Nắng nóng ảnh hưởng đến hàng nghìn ha lúa tái sinh ở Quảng Bình

Nắng nóng kéo dài suốt thời gian qua đã ảnh hưởng lớn đến quá trình sinh trưởng của hơn 8.600ha lúa tái sinh ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

Nắng nóng kéo dài suốt thời gian qua đã ảnh hưởng lớn đến quá trình sinh trưởng của hơn 8.600ha lúa tái sinh ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Mặc dù chủ động được nguồn nước tưới, nhưng với thời tiết cực đoan đã làm lúa phát triển chậm, sâu bệnh nhiều nguy cơ năng suất giảm. Ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Bình đang tăng cường các giải pháp chống hạn cho cây lúa, khuyến khích bà con chuyển đổi diện tích lúa tái sinh sang canh tác lúa hè thu nhằm giảm thiểu thiệt hại.

Một số hồ đập tại Quảng Bình đang cạn nước.

Một số hồ đập tại Quảng Bình đang cạn nước.

Hợp tác xã Đại Phong, xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình hiện có khoảng 400ha lúa tái sinh. Ông Hồ Văn Châu, thành viên hợp tác xã cho biết, mặc dù đã cung ứng nước kịp thời, nhưng do nắng nóng kéo dài đã làm 1/4 diện tích lúa tái sinh không thể phát triển được, phần còn lại có tỷ lệ đẻ nhánh thấp, sinh trưởng và phát triển chậm. Theo ông Châu, năng suất lúa hiện tại chỉ đạt khoảng 1,8- 2 tấn/ha, thấp hơn rất nhiều so với những năm trước.

“Thời tiết năm nay nắng nóng, sâu bệnh phát triển nhiều, đặc biệt là rầy phá hoại rất nhiều diện tích lúa của bà con. Gia đình tôi đã dùng nhiều cách để cho cây lúa phát triển và đặc biệt không gặt máy mà chỉ gặt tay để thu hoạch được lượng lúa tái sinh đảm bảo”- ông Châu nói.

Các trạm bơm dã chiến được tăng cường nhằm đảm bảo tưới tiêu cho vụ hè thu.

Để đảm bảo nguồn nước tưới cho hơn 8.600ha lúa tái sinh, ngành nông nghiệp huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đã sử dụng các máy bơm dã chiến, tận dụng nguồn nước tại các ao hồ, sông suối... để bơm tưới và điều tiết nước theo từng đợt. Ông Nguyễn Cao Thành, Giám đốc Hợp tác xã Đại Phong, xã Phong Thủy cho biết, các giải pháp tích nước chống hạn được tăng cường, tại các chân ruộng đều đủ nước tưới. Tuy nhiên nền nhiệt độ cao đã ảnh hưởng đến năng suất toàn bộ diện tích lúa tái sinh.

“Bà con nông dân phối hợp với Hợp tác xã huy động hết các nguồn máy móc, trang thiết bị để nạo vét các mương dẫn nước; tiết kiệm các nguồn nước sẵn có ở thượng nguồn, hồ nước, tiết kiệm theo lịch thời vụ để tận thu được nguồn nước.”- ông Nguyễn Cao Thành cho biết.

Huyện Bố Trạch và huyện Lệ Thủy có nguy cơ hạn nặng.

Tỉnh Quảng Bình hiện có 152 hồ đập lớn nhỏ với tổng dung tích nước đạt trên 60%, đảm bảo cho nhu cầu sản xuất vụ hè thu. Hiện nay, một số hồ chứa tại các huyện Lệ Thủy, Bố Trạch mực nước xuống thấp, có nguy cơ thiếu hụt nước tưới nghiêm trọng nếu nắng nóng kéo dài.

Một số diện tích bỏ hoang do thiếu nước.

Ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết, nhờ chủ động nước tưới và tưới tiết kiệm ngay từ đầu vụ Đông Xuân để ưu tiên nước cho vụ hè thu, nên đến nay lượng nước đủ tưới và chống mặn xâm nhập. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Bình khuyến cáo bà con nông dân về những rủi ro khi sản xuất lúa tái sinh, các địa phương chủ động tuyên truyền kiến thức về biến đổi khí hậu và hỗ trợ bà con trong việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thời tiết.

“Nắng nóng khiến một số cây trồng ảnh hưởng, đặc biệt là cây lúa ảnh hưởng ở 1 mức độ mặc dù chưa đến mức lúa cháy nhưng ví dụ thời tiết quá nóng thì khả năng tưới luân phiên cũng không kịp. Phương án chống hạn giờ phải tích nước để sử dụng và có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sử dụng những cây sử dụng ít nước như rau màu, đậu đỗ thay cây lúa vì lúa là một trong những cây tiêu tốn nước nhiều nhất"- ông Mai Văn Minh cho biết:./.”

Thanh Hiếu/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nang-nong-anh-huong-den-hang-nghin-ha-lua-tai-sinh-o-quang-binh-1063802.vov