Nắng nóng cực đoan đến cùng lúc với COVID-19 đẩy người Mỹ vào thế khó

Nhiều chuyên gia lo ngại mùa hè mang theo nắng nóng cực đoan và sự lây lan chóng mặt của dịch bệnh COVID-19 là một sự kết hợp nguy hiểm đối với người dân Mỹ trong thời điểm này.

Người vô gia cư nhận nước, thực phẩm và đồ chống nóng tại trại Andre (thành phố Phoenix, bang Arizona). Ảnh: CNN

Người vô gia cư nhận nước, thực phẩm và đồ chống nóng tại trại Andre (thành phố Phoenix, bang Arizona). Ảnh: CNN

Theo hãng CNN, nắng nóng cực đoan có thể đe dọa bất kỳ ai, song những người có nguy cơ tổn thương cao nhất trước dịch bệnh COVID-19 cũng là nhóm đối tượng dễ mắc các bệnh nghiêm trọng vì nắng nóng.

“Để an toàn trước dịch bệnh COVID-19, thông điệp ở đây là các bạn nên ở nhà. Lời khuyên đó hoàn toàn đúng đắn nếu xét từ góc độ phòng virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, nếu nhà bạn không có hệ thống làm mát hoặc không thể kiểm soát nhiệt độ tăng cao trong nhà, lời khuyên đó có thể phản tác dụng”, ông Dave Hondula – nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu Đô thị thuộc Đại học bang Arizona (Mỹ) – cho hay.

Mặc dù không được quan tâm đến nhiều như các sự kiện thảm họa thời tiết khác bao gồm bão lớn, lốc xoáy… song nắng nóng cực đoan có thể thực sự cướp đi sinh mạng người. Theo Paul Schramm – người dẫn đầu nhóm khoa học về khí hậu tại Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), mỗi năm trung bình có tới 702 người Mỹ thiệt mạng vì nắng nóng, nhiều hơn bất kỳ số ca tử vong nào do các trận bão, ngập lụt hoặc lốc xoáy tại đây.

Khi nhiệt độ cao kết hợp với độ ẩm ngột ngạt – thời tiết vốn dĩ đã xảy ra tại các bang miền Nam, miền Đông và Trung Tây nước Mỹ cuối tuần qua, khả năng tiết mồ hôi và làm giảm thân nhiệt của cơ thể người bị quá tải, dẫn tới tình trạng thân nhiệt tăng cao và có thể tổn hại tới não cũng như các bộ phận khác.

Mối nguy hiểm này đe dọa chủ yếu người già, trẻ em, người béo phì hoặc những người làm việc, tập thể dục ngoài trời trong thời điểm nóng nhất ngày. Các chuyên gia khuyến cáo người dân nên kiểm tra những thành viên thuộc nhóm đối tượng mắc nguy cơ cao ít nhất 2 lần một ngày để tránh tình trạng kiệt sức vì nhiệt.

Người dân đều được khuyến cáo ở nhà và tránh tập trung nơi đông người là phương pháp tốt nhất để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19.

Tuy nhiên, nếu như mọi người bị mắc kẹt bên trong một không gian nhỏ mà không có phương tiện làm mát, họ có thể đối mặt với một mối đe dọa khác.

“Người dân bị đặt vào thế khó. Liệu tôi ở nhà để tránh COVID-19 hay có nguy cơ kiệt sức vì nắng nóng nếu như nhiệt độ trong nhà tăng cao”, chuyên gia Hondula đặt câu hỏi, lưu ý các địa điểm tránh nóng tạm thời phổ biến của người dân Mỹ như trung tâm thương mại, thư viện, bể bơi hay cửa hàng tiện lợi – đều hoặc đang đóng cửa vì lệnh giãn cách xã hội hoặc đó không phải là nơi an toàn để ở trong đó nhiều giờ đồng hồ.

Người dân chui vào bóng râm tại bãi biển chật kín người trên đảo Coney ngày 19/7. Ảnh: CNN

Gentry W. Trotter – người đứng đầu tổ chức phi lợi nhuận Cooldownstlouis chuyên cung cấp máy điều hòa và hỗ trợ năng lượng cho những cộng đồng dễ bị tổn thương tại thành phố St. Louis (bang Missouri) – cho hay trong tuần này, người dân thành phố phải hứng chịu cái nóng dao động từ 37 đến 40 độ C.

Đến giữa hè hàng năm, Trotter cho biết mỗi tuần anh nhận được khoảng 1.500 yêu cầu hỗ trợ làm mát từ các nhà. Tuy nhiên, chỉ riêng tuần trước, tổ chức của anh đã nhận được trên 5.000 cuộc khỏi từ những người đang thiếu thốn.

Để giải quyết tình trạng nắng nóng gay gắt, chính quyền địa phương các thành phố đã triển khai nhiều chiến dịch chủ động, gửi hàng nghìn máy điều hòa tới nhà những người cao tuổi thu nhập thấp để bảo vệ họ trước cái nóng và COVID-19.

“Chúng tôi biết rõ nhóm người dễ mắc COVID-19 cũng là những người dễ tổn thương trước nắng nóng. Nhiệt độ trong các căn hộ có thể nóng hơn bên ngoài từ 10 đến 20 độ C, đó là lý do vì sao lại nguy hiểm khi để người già ở trong nhà kín mít giữa thời tiết nắng nóng”, Ben Krakauer, một cố vấn cấp cao tại Cơ quan Quản lý Khẩn cấp NYC, giải thích.

Các nghiên cứu đều chỉ ra biến đổi khí hậu là nguyên nhân dẫn tới nhiệt độ mùa hè ngày càng tăng cao. Kể từ năm 1960, hiện có khoảng 5 ngày nóng đặc biệt hơn ở Bắc bán cầu và những ngày này nóng hơn khoảng 1,5 độ C. Đây là khoảng thời gian và cường độ nắng nóng có thể gây chết người.

Bảo Hà/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nang-nong-cuc-doan-den-cung-luc-voi-covid19-day-nguoi-my-vao-the-kho-20200727191928429.htm