Năng lực giáo viên: Tránh chuẩn hình thức

Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ Việt Nam mới đây đã tổ chức góp ý về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Để thu hút người giỏi vào sư phạm, Hiệp hội đã đề xuất hàng loạt chính sách như đưa vào Luật Giáo dục (sửa đổi) lương giáo viên tương đương lương của lực lượng vũ trang, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo…

Chuẩn giáo viên là cần thiết, nhưng cần chuẩn thực chất.

Yêu cầu nâng chuẩn cần đi kèm với đãi ngộ

Theo ý kiến của Hiệp hội, về chế độ lương đối với giáo viên: Hiện nay lương của giáo viên không “được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương...” như Nghị quyết 29 để tạo động lực thu hút người giỏi vào nghề giáo. Vậy xin đề nghị đưa vào luật lương giáo viên tương đương lương của lực lượng vũ trang. Bởi vì giáo viên là lực lượng xung kích thực hiện mục tiêu “phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu” do Hiến pháp quy định.

Về trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên, Điều 72 Dự thảo quy định: “Có bằng tốt nghiệp CĐ sư phạm đối với giáo viên mầm non; có bằng tốt nghiệp ĐH sư phạm đối với giáo viên tiểu học”. Hiệp hội nhận thấy trong điều kiện hiện nay của đất nước nên mềm hóa việc này. Nhà nước nên tiếp tục “thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo” như Luật Giáo dục 2005 (Điều 77). Mặt khác, “tiến tới tất cả các giáo viên tiểu học, THCS, giáo viên, giảng viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải có trình độ từ ĐH trở lên, có năng lực sư phạm” như quy định tại Nghị quyết 29; thay thế dần người có trình độ theo hướng này nhưng không áp đặt cứng.

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ- Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ Việt Nam, yêu cầu nâng chuẩn giáo viên là cần thiết trong điều kiện hiện nay, khi chương trình giáo dục phổ thông mới đặt ra yêu cầu mới cho toàn ngành giáo dục. Nhưng khi nâng chuẩn giáo viên thì đồng thời cũng cải thiện chế độ đãi ngộ. Vấn đề này đã được kiến nghị nhiều năm qua nhưng thực hiện chưa được. Chỉ khi làm được điều này thì mới thu hút được người giỏi vào sư phạm. Nếu tốt nghiệp trình độ CĐ, ĐH nhưng giáo viên ra trường chỉ nhận mức lương trung cấp, thấp hơn nhiều ngành nghề khác thì bàn chuyện đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy là khó.

Cần chuẩn thực chất

Ông Nhĩ nhấn mạnh, việc nâng chuẩn cần thực chất chứ không được làm ào ạt, hình thức. Đặc biệt, giáo viên nào có thể nâng chuẩn thì mới yêu cầu còn người nào chưa đủ năng lực hoặc chuẩn bị về hưu thì không nhất thiết phải tổ chức đào tạo để nâng chuẩn sẽ lãng phí cả thời gian, tiền bạc, công sức.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về chuẩn của giáo viên mầm non, ông Nhĩ cho rằng cần phân biệt rõ giáo viên đứng lớp là đòi hỏi trình độ CĐ còn các cô bảo mẫu, cấp dưỡng… không nhất thiết yêu cầu trình độ CĐ…

Về vấn đề này, Bộ GDĐT thống kê, khi Luật Giáo dục (sửa đổi) có hiệu lực, sẽ còn khoảng 30% (khoảng 80.000 giáo viên mầm non) cần được đào tạo để nâng chuẩn. Lộ trình thực hiện là đối với những giáo viên chưa đạt chuẩn nhưng thời gian công tác còn lại dưới 5 năm (tính từ thời điểm Luật Giáo dục có hiệu lực) thì không nhất thiết phải tổ chức đào tạo để nâng chuẩn. Các giáo viên này chỉ cần tham gia các khóa bồi dưỡng theo các chuyên đề phù hợp để nâng cao năng lực dạy học để đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Đối với các trường trung cấp sư phạm mầm non (cả nước chỉ còn 2 trường) sẽ được tổ chức lại theo hướng chuyển đổi thành trường CĐ sư phạm (nếu hội đủ điều kiện) hoặc chuyển đổi trường trung cấp sư phạm thành khoa sư phạm tại các trường CĐ... Xây dựng kế hoạch, chương trình và lộ trình để đào tạo liên thông từ trung cấp lên CĐ đối với nhóm giáo sinh đang theo học trung cấp mầm non.

Cùng với đó, góp ý về chương trình GDPT và SGK, Hiệp hội cho rằng: Nghị quyết 88 của Quốc hội quy định ở giáo dục phổ thông có một chương trình nhiều SGK là đúng đắn. Để nâng cao hiệu quả SGK, xin kiến nghị bổ sung nội dung: “SGK được xuất bản bằng tiền từ ngân sách Nhà nước sẽ là SGK mở, dù ở dạng in hay ở bất kỳ định dạng tệp điện tử nào”.

Một số đề xuất khác của Hiệp hội liên quan đến hệ thống giáo dục quốc dân, thành lập hội đồng trường ở các trường phổ thông công lập… Đây là những vấn đề còn nhiều ý kiến chưa thống nhất, nên Hiệp hội đề nghị nghiên cứu lại, thậm chí tới đây cần đưa ra thảo luận, biểu quyết riêng ở Quốc hội.

Hàn Minh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/nang-luc-giao-vien-tranh-chuan-hinh-thuc-tintuc428112