Nâng niu bức ký họa Đại tướng

Phố cũ Hà Nội với những con đường nhỏ sâu hun hút. Ở ngõ Thịnh Hào 3, đường Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, hai bên nhà cửa san sát dựng đứng khiến ánh nắng hiếm hoi chỉ lọt vào khi chính Ngọ.

Chúng tôi tìm đến nhà ông đồ già Nguyễn Mạnh Hùng (76 tuổi) nằm sâu phía bên trong ngõ vào một chiều cuối đông. Trong căn phòng nhỏ, mùi trầm hương thoang thoảng, từng sợi khói mảnh bay bay bên những bức đại tự thư pháp. Trong câu chuyện nồng ấm hương trà nhài, ông cẩn thận lần giở bức vẽ được ép trong tập ảnh lớn. Đó là bức ký họa chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Mỗi lần ngắm nhìn kỷ vật ấy, ông lại bồi hồi xúc động với niềm tri ân sâu sắc.

Chưa một lần được gặp vị Tổng tư lệnh, nhưng từ trong sâu thẳm trái tim, người chiến sĩ Trung đoàn 95, Sư đoàn 325 năm xưa luôn trân trọng và cảm phục trước công lao, tấm lòng của Đại tướng đối với nước, với dân. Năm 2013, Đại tướng Võ Nguyên Giáp về với thế giới người hiền, ông đã cùng gia đình đến tư gia đứng nhiều giờ để được vào viếng Đại tướng. Sau lễ viếng, ông được một đồng chí trong ban tổ chức mời đến dự buổi triển lãm kỷ vật và vẽ tranh về Đại tướng. Trong niềm xúc động nhớ thương ấy, ông đã nhận lời để thêm một lần được ngắm nhìn hình ảnh Đại tướng.

 Cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Hùng nâng niu bức ký họa Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Hùng nâng niu bức ký họa Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Sớm ngày 11-10-2013, con phố Điện Biên Phủ vẫn còn thưa vắng người, hàng cây đứng lặng lẽ lao xao. Trong ông trào dâng bao xúc cảm hồi hộp. “Khi cánh cửa Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam mở ra, tôi bước vào phòng trưng bày. Trước mắt tôi, từng bức hình như thước phim quay chậm ghi lại những khoảng khắc trong cuộc đời Đại tướng thật giản dị, ấm áp. Cô nhân viên bảo tàng bước ra giới thiệu hôm nay sẽ có họa sĩ Lê Duy Ứng đến vẽ ký họa chân dung Đại tướng”, ông Hùng bồi hồi kể.

Hồi hộp đợi chờ, khi họa sĩ đến, ông Hùng bước ra bắt tay thân mật. Đại tá Lê Duy Ứng nắm chặt đôi bàn tay gầy guộc rồi khẽ vuốt bộ râu dài của ông Hùng hô lên khe khẽ: “Lão chiến binh, đừng đi đâu nhé, hãy đứng đây!”. Ánh mắt ngước lên nhìn vời vợi xa xăm, ông Hùng nhớ lại: “Chỉ một câu nói giản dị trong khung cảnh vô cùng xúc động ấy khiến tôi lặng đi không nói nên lời. Mặc dù trước đó cả tôi và họa sĩ chưa hề quen biết nhau, nhưng chính tình cảm thiêng liêng của những người lính qua một thời chinh chiến đã gắn kết chúng tôi lại như những đồng đội cùng một chiến hào”.

Sau phút giây xúc động, họa sĩ Lê Duy Ứng ngồi xuống bàn dùng dút dạ vẽ trên nền giấy trắng. Mặc dù mắt không nhìn thấy rõ nhưng những nét vẽ của họa sĩ vẫn dứt khoát và chính xác từ ánh mắt, khuôn mặt đến những ngôi sao trên bờ vai. Tất cả đều hiển hiện sinh động trên khuôn giấy trắng làm toát lên thần thái Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Không có đôi mắt sáng, họa sĩ đã vẽ bằng sự cảm nhận tinh tế và bằng tấm lòng nặng nghĩa tri ân đối với vị Đại tướng của nhân dân.

Trao lại bức ký họa cho ông Hùng, họa sĩ Lê Duy Ứng nói rằng: “Chúng ta mất một người anh!”. Cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Hùng đáp lại: “Chúng ta mất một người thầy, một vị chủ tướng!”. Chỉ nói tới đó thôi, hai mắt ông Hùng rưng rưng, chòm râu rung rung vì xúc động. Đứng trước di ảnh của Đại tướng, hai cựu chiến binh nắm chặt tay nhau lặng đi hồi lâu. Dẫu chưa hề quen biết nhưng cả họa sĩ và ông Hùng đều là những người lính có cái tâm hướng cùng về vị chủ tướng của mình. Rồi hai người lính già xúc động ôm lấy nhau trước sự chứng kiến của rất nhiều người xem triển lãm. Khoảnh khắc đó diễn ra rất nhanh nhưng cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Hùng vẫn luôn nhớ mãi. Còn bức ký họa, ông gìn giữ thật cẩn thận, coi đó là kỷ vật để luôn nhớ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp kính yêu.

Bài và ảnh: THƯ NGỌC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/nang-niu-buc-ky-hoa-dai-tuong-606125