Nặng lòng với văn hóa Tây Nguyên

'Người Tây Nguyên xưa từng mang 5-7 con voi hoặc đàn trâu để đổi chiêng, chóe.

Tựa như các đại gia bây giờ, bỏ cả triệu USD để tậu siêu xe. Thậm chí, chiêng, chóe còn giá trị hơn, vì mang ý nghĩa tâm linh; nhưng theo thời gian, báu vật bị đưa ra khỏi buôn làng!”, bà Lê Thị Lý chia sẻ lý do khi bản thân đam mê sưu tầm, lưu giữ báu vật Tây Nguyên.

Báu vật rời xa buôn làng

Chúng tôi đến thăm khu bảo tồn hàng nghìn đồ vật văn hóa Tây Nguyên nằm ở cuối buôn Ako Dhông, phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc) vào một chiều cuối tuần. Cơn gió chiều luồn vào ngôi nhà dài truyền thống mang dáng dấp của đồng bào Ê Đê như đánh thức các món đồ vật sau giấc ngủ dài vì dịch Covid-19. Bên trong ngôi nhà, bà Lê Thị Lý, 56 tuổi, chủ nhân khu bảo tồn đang mê mải sắp xếp lại các món đồ trưng bày theo thứ tự: Đồ vật dùng trong các lễ cúng, đồ dùng sinh hoạt, dụng cụ sản xuất, đồ trang sức...

“Trước đây chưa có dịch Covid-19, khách đến thưởng lãm nhiều lắm. Khách Tây, khách ta có cả. Vui nhất là gặp những vị khách nước ngoài rất thích khám phá văn hóa Tây Nguyên. Họ hỏi tôi đủ điều về nguồn gốc, ý nghĩa của từng món đồ. Nhiều người còn kết bạn Facebook để tìm hiểu thêm về Tây Nguyên. Cứ thế, tôi lại có thêm nhiều người bạn thú vị”, bà Lý mở đầu câu chuyện với chúng tôi.

Nói về lý do sưu tầm, bảo tồn các đồ vật văn hóa Tây Nguyên, bà Lý cho rằng đó là cơ duyên. Hai mươi lăm năm về trước, bà Lý là thương nhân phân phối dầu nhớt nên có cơ hội đi khắp các buôn, làng Tây Nguyên. Thấy những chiếc chum, chóe hay món đồ của người dân một thời được xem là “báu vật” của buôn, làng nay dần bị lãng quên, bỏ lăn lóc dưới sàn nhà hoặc lần lượt rơi vào tay thương lái tuồn đi nơi khác, bà Lý tiếc nuối nên tìm mọi cách sưu tầm, níu giữ. Năm 1997, bà bắt tay vào sưu tầm với ý định ban đầu chỉ để làm vật trang trí trong nhà. Càng về sau, chính các giá trị văn hóa ẩn chứa trong từng món đồ trở thành một “ma lực” cuốn bà vào vòng xoáy sưu tầm để lưu giữ, bảo tồn. Có bao nhiêu tiền, bà lại dồn vào công cuộc sưu tầm đồ vật, đến khi nhìn lại đã sở hữu hàng nghìn món đồ, vật dụng đủ loại.

Trong bộ sưu tập của bà Lý, có hơn 500 chiếc chóe lớn, nhỏ được chạm trổ nhiều họa tiết, muông thú khác nhau. Bà Lý cho hay, qua tìm hiểu được biết chiếc chóe gắn chặt với đời sống đồng bào các dân tộc Tây Nguyên như một vật linh thiêng, có thần linh ngự trị, không thể thiếu trong các lễ hội, cúng tế. Không chỉ mang giá trị văn hóa, chóe còn là tài sản rất quý thể hiện sự sung túc của gia chủ nên thường dùng làm của hồi môn tặng con cái khi lập gia đình hoặc ra ở riêng. Tùy từng vùng, chóe có những cách gọi khác nhau dựa theo hoa văn, hình dáng, màu sắc hay những con vật được trang trí trên thân chóe. Với người Ê Đê, chóe được xếp theo thứ tự từ quý nhất đến bình thường là: Chóe tuk, chóe tang, chóe ba, chóe bô, chóe jăn, chóe duê, chóe krăk.

Bà Lê Thị Lý (bên trái) nói về hành trình sưu tầm những chiếc gùi Tây Nguyên.

Bà Lê Thị Lý (bên trái) nói về hành trình sưu tầm những chiếc gùi Tây Nguyên.

Chỉ tay vào chiếc chóe màu sẫm, phía bên miệng gắn thêm một vài chiếc chóe nhỏ có hình thù y hệt, bà Lý cho hay đó là chóe mẹ bồng con, thể hiện tình mẫu tử thiêng liêng và biểu tượng đặc trưng cho chế độ mẫu hệ của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Chóe mẹ bồng con rất quý hiếm nên bị làm giả nhiều. Bà Lý tiết lộ, muốn biết chóe thật hay giả, chỉ cần đổ một lượng nước như nhau vào hai chóe. Nếu là chóe thật, mực nước trong hai chóe luôn bằng nhau, còn chóe giả mực nước sẽ chênh lệch.

“Chóe mẹ bồng con càng nhỏ càng có giá trị; ngược lại, chóe chạm hình hoa cúc, chân voi, hình rồng... càng to càng quý. Có chiếc chóe gia chủ phải đổi 5-7 con voi hoặc đàn trâu, bò nên chỉ nhà giàu hoặc tộc trưởng, tù trưởng thời bấy giờ mới sở hữu; giống như thú chơi của các đại gia thời nay bỏ cả triệu USD tậu siêu xe. Tuy nhiên, chiêng, chóe quý hơn vì ẩn chứa trong đó là cả giá trị tâm linh và phải có duyên mới sở hữu được. Có nhiều người sau khi bán hết chóe trong nhà, khi ghé khu bảo tồn của tôi ngắm nhìn đồ vật quen thuộc một thời lại tiếc nuối, lưu luyến”, bà Lý nói.

Tìm đến chiếc chóe bát bửu cao gần 1m phủ màu đất đỏ bazan, giọng bà Lý trầm lại, đôi mắt đăm chiêu, kể: “Chiếc chóe làm tôi nhớ lại hành trình sưu tầm đồ vật Tây Nguyên 25 năm về trước. Đó là lần về buôn làng vùng sâu huyện Krông Năng, tỉnh Đắc Lắc, tôi gặp được chiếc chóe bát bửu này. Đây không phải chiếc chóe quý hiếm nhất mà tôi sở hữu, nhưng nó khiến lòng tôi đau đáu về câu chuyện đổi chóe của gia chủ. Chủ cũ ra giá 40 con trâu nhưng nhà này chỉ có 30 con. Vì muốn có ngay chiếc chóe, người chủ dắt theo cô con gái 12 tuổi cùng đàn trâu sang thương thảo. Chủ cũ đồng ý với điều kiện cô gái phải làm việc 5 năm. Cuộc thương thảo thành công, cô gái ở lại làm việc trả nợ, 5 năm sau mới quay về. Chóe giá trị đến thế, vậy mà thế hệ sau này lại không muốn giữ nữa!”.

Gìn giữ "của để dành" cha ông để lại

Ngoài những báu vật mà gia chủ từng đổi 5-7 con voi hoặc đàn trâu (chiêng, chóe, trống hgơr...), bà Lý còn sưu tầm hơn 2.000 món đồ có giá trị như các loại gùi, váy, khố, chăn, áo thổ cẩm, đồ trang sức bằng ngà voi, chiếc vòng cong tua và nhiều vật dụng hằng ngày, như xà gạt, rìu cổ, chiếc nỏ, cối giã gạo, bàn chải để tắm voi hay chiếc chiếu cói được dệt thủ công dài hơn 5m qua thời gian vẫn nguyên vẹn hình hài.

Hành trình sưu tầm đồ vật của bà Lý không phải lúc nào cũng suôn sẻ, mua được món đồ mình thích. Nhiều lần gia chủ đã đồng ý bán, nhận tiền đặt cọc, nhưng sau đó họ lại đổi ý hoặc có khi bị thương lái “hớt tay trên”, không ít lần bà phải ngậm ngùi ra về tay trắng. Chưa kể, nhiều hôm gặp trời mưa, con đường đất đỏ bazan nhão nhoẹt, trơn trượt khiến xe chở hiện vật mua được bị sa lầy, bà Lý phải tìm mọi cách bảo quản hàng, mặc cho người bị lấm lem, ướt lạnh.

Với từng món đồ sưu tầm được, bà Lý đều ghi chép cụ thể về nguồn gốc, xuất xứ, ý nghĩa và cả câu chuyện gắn liền với chủ cũ... để hiểu hơn về giá trị của chúng và giải nghĩa cho những ai cùng đam mê, tìm hiểu văn hóa Tây Nguyên. Bà Lý nói thêm: “Mỗi món đồ đều phản ánh phong tục, đời sống của người Tây Nguyên, như 7 chiếc giường đang sở hữu được làm nguyên khối ngang từ 1 đến 1,2m. Chân giường được đục liền với mặt, chiều dài đủ kích cỡ vì phụ thuộc vào chiều cao chủ nhà, chứ không làm theo chuẩn 2m như bây giờ. Hay như việc làm ghế kpan-ghế làm từ thân cây nguyên khối, cũng thể hiện ý thức về chuyện bảo vệ rừng của đồng bào Tây Nguyên xưa. Trong buôn làng, chỉ người khá giả, sở hữu nhiều trâu, bò mới đủ điều kiện làm ghế kpan”, bà Lý kể.

Trước khi làm ghế kpan, người chủ phải mang lễ đến xin ý kiến của các chức sắc, già làng, tộc trưởng trong buôn. Họ chỉ duyệt cho những ai đã qua 60 mùa rẫy (tức hơn 60 tuổi). Sau đó, các chức sắc cùng với gia chủ lên một cánh rừng, mang theo lễ vật cúng tạ lỗi với thần rừng để xin phép. Người có chức sắc chọn cây già nhất trong rừng rồi quăng lưỡi rìu lên cây sau đó về ngủ một đêm. Đến sáng hôm sau, họ quay lại, nếu chiếc rìu không rơi nghĩa là thần rừng cho phép hạ cây. Còn nếu rìu đã rơi xuống, là thần rừng không đồng ý thì mọi người không chặt hạ cây. Kpan được làm theo mốc thời gian 7, 9, 11 ngày, thời gian sớm nhất và đúng theo số ngày thì mới giá trị vì nó thể hiện sự đoàn kết, sức mạnh trai tráng của buôn, làng đó. Ghế được làm xong, chủ nhà dâng lễ vật, thầy cúng lấy máu con vật hiến tế bôi lên ghế, từ đó kpan đã được thần linh chứng giám.

Ghế kpan vốn đã quý hiếm, nay hầu như vắng bóng khỏi buôn làng do rừng già dần biến mất, người dân không được đốn hạ cây rừng nên không có cây đại thụ để đẽo ghế. Một nguyên nhân nữa khiến chiếc ghế quyền lực rời xa buôn làng là vì những năm gần đây, giới săn đồ cổ vào tận các buôn làng “săn” ghế kpan với giá rất cao. Nhiều người vì hám lợi trước mắt mà bán đi bảo vật quý báu, “của để dành” mà cha ông đã tâm huyết để lại rơi rớt dần.

Trong 25 năm sưu tầm, bà Lý sở hữu hàng nghìn món đồ quý giá mang ý nghĩa văn hóa sâu đậm của người Tây Nguyên. Sau đó, bà dựng một ngôi nhà dài Ê Đê trong Khu du lịch sinh thái Tâm An Viên ở cuối đường Trần Nhật Duật, thuộc buôn Ako Dhông làm không gian trưng bày. Đây được xem như bảo tàng tư nhân thu nhỏ giữa lòng Tây Nguyên-nơi lưu giữ những giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên cho thế hệ sau biết về nguồn cội nơi mình đang sinh sống và điểm đến thú vị cho khách phương xa muốn khám phá văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Ở tuổi xế chiều, niềm vui mỗi ngày của bà Lý là được ngắm nhìn và kể những câu chuyện văn hóa Tây Nguyên thông qua từng đồ vật. Mỗi khi có chuyện buồn không thể tâm sự với ai, bà lại tựa lưng vào chiếc cột của ngôi nhà dài, thì thầm một mình, tự nhiên đầu óc nhẹ hẳn. Từ trong tâm tưởng cho đến những việc đang làm, bà Lê Thị Lý đã góp phần nhỏ bé của mình vào gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống Tây Nguyên cho hôm nay và mai sau.

Box: “Tôi muốn tìm được người nào đó tại Đắc Lắc, có kiến thức và đam mê văn hóa Tây Nguyên để kế thừa và lan tỏa giá trị văn hóa ấy thông qua những món đồ vật mà mình đã sưu tầm được. Những bảo vật của buôn làng chỉ “có hồn” khi chúng được ở trong không gian truyền thống, chứ không phải nơi xa lạ nào khác. Và bảo tồn văn hóa không đơn thuần là trưng bày, mà bằng nhiều cách khác nhau để chúng “được sống” cùng với hơi thở của thời đại, xã hội”, bà Lê Thị Lý tâm niệm.

Bài và ảnh: PHƯƠNG KHÁNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-14/nang-long-voi-van-hoa-tay-nguyen-699529