thở, đỏ mặt, nôn mửa.

Ngoài ra, người bị sốc nhiệt còn có thể bị các biểu hiện như rối loạn tim mạch, rối loạn hô hấp, rối loạn thần kinh trung ương...

Để phòng tránh đột quỵ, sốc nhiệt khi nắng nóng cao điểm, theo khuyến cáo của các chuyên gia, người dân cần uống đủ nước, bởi khi trời nóng bức sẽ khiến cơ thể tăng tiết mồ hôi làm mất đi một lượng lớn nước và các chất điện giải dẫn đến tình trạng cơ thể bị mất nước và suy kiệt. Lượng nước cần uống mỗi ngày theo khuyến cáo là từ 2 đến 2,5 lít nước

Bên cạnh đó, trong những ngày nắng nóng, người dân nên hạn chế ra ngoài trời nhằm tránh bị sốc nhiệt, đột quỵ, đặc biệt là khoảng thời gian 10h-16h, bởi đây là lúc nắng gay gắt nhất và tia UV hoạt động mạnh nhất.

Nếu buộc phải ra ngoài, để bảo vệ làn da khỏi các tác hại của ánh nắng mặt trời cần bôi kem chống nắng trước khi ra ngoài, mặc quần áo màu sáng, chất liệu co giãn thoáng mát.

Đồng thời, nhằm nâng cao sức khỏe khi thời tiết nắng nóng, mỗi người cần vận động, tập thể dục hợp lý, nên vận động vào lúc sáng sớm tại nơi thoáng mát, tập nhẹ nhàng, vừa sức, không nên tập cường độ quá cao khi nóng bức.

Về dinh dưỡng trong những ngày nắng nóng, các chuyên gia khuyến cáo, người dân tăng cường lượng dịch uống để bồi hoàn lượng nước cần thiết, nhất là những loại nước uống giàu khoáng chất và nhiều vitamin như nước ép trái cây, nước cam tươi, nước dừa tươi, nước sôi để nguội, nước rau má, nước mía...

Với trẻ nhỏ, các bác sỹ nhi khuyến cáo phụ huynh cho trẻ uống đủ nước để khỏi bị khô họng, nhất là khi ngồi lâu trong phòng điều hòa để tránh ngạt mũi, viêm họng, đau đầu, chóng mặt.

Khi định ra ngoài phòng lạnh nên từ từ mở rộng cửa, đợi 2-3 phút sau mới ra khỏi phòng để cơ thể có thời gian thích nghi với sự chuyển đổi không khí bên ngoài.

Tạo thói quen vệ sinh cá nhân tốt như rửa tay sạch sẽ, đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi chơi đùa. Điều này giúp trẻ loại bỏ những tác nhân gây bệnh nguy hiểm từ đôi bàn tay.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/nang-nong-dinh-diem-nguy-co-soc-nhiet-dot-quy-106321.html