Năng lượng tái tạo sẽ sớm đạt đỉnh

Trong thập kỷ qua, một lượng vốn khổng lồ đã được các nước đang phát triển đầu tư vào phát triển công suất năng lượng tái tạo, nhất là Trung Quốc và Ấn Độ.

Cơ quan giáo dục Liên hợp quốc (LHQ) tại Đức phối hợp với Bloomberg vừa xuất bản báo cáo về xu hướng đầu tư năng lượng tái tạo toàn cầu trong vòng 1 thập kỷ qua (2010 - 2019) với hai điểm nhấn: thứ nhất, tổng vốn đầu tư cho các dự án năng lượng tái tạo toàn cầu trong thập kỷ qua đạt 2.700 tỷ USD. Thứ hai, thị phần năng lượng tái tạo trên thị trường năng lượng toàn cầu đã tăng gấp 2 lần từ 5,9% (2010) lên 13,4% (2019).

Thế giới vẫn cần đầu tư nhiều hơn vào năng lượng tái tạo để đáp ứng các mục tiêu của Thỏa thuận khí hậu Paris 2015 (COP21). Chính phủ nhiều quốc gia và các tập đoàn, công ty năng lượng đang khuyến khích đầu tư vào năng lượng sạch như một phần quan trọng trong kế hoạch phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Trong thập kỷ qua, một lượng vốn khổng lồ đã được các nước đang phát triển đầu tư vào phát triển công suất năng lượng tái tạo, nhất là Trung Quốc và Ấn Độ. Trong năm 2017, các nền kinh tế đang phát triển đã đầu tư gần 200 tỷ USD vào các dự án năng lượng tái tạo mới. Mặc dù, lượng vốn đầu tư từ Trung Quốc và Ấn Độ giảm dần sau đó, song các quốc gia đang phát triển còn lại ghi nhận sự tăng trưởng cao hơn và đạt kỷ lục gần 60 tỷ USD trong năm 2019.

Sự tăng trưởng đầu tư kể trên phản ứng rõ rệt sự thay đổi mô hình năng lượng của các nước đang phát triển không thua kém so với các nước phát triển. Lần đầu tiên vào năm 2015, Trung Quốc, ẤN Độ và các nước đang phát triển đã vượt qua các nước phát triển về đầu tư vào năng lượng sạch. Trong giai đoạn 2015 - 2019, các nền kinh tế đang phát triển đang nhận được hơn 50% vốn đầu tư toàn cầu trong phát triển năng lượng tái tạo.

Cũng trong vòng 10 năm qua, thị trường đầu tư năng lượng chứng kiến sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư từ lĩnh vực điện gió sang điện mặt trời. Nếu như vào năm 2010, công suất lắp đặt điện gió cao gấp 4 lần so với công suất lắp đặt điện mặt trời thì đến cuối năm 2019, công suất điện mặt trời đã vượt qua công suất điện gió, đạt gần 700 GW, tăng gấp 5 lần sau 10 năm. Tổng công suất điện mặt trời và điện gió toàn cầu đạt hơn 1.300 GW.

Trong cơ cấu các nguồn điện năng toàn cầu trong giai đoạn 2010 - 2019, hệ thống điện toàn cầu đã bổ sung công suất điện mặt trời nhiều hơn tất cả các loại hình phát điện khác. Xếp sau điện mặt trời là nhiệt điện than, điện khí. Công suất thủy điện tăng chậm và công suất điện hạt nhân hầu như không tăng trưởng.

Tăng trưởng năng lượng phát thải carbon thấp hoặc không phát thải carbon chính thức vượt tăng trưởng năng lượng than trong thập kỷ qua, trong đó đã tính đến việc gia tăng công suất điện than tại Trung Quốc và Ấn Độ và sự giảm dần sử dụng nhiên liệu than tại nhiều quốc gia. Trong vòng 10 năm Trung Quốc đã bổ sung hơn 400 GW công suất điện than, trong khi Ấn Độ là 100 GW. Trái ngược với xu hướng gia tăng sản xuất điện than, cường quốc tiêu thụ năng lượng Mỹ đang dẫn đầu thế giới về cắt giảm sử dụng nhiên liệu than trong sản xuất điện.

Ngoài thị trường tiêu thụ than lớn là Ấn Độ và Trung Quốc, một số thị trường tiêu thụ than sẽ tiếp tục tăng trưởng song sẽ không đủ để thúc đẩy tiêu thụ than toàn cầu trong dài hạn. Dự kiến tiêu thụ than toàn cầu sẽ đạt đỉnh vào năm 2024 và suy giảm sau đó. LHQ kỳ vọng vào một sự chuyển đổi lớn trong lĩnh vực năng lượng sẽ diễn ra trong vài năm tới. Tuy nhiên điều quan trọng hơn là các quốc gia dành bao nhiêu % nguồn vốn và các nguồn lực khác thúc đẩy sử dụng các nguồn năng lượng sạch, năng lượng hỗn hợp. Năm 2019, Vương quốc Anh đã dừng sử dụng than trong 18 ngày. Và trong năm nay, nước này đã ngừng sử dụng than từ tháng tư đến nay.

Phạm TT.

Theo Bloomberg.

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nang-luong-tai-tao-se-som-dat-dinh-572722.html