Năng lực cạnh tranh tụt 3 bậc: Không ngạc nhiên

Một người dù được đào tạo bài bản nhưng nếu không có công cụ, phương tiện để sáng tạo cũng không thể sáng tạo được

Thiếu công cụ sáng tạo

Cũng liên quan tới báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu của VN bị tụt 3 bậc (xếp thứ 77/140 nền kinh tế) do năng lực sáng tạo thấp, GS-TSKH Phạm Phố - nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn nói thẳng, kết quả trên không gây ngạc nhiên, thực tế là năng lực sáng tạo của VN hiện rất thấp.

Năng lực cạnh tranh bị tụt 3 bậc. Ảnh minh họa

Năng lực cạnh tranh bị tụt 3 bậc. Ảnh minh họa

Vị GS nói rõ, sáng tạo không phải cứ nói miệng, cầm quyển sách là có thể sáng tạo được. Một người dù được đào tạo bài bản nhưng nếu không có công cụ, phương tiện để sáng tạo cũng không thể sáng tạo được.

Hiện nay, nhiều tỉnh thành, địa phương đang rầm rộ ra chính sách "chiêu hiền đãi sĩ", kêu gọi người tài về làm việc với cơ chế thoáng, lương cao nhưng lại không cung cấp cho họ môi trường để sáng tạo, công cụ, phương tiện, cơ sở hạ tầng... để người ta sáng tạo thì thu hút về để làm gì?

"Chuyện "chiêu hiền đãi sĩ" ở đây không phải là cứ bỏ ra một khoản tiền, trả cho người tài một mớ tiền kéo người ta về là sẽ ra kết quả, người tài sẽ phát huy được tài năng", GS Phạm Phố nhận định.

Theo vị GS, việc này chẳng khác nào một bác sĩ phẫu thuật mà lại không được cung cấp thiết bị, không có máy móc, không có phòng thí nghiệm vậy. Còn trong kinh tế, thì hô hào phát triển, hô hào tăng trưởng nhưng lại chỉ chạy theo xuất khẩu để lấy thành tích chứ không dựa trên nền tảng phát triển công nghệ hiện đại, không tập trung giải quyết bài toán về cơ sở vật chất và vốn trí thức, vì thế, không tạo ra được những thế hệ con người trí thức sáng tạo. Đây là nguyên nhân khiến nền kinh tế VN chậm phát triển so với các nước.

Nếu chỉ lắp ráp rồi tung hô...

Vị GS cho rằng, trụ cột năng lực sáng tạo của VN thấp sẽ có tác động rất lớn tới kết quả thực hiện mục tiêu tái cấu trúc kinh tế theo CMCN 4.0, do đó, nếu muốn đạt được mục tiêu thì trước hết phải cung cấp đầy đủ các công cụ, phương tiện, con người để thực hiện mục tiêu đó.

Nếu không cung cấp công cụ để tham gia thì không khác nào chúng ta kêu gọi xây dựng các thành phố thông minh nhưng lại không trang bị máy tính, không kết nối công nghệ thông tin thì thông minh làm sao được?.

GS Phạm Phố so sánh: "Như ngành cơ khí chẳng hạn, muốn tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu, ngành cơ khí, luyện kim phải có nền tảng sản xuất vững chắc, phải tự sản xuất được các thiết bị, vật liệu chất lượng cao để phục vụ sản xuất. Nếu cứ như ngành chế tạo robot, ra chợ trời mua linh kiện về lắp ráp, mang đi thi được giải là tung hô, là được xem như chế tạo robot đạt đỉnh cao, thì không ổn. Như vậy mới chỉ chăm phần ngọn chứ chưa lo được phần gốc.

Bài học từ Nhật, Trung Quốc cho chúng ta thấy, dù không đạt được thành tích gì trong chế tạo robot nhưng công nghiệp chế tạo kỹ thuật điện tử của họ thì cả thế giới đang phải thừa nhận. Đó mới là điều quan trọng", GS Phạm Phố nói.

Vị GS nhấn mạnh, khi còn thiếu các phương tiện, công cụ để thúc đẩy giới trí thức phát huy nghiên cứu, sáng tạo thì rất khó theo đuổi mục tiêu tái cấu trúc kinh tế theo CM 4.0. Lúc đó, nói là tái cấu trúc kinh tế 4.0 chỉ là nói cho vui.

Năng lực cạnh tranh tụt 3 bậc: Phải loại bệnh thành tích

Theo quan sát của vị GS, vướng mắc lớn nhất của VN hiện nay là do chưa xác định được chính sách đầu tư, cụ thể là về cơ sở hạ tầng, mà cụ thể hơn là phải xác định được từng ngành, từng lĩnh vực đóng vai trò then chốt trong phát triển kinh tế.

Vì lẽ đó, mà nền kinh tế hiện đang phụ thuộc hầu hết vào nhập khẩu. Cơ khí được xem là ngành phát triển trọng điểm tuy nhiên bao nhiêu năm kết quả không cải thiện, không tự chủ, không tự sản xuất được thiết bị chất lượng cao.

Đặc biệt, yếu tố sáng tạo của con người cũng chưa được chú trọng.

"Khi thiếu vắng các yếu tố nền tảng công cuộc tái cấu trúc theo CMCN 4.0 là rất khó khăn, muốn làm được như vậy trước hết phải dừng ngay việc hô hào khẩu hiệu mà cần đi vào thực hiện thực chất hơn.

Chính sách đầu tư phải có chọn lọc, có trọng tâm, trọng điểm, khi đầu tư phải xác định doanh nghiệp đầu tư công nghệ gì, có phải công nghệ hiện đại không hay công nghệ lạc hậu. Chúng ta phải tỏ rõ thái độ không chấp nhận và loại bỏ ngay công nghệ lạc hậu từ lúc bắt đầu.

Về cách thức hỗ trợ, hỗ trợ là đi vào cụ thể từng dự án. Tôi lấy ví dụ như ở các nước họ không bao giờ giải ngân, cho tiền trực tiếp mà thực hiện hỗ trợ theo hình thức đầu tư trực tiếp vào thiết bị cho các trường học, phòng nghiên cứu để sinh viên có điều kiện nghiên cứu, học tập.

Phương châm của họ là hỗ trợ dựa trên hiệu quả và đánh giá thực tế, dự án hiệu quả mới đầu tư, không hiệu quả phải loại ngay, không dây dưa, tốn kém.

Đặc biệt, họ tuyệt đối không giải ngân kiểu chia tiền cho doanh nghiệp muốn làm gì thì làm. Như vậy là rất lãng phí mà không bao giờ hiệu quả", GS Phạm Phố chỉ rõ.

Hoài An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/nang-luc-canh-tranh-tut-3-bac-khong-ngac-nhien-3368183/