Năng lượng để sản xuất một đơn vị GDP của Việt Nam cao gấp 1,4 lần Thái Lan

Cường độ năng lượng (năng lượng để sản xuất ra một đơn vị GDP) trong nền kinh tế nói chung và trong ngành công nghiệp nói riêng của Việt Nam hiện cao hơn 1,4 lần so với Thái Lan và 1,6 lần so với Malaysia.

Ngày 2/11, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với Hội đồng Doanh nghiệp về sự Phát triển Bền vững Việt Nam tổ chức Hội thảo "Chia sẻ các giải pháp năng lượng bền vững ngành chế biến gỗ và thủy sản ở Việt Nam".

Theo ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), cùng với sự phát triển của nền kinh tế, nhu cầu sử dụng năng lượng của Việt Nam đã tăng trưởng rất cao trong thời gian qua. Trong giai đoạn 2001 - 2020, nhu cầu năng lượng tăng khoảng 10%, trong đó, nhu cầu về điện tăng 13%/năm giai đoạn 2001- 2010, và giai đoạn 2011- 2015 do tác động của các chính sách về tiết kiệm năng lượng tốc độ tiêu thụ điện đã giảm 2%, xuống còn 10-10,5%.

Theo Bộ Công Thương, tình hình tiêu thụ năng lượng tại Việt Nam cơ cấu theo ngành như sau: ngành công nghiệp 47,3%, giao thông vận tải 29,6%, dân dụng 15,1%, phi năng lượng 3,4%, thương mại dịch vụ 3,1% và nông nghiệp 1,6%.

Toàn cảnh Hội thảo Chia sẻ các giải pháp năng lượng bền vững ngành chế biến gỗ và thủy sản ở Việt Nam. (Ảnh: V.P)

Cường độ năng lượng (năng lượng để sản xuất ra một đơn vị GDP) trong nền kinh tế nói chung và trong ngành công nghiệp nói riêng đã giảm đi trong thời gian vừa qua nhưng vẫn còn ở mức cao, hiện cao hơn 1,4 lần so với Thái Lan và 1,6 lần so với Malaysia. Dự kiến, từ năm 2023 trở đi, Việt Nam sẽ nhập khẩu khí hóa lỏng LPG từ năm 2023 cho phát điện. Trong tương lai, chúng ta ngày càng phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Cụ thể, trong lĩnh vực công nghiệp quy trách nhiệm của các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; ban hành các thông tư quy định mức tiêu thụ năng lượng cho các ngành công nghiệp trọng điểm; hỗ trợ tiết kiểm năng lượng và xây dựng hệ thống quản lý năng lượng…

Đối với ngành thủy sản, hiện Bộ Công Thương đang xây dựng Thông tư quy định định mức tiêu hao năng lượng trong ngành chế biến thủy sản với 2 sản phẩm chủ đạo là tôm đông lạnh và cá da trơn đông lạnh. Dự kiến sẽ trình Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành trong năm 2018. Theo đó, dự thảo thông tư quy định mức tiêu hao năng lượng giai đoạn 2019-2025 sản phẩm cá da trơn là 1.050 kWh/tấn sản phẩm cá tương đương, tôm 2.050 kWh/tấn sản phẩm tôm tương đương; giai đoạn 2026 - 2030, sản phẩm cá da trơn là 900 kWh/tấn sản phẩm cá tương đương và tôm là 1.625 kWh/tấn sản phẩm tôm tương đương.

Phân tích lý do chọn tôm và cá da trơn trong việc xây dựng chương trình giải pháp năng lượng ngành chế biến thủy sản ở Việt Nam, ông Đỗ Kim Cương, chuyên gia tư vấn về sử dụng năng lượng cho hay, đây là 2 tiểu ngành mang lại giá trị xuất khẩu lớn nhất cho ngành thủy sản, tiềm năng phát triển rất cao. Các xí nghiệp của 2 tiểu ngành này có mức độ chuyên môn hóa cao, quy mô thường tương đối lớn.

Tiêu thụ năng lượng ngành gỗ năm 2015 chiếm 2,32% lĩnh vực công nghiệp và 1% của quốc gia. (Nguồn: VIFORES)

Kết quả kiểm toán năng lượng đối với sản phẩm tôm và cá da trơn cho thấy, nguyên nhân dẫn đến lãng phí điện của 2 tiểu ngành này bao gồm cả điều hành sản xuất vận hành bảo dưỡng thiết bị cũng như hệ thống lạnh, chất lượng thiết bị. Trong đó, phần lãng phí do điều hành sản xuất, vận hành thiết bị vẫn là lớn nhất.

Đối với ngành gỗ, ông Nguyễn Quốc Khánh, chuyên gia tư vấn năng lượng cho hay, tiêu thụ năng lượng ngành gỗ năm 2015 chiếm 2,32% lĩnh vực công nghiệp và 1% của quốc gia. Tổng phát thải nhà kính 1,26 triệu tấn CO2 và gần như hoàn toàn là phát thải gián tiếp. Nhu cầu năng lượng ngành chế biến gỗ dự báo tăng với tốc độ trung bình 8%/năm giai đoạn 2015-2030.

Xây dựng kịch bản năng lượng bền vững cho ngành này có 20 giải pháp được nhận diện. Thực hiện theo kịch bản này giúp nhu cầu năng lượng tăng với tốc độ thấp hơn, 7,2%/năm. Phát thải khí nhà kính giảm 5,6% năm 2020 và 14,9% năm 2030, giảm 787 nghìn tấn CO2, tương đương 1,26% mức cam kết thỏa thuận Paris.

Giải pháp được đưa ra đối với các doanh nghiệp trong ngành gỗ như lựa chọn các công nghệ thiết bị hiện đại, thực hiện các giải pháp quản lý phía cầu để giảm chi phí tiền điện, giám sát sử dụng năng lượng…

Vũ Phong

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/nang-luong-de-san-xuat-mot-don-vi-gdp-cua-viet-nam-cao-gap-14-lan-thai-lan-80824.html