'Năng lượng' từ… kinh tế tư nhân

Không phải là cơ chế khuyến khích, hỗ trợ mà môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, bình đẳng mới là điều mà kinh tế tư nhân mong đợi.

Phá vỡ thế độc quyền của ngành điện và sự tham gia mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân vào lĩnh vực này là một ví dụ điển hình.Cách đây không lâu, nhà máy điện mặt trời Srêpok và Quang Minh tại huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk đã chính thức được khánh thành. Đây hiện là cụm nhà máy điện mặt trời lớn nhất Việt Nam, đi vào hoạt động sẽ cung cấp cho điện lưới quốc gia khoảng 150 triệu kWh mỗi năm, doanh thu khoảng 300 tỷ đồng, nộp ngân sách 30 tỷ đồng/năm cho địa phương.

Thi công nhà máy điện mặt trời Krông Pa (thuộc Công ty CP điện Gia Lai) - nhà máy đầu tiên đi vào hoạt động Gia Lai.

Thi công nhà máy điện mặt trời Krông Pa (thuộc Công ty CP điện Gia Lai) - nhà máy đầu tiên đi vào hoạt động Gia Lai.

“Năng lượng” mới

Trước đó, nhà máy Điện mặt trời Krông Pa (Gia Lai) công suất 49 MW do Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) đầu tư cũng đã đi vào vận hành. Đây chỉ là một trong 20 dự án điện mặt trời TTC rót vốn.

Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT TTC Group đến năm 2020, đơn vị dự định đạt công suất 1.000MW điện mặt trời, 40MW điện gió - chiếm 73% tỷ trọng toàn ngành năng lượng của Tập đoàn, còn lại 222MW thủy điện chiếm 16% và nhiệt điện 150MW chiếm 11%.

Ở góc độ địa phương, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Bình Phước Võ Sá cho biết, sẽ có trên 12.000 tỷ đồng đầu tư vào điện mặt trời do Tập đoàn Hưng Hải làm chủ đầu tư.

Tính đến cuối năm 2018, đã có 10.000 MW điện mặt trời được các nhà đầu tư đăng ký, trong đó 8.100 MW được bổ sung quy hoạch (121 dự án) với trên 100 dự án đã ký hợp đồng mẫu mua bán điện (PPA). Trong khi đó, vẫn còn khoảng 220 dự án đang chờ bổ sung vào quy hoạch.

Như vậy, tổng công suất đăng ký đầu tư loại hình này đã lên tới 26.000 MW, chiếm khoảng 60% tổng công suất các nguồn điện cả nước (hơn 47.000 MW). Con số này cũng vượt xa Quy hoạch điện 7 điều chỉnh, trong đó định hướng tới năm 2020, công suất điện mặt trời 850 MW và tăng lên 4.000 MW sau đó 5 năm.

WB đề xuất nên xây dựng một chương trình PPP/IPP để phát triển các nguồn phát điện mới, là một phần trong Quy hoạch Phát triển Điện lực quốc gia 8 để tạo dựng niềm tin cho nhà đầu tư.

Trong lĩnh vực điện gió, UBND tỉnh Quảng Trị mới đây đồng ý chấp thuận cho Cty TNHH Điện gió Hướng Phùng và Cty Cổ phần Năng lượng Gelex Quảng Trị đầu tư các nhà máy điện gió trên địa bàn tỉnh này với tổng vốn hơn 5.200 tỷ đồng.

Chỉ trong tháng 1/2019, Bộ Công thương đã tiếp nhận ít nhất 3 đề xuất bổ sung quy hoạch các nhà máy điện gió với tổng công suất đã vượt 1.000 MW, con số này đã lớn hơn mục tiêu 800 MW điện gió mà Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh đề ra.

Quyết định số 39/2018/TTg nâng lên 8,5 cent/kWh đối với điện gió trên đất liền và 9,8 cent/kWh đối với điện gió trên biển cùng cơ chế khuyến khích nâng giá điện mặt trời lên 9,35 cent/kWh tại Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg được coi là cú hích thúc đẩy tư nhân đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Động lực từ tư nhân

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt, công suất lắp đặt nguồn điện cả nước sẽ lên đến 130.000 MW năm 2030 so với 47.000 MW hiện nay. Như vậy, khoảng 83.000 MW nguồn điện mới sẽ cần phải được xây dựng và đưa vào vận hành từ nay đến 2030, cùng đó là các cơ sở hạ tầng truyền tải và phân phối.

Theo báo cáo “Việt Nam huy động tối đa nguồn tài chính để phát triển năng lượng” do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố vào tháng 12/2018, tính đến năm 2017, công suất phát điện được tư nhân trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài chiếm 28% trong tổng công suất của cả nước. Đã có khoảng 3,4 GW thủy điện nhỏ và năng lượng tái tạo khác (điện gió, điện mặt trời) được tư nhân trong nước đầu tư, tương ứng với khoảng 3 tỉ USD.

WB cho rằng, khu vực tư nhân trong nước tham gia vào thị trường điện chủ yếu vào phát triển các dự án nguồn điện năng lượng tái tạo. Điều này cho thấy sự năng động của khu vực kinh tế tư nhân trong việc nắm bắt xu thế.

Theo nghiên cứu, từ nay đến năm 2030, mỗi năm trung bình ngành điện Việt Nam cần đầu tư mới khoảng 10 tỷ USD. Phần lớn đầu tư mới vào ngành điện sẽ phải đến từ khu vực tư nhân. Để khởi thông nguồn lực này, “Các nhà đầu tư cần một môi trường pháp lý minh bạch và ổn định, trong đó có cơ chế chia sẻ rủi ro phù hợp cho tất cả các bên”- ông Franz Gerner, Kinh tế trưởng ngành năng lượng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định.

Trong khi đó, ông Ousmane Dione, Giám đốc WB tại Việt Nam khuyến nghị: Chính phủ Việt Nam cần xử lý một cách toàn diện những nút thắt đang cản trở dòng vốn tư nhân trong và ngoài nước vào năng lượng tái tạo. Trong đó, WB đề xuất nên xây dựng một chương trình PPP/IPP để phát triển các nguồn phát điện mới, là một phần trong Quy hoạch Phát triển Điện lực quốc gia 8 để tạo dựng niềm tin cho nhà đầu tư.

BBT mong nhận được bài viết của các chuyên gia, doanh nghiệp và độc giả đóng góp cho sự phát triển của kinh tế tư nhân tại:
kinhtetunhan@dddn.com.vn

Phan Nam

Bạn đang đọc bài viết “Năng lượng” từ… kinh tế tư nhân tại chuyên mục Thời sự của Báo Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: (024) 3.5771239,

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/nang-luong-tu-kinh-te-tu-nhan-148556.html