Nặng lòng với trẻ khiếm thính

Dù gần hai thập kỷ trôi qua nhưng cô Nguyễn Thị Hồng Thu (40 tuổi) vẫn không thể nào quên cơ duyên đưa cô đến với những cô cậu học trò khiếm thính tại Trường Chuyên biệt Tương lai Đà Nẵng (cơ sở 2). Cô Thu nghĩ đơn giản rằng, việc cô đến, đồng hành, sẻ chia cùng những học trò đặc biệt ấy là làm theo tiếng gọi của trái tim…

Dù gần hai thập kỷ trôi qua nhưng cô Nguyễn Thị Hồng Thu (40 tuổi) vẫn không thể nào quên cơ duyên đưa cô đến với những cô cậu học trò khiếm thính tại Trường Chuyên biệt Tương lai Đà Nẵng (cơ sở 2). Cô Thu nghĩ đơn giản rằng, việc cô đến, đồng hành, sẻ chia cùng những học trò đặc biệt ấy là làm theo tiếng gọi của trái tim…

Cô Thu tận tình hướng dẫn các em trong giờ học Toán.

Cô Thu tận tình hướng dẫn các em trong giờ học Toán.

Học trò "dạy" cô giáo

Vốn đam mê dạy trẻ nên sau khi hoàn thành chương trình phổ thông cô Thu thi vào Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng chuyên ngành Giáo dục Tiểu học. Năm 2001, cô tốt nghiệp xin về làm việc tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (Q. Hải Châu). Công tác được 4 năm cô cùng hàng chục giáo viên trẻ khác trên địa bàn thành phố được động viên về Trường Chuyên biệt Tương lai dạy các em học sinh kém may mắn vì ở đây thiếu giáo viên. "Dạy những em học sinh bình thường đã không đơn giản nay dạy trẻ đặc biệt đương nhiên khó khăn sẽ nhiều hơn nên các anh chị em đồng nghiệp vẫn còn đắng đo, suy nghĩ. Riêng bản thân tôi tự dưng lúc này trái tim lại mách bảo thế là xung phong về ngay mà chẳng cần nghĩ ngợi gì", cô Thu nhớ lại. Cũng theo cô Thu, thực tế thì trong khoảng thời gian còn là sinh viên cô cũng đã biết đến Trường Chuyên biệt Tương lai và đã từng ấp ủ, hy vọng một ngày được về đây công tác.

Những ngày đầu về trường mới, ngoài lòng nhiệt huyết, đam mê và tình yêu đặc biệt dành cho trẻ kém may mắn thì cô Thu còn thiếu kinh nghiệm so với những giáo viên đã gắn bó nhiều năm ở đây. Bởi, cô mới được đào tạo để dạy những học sinh bình thường. Lúc này, cô được phân công làm công tác đoàn, đội. Thời gian sau khi làm quen với học sinh cô muốn được đứng lớp nên Ban giám hiệu đồng ý cho cô về lớp khiếm thính. "Học trò đều là những em câm điếc, việc giao tiếp hoàn toàn bằng ngôn ngữ ký hiệu. Thế nhưng thú thật thì tôi chỉ mới được đào tạo, tập huấn ở những khóa học ngắn hạn và mới cơ bản giao tiếp thông thường được với các em học sinh mà thôi. Ký hiệu ngôn ngữ dành cho người khiếm thính thì đa dạng nên nhiều lúc tôi cũng phải "học" lại từ học trò. Tôi không ngại điều đó vì quá trình cô trò dạy nhau lại tạo không khí cởi mở, thân thiện, khoảng cách giữa cô - trò được xích lại gần hơn", cô Thu tâm sự.

Cô Thu nhận đứng lớp 4, dạy các môn Toán, Tiếng Việt, Đạo đức. Chương trình dạy học cho học sinh khiếm thính cũng cơ bản giống như học sinh bình thường. Cái khó là học trò cô không thể nghe và nói được nên việc truyền đạt bằng những ký hiệu cũng còn nhiều trở ngại, hạn chế. Dù khó khăn, vất vả nhưng cô vẫn quyết tâm bằng cách nào đó nhất quyết phải giúp các em hiểu bài. Có mặt tại buổi dạy của cô Thu, chúng tôi mới cảm nhận rõ được tình cảm ấm áp, chân thành mà cô trò dành cho nhau. Cô Thu dùng ký hiệu hỏi các em "đã làm bài tập về nhà chưa?" nhưng lại ký hiệu ngược lại là "bài tập về nhà, chưa làm?". Tôi thắc mắc, cô liền lý giải, ngữ pháp khi truyền tải bằng ngôn ngữ ký hiệu luôn ngược so với ngữ pháp thông thường của chúng ta. Ngày đầu nhận lớp chính cô cũng bỡ ngỡ vì tại sao truyền tải mãi mà học sinh lại không hiểu. Hỏi học trò thì cô mới hay là phải làm ngược lại.

Luôn là người truyền cảm hứng

Học trò cô Thu tiến bộ từng ngày, nhiều năm liền đạt học sinh khá, giỏi. Có em ra trường tiếp tục học cao hơn và tìm được công việc ổn định, tự nuôi sống bản thân. Nhắc về những cô, cậu học trò ấy cô không giấu được niềm xúc động, tận bây giờ thỉnh thoảng cô trò vẫn liên lạc, động viên nhau cố gắng vượt qua khó khăn. Theo cô Thu, cô chưa bao giờ xem mình là người thầy có vai vế trên học trò mà luôn là người bạn đồng hành, san sẻ mọi vui buồn trong cuộc sống. Ở lớp cô đặt mình vào vị trí của các em để làm sao truyền cảm hứng một cách tốt nhất, hiệu quả nhất. Cô Thu tâm sự, những học trò đặc biệt này thường mau quên nên cô phải tập tính kiên trì, bền bỉ dạy đi dạy lại những bài học cũ đến khi nào các em hiểu rõ mới thôi. Quá trình dạy học cô cũng luôn tìm tòi nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy để lôi cuốn, tạo hứng thú cho các em. "Học phải như vui chơi thì hiệu quả mới cao nhất. Học sinh của tôi dù không nghe, không nói được nhưng có em trí lực tốt, rất thông minh nên dạy gì các em hiểu ngay. Trước một bài giảng nào đó tôi sẽ đóng vai trò là người chỉ dẫn, lôi cuốn các em vào bài giảng rồi truyền đi những thông điệp cần hướng đến", cô Thu nói.

Ngoài công tác giảng dạy, cô Thu còn tích cực lên kế hoạch, thực hiện các hoạt động ngoại khóa, dã ngoại nhằm giúp cho học sinh có cơ hội giao lưu, tìm hiểu những điều tốt đẹp xung quanh cuộc sống. Cô cũng là người có năng khiếu dạy các em nhảy múa, tập luyện các môn thể thao… "Những em kém may mắn thường rất dễ tự ti, mặc cảm nên thầy cô phải chủ động tạo cho các em một môi trường vui chơi, học tập thân thiện nhất. Chỉ khi nào thật sự thấu hiểu, cảm thông được những thiệt thòi mà bản thân các em đang gánh chịu thì mới hoàn thành được công việc. Vì thế, bao giờ tôi cũng xem các em như chính những người thân trong gia đình, đặt mình vào vị trí là cha, mẹ các em là cách duy nhất để đồng hành, dìu bước các em qua những chông chênh, trở ngại của cuộc đời", cô Thu bộc bạch.

Thầy Nguyễn Duy Quy - Hiệu trưởng Trường Chuyên biệt Tương lai cho hay, cô Thu là một giáo viên yêu nghề, hết lòng vì học trò. Những gì cô cống hiến cũng đã minh chứng tình yêu lớn cô dành cho những học trò kém may mắn. Với cô Thu, trường học không còn là nơi đơn thuần thầy dạy trò mà đây thực sự là "ngôi nhà chung". Ở đó, thầy cô là bạn, là người truyền cảm hứng để các em có cơ hội hòa nhập với cộng đồng, xã hội và xa hơn nữa là theo đuổi những ước mơ đẹp của cuộc đời.

Thành Danh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/137_205409_nang-long-voi-tre-khiem-thinh.aspx