Nâng mức cảnh báo lũ 4 thành phố gần Tam Hiệp

4 thành phố hạ nguồn đập Tam Hiệp dọc con sông Dương Tử đã phải tiếp tục nâng cảnh báo lũ sau nhiều ngày mưa liên tiếp.

Theo CGTN, các nhà chức trách sáng 10/7 đã ban hành mức báo động màu cam trong 24 giờ (mức báo động thứ hai sau báo động đỏ) vì mưa vẫn không ngừng rơi ở các vùng thuộc miền nam. Thời tiết cực đoan được dự báo sẽ tiếp tục tấn công 13 khu vực, trong đó có các tỉnh Giang Tây, An Huy, Hồ Bắc, Hồ Nam, Tứ Xuyên và An Huy.

Trung Quốc đã phải nâng mức cảnh báo lũ ở 4 thành phố dưới hạ nguồn đập Tam Hiệp.

Trung Quốc đã phải nâng mức cảnh báo lũ ở 4 thành phố dưới hạ nguồn đập Tam Hiệp.

4 thành phố nâng mức cảnh báo lũ đều ở hạ nguồn con đập Tam Hiệp lớn nhất thế giới nằm trên sông Trường Giang.

Cụ thể, tại Trung tâm tỉnh Hồ Bắc đã nâng mức cảnh báo số 3 lên số 2 hôm 9/7 sau khi ghi nhận 14 người chết và 5 người mất tích trong một vụ lở đất.

Tại phía Đông tỉnh An Huy, chính quyền địa phương đã phát cảnh báo số 2 vào ngày 7/7 sau khi ghi nhận 4 người thiệt mạng vì lũ lụt.

Ở Giang Tây, chính quyền đã nâng cấp ứng phó khẩn cấp kiểm soát lũ từ cấp 3 lên cấp 2 bắt đầu hồi 10h sáng ngày 10/7.

Tại Chiết Giang phía Đông Trung Quốc, giới chức địa phương đã nâng mức ứng phó khẩn cấp cao nhất nhưng bố trí lực lượng ở dọc sông Tiền Đường. Cửa sông Tiền Đường từng ghi nhận những cơn sóng hung tợn, được lý giải là do cửa sông có dạng hình phễu và thu hẹp đột ngột khiến sóng ập sâu vào đất liền khi thủy triều dâng.

Theo Tân Hoa xã, Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc ngày 10/7 đã yêu cầu các địa phương nằm trong lưu vực sông Hoài khẩn trương tổ chức lực lượng chống lũ, sẵn sàng phản ứng khẩn cấp.

Với chiều dài hơn 1.000km cùng lưu vực rộng hơn 170.000km2, Hoài Hà là con sông lớn thứ 3 của Trung Quốc sau sông Dương Tử và Hoàng Hà.

Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc cảnh báo mưa lớn sẽ trút xuống các tỉnh phía đông nam như An Huy, Giang Tô từ ngày mai đến ngày 14/7. Lượng mưa đo được có thể lên tới 200 - 300mm, gây nguy cơ lũ lụt trên diện rộng.

Cơ quan này cho biết mực nước tại thượng nguồn sông Hoài có thể lên tới mức cảnh báo trong khi một số con sông khác nhỏ hơn sẽ ở mức siêu báo động với lượng mưa như vậy. Mực nước trên dòng chính của sông Dương Tử và một số nhánh phụ cũng sẽ tăng đáng kể trong đợt mưa sắp tới.

Trước nguy cơ này, Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc yêu cầu các quan chức địa phương phải thường xuyên kiểm tra đê và đường dẫn nước lũ vào các hồ chứa của sông Hoài để giảm bớt áp lực.

SCMP đưa tin, hôm 10/7 đã có gần 300.000 người phải sơ tán ở hai tỉnh miền đông là An Huy và Giang Tây, vì nhiều ngôi nhà bị phá hủy, đường sá tê liệt, nhiều người rơi vào tình trạng mất điện và không có thực phẩm.

Các trận lụt mới nhất đã gây hư hại cho hơn 2.000 ngôi nhà, buộc 147.000 người phải di dời ở An Huy, sau một tuần mưa xối xả. Theo Tân Hoa xã, ở tỉnh Giang Tây lân cận, hơn 151.000 người phải sơ tán và gần 2.000 ngôi nhà hư hại, trong các ngày 6-8/7.

Hàng trăm nhân viên cứu hộ đã được triển khai tới các khu vực mới bị mưa lũ. Họ chạy đua với thời gian để tiến hành các chiến dịch sơ tán và kịp thời cung cấp nhu yếu phẩm đến những nơi bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người đang chờ được giúp đỡ.

Mưa lớn gây lũ lụt tại một ngôi làng ở thành phố Cửu Giang, phía đông tỉnh Giang Tây của Trung Quốc, ngày 8 tháng 7 năm 2020. Ảnh: CGTN

Hôm 8/7, một đoạn đê của sông Dương Tử đã bị vỡ khiến hơn 9.000 người phải sơ tán, gây ảnh hưởng tới hàng ngàn ha đất nông nghiệp.

Theo nhận định của GS. Khương Đồng thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Thông tin Nam Kinh, lũ lụt năm nay có khả năng tương tự trận "Đại hồng thủy" năm 1998, nhưng thiệt hại sẽ không nặng nề bằng, bởi năng lực chống lũ của Trung Quốc đã tốt lên.

Được biết, trận "Đại hồng thủy" năm 1998 xảy ra trên toàn bộ lưu vực sông Trường Giang, đã gây ảnh hưởng tới 29/31 tỉnh, thành và khu tự trị ở Trung Quốc, đồng thời cướp đi sinh mạng của hơn 4.000 người dân nước này.

Theo dự báo của Bộ Quản lý tình trạng khẩn cấp Trung Quốc, 6 tháng cuối năm, nước này sẽ có khoảng 6-7 cơn bão, nhiều hơn hàng năm, do vậy cần tăng cường giám sát và ngăn ngừa các hiện tượng thiên tai phát sinh sau bão xảy ra tại khu vực miền Nam và Đông Nam Trung Quốc.

Clip Trung Quốc thông tin về cách vận hành đập Tam Hiệp:

Quế Chi

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/nang-muc-canh-bao-lu-4-thanh-pho-gan-tam-hiep-3412284/