Nặng lòng với sân khấu múa rối

Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề múa rối, NSƯT Phương Nhi được chính bố mình, đạo diễn đầu tiên của múa rối nước nhà, đào tạo trở thành diễn viên và suốt đời gắn bó với những con rối nhỏ bé vô cùng sinh động, giàu tính biểu tượng.

Diễn viên Phương Nhi sinh năm 1965. Năm 1986, chị tốt nghiệp lớp diễn viên múa rối Trường đại học Sân khấu - Ðiện ảnh Hà Nội và đầu quân về Nhà hát múa rối Thăng Long. Ðó cũng là thời điểm các đoàn nghệ thuật bắt đầu vắng khách, nhiều diễn viên bỏ nghề, nhưng niềm đam mê rối đã giúp chị trụ lại và gắn bó với nghề từ đó đến nay. Và cũng chính khó khăn đã khiến những nghệ sĩ tâm huyết với sân khấu rối phải trăn trở tìm hướng đi. Lúc ấy, trên sân khấu mới chỉ có rối cạn; hai năm sau, mọi người bắt đầu tìm hướng đi mới là làm rối nước. Phương Nhi là một trong những diễn viên đầu tiên, trẻ nhất mày mò, lặn lội học múa rối nước. Không có quần áo cao-su, họ vẫn mặc quần áo bình thường lội xuống nước điều khiển những con rối. Những ngày đầu gian khổ ấy, chưa ai dám hy vọng, trong tương lai, rối nước sẽ khiến họ đổi đời. Bây giờ, diễn viên rối nước được trang bị đồ nghề hiện đại, nhưng nhiều người vẫn nhớ như in cảm giác lạnh thấu xương khi ngâm mình trong nước giữa mùa đông rét mướt...

Rối nước gồm các tích trò cổ, mỗi trò cần nhiều diễn viên phối hợp, riêng Phương Nhi lại thích những trò khó. Chị nghĩ, phải tìm được cho mình lối riêng, tinh tế để làm sao khi diễn mọi người cảm nhận được sự khác biệt. Ví như, khi điều khiển con chim phượng, chị phải để con rối biểu cảm theo đúng câu hát, điệu nhạc, lột tả được tâm trạng. Con cá khi lượn cái đuôi cũng phải uốn duyên dáng. Vì đứng sau con rối, khán giả không nhìn thấy mặt nên chị gửi hết cảm xúc vào các nhân vật bằng gỗ qua đôi tay mềm mại của mình. Khán giả có thể không để ý, song đồng nghiệp chỉ cần nhìn con rối là biết ngay Phương Nhi đang diễn.

Càng diễn, chị càng say. Năm 2003, đang mang bầu bảy tháng, chị vẫn tất bật, say sưa với ba tiết mục tham gia Liên hoan múa rối toàn quốc là "Vũ điệu chim công", "Bù nhìn rơm" và "Tiếng gọi trẻ thơ"; giành được Huy chương bạc. Năm 2010, chị lại nhận Huy chương vàng vai Tấm trong "Tấm Cám" tại Liên hoan múa rối toàn quốc. Chị được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 2012, sau đó đi học thêm khóa đạo diễn sân khấu. Năm 2018, Phương Nhi thật sự bứt phá khi giành giải Ðạo diễn xuất sắc Liên hoan múa rối quốc tế với vở "Công chúa tóc mây", một tác phẩm độc đáo bởi có sự kết hợp giữa rối nước và rối cạn, trình diễn ngay tại sân khấu Nhà hát múa rối Thăng Long. Ở vở diễn này, chị áp dụng giải pháp gọn nhẹ về cảnh trí, chỉ một vài thay đổi đã chuyển từ không gian này sang không gian khác mà người xem không phát hiện. Ðồng thời, sử dụng con rối liên hoàn khiến người xem không phát hiện sự xuất hiện của con rối khác, đang từ trên cạn lại bước xuống dưới nước.

"Công chúa tóc mây" nói về vấn đề đang thu hút sự quan tâm của mọi người là biến đổi môi trường nhưng nhân vật là công chúa, hoàng tử, phù thủy - một câu chuyện tình cảm với nhiều trò sinh động, chứ không nặng về tuyên truyền. Với vở diễn này, Phương Nhi đã vượt qua chính mình, chứng tỏ tay nghề của một đạo diễn sân khấu múa rối. Vở diễn cũng giành được Huy chương bạc tại liên hoan. Năm 2010, Phương Nhi dựng vở rối cạn "Bí ẩn 2/3" cũng về đề tài môi trường; năm 2015, chị thực hiện vở "Hào quang từ quá khứ", gồm chùm trích đoạn các vở diễn tiêu biểu với những nhân vật kinh điển của thế hệ đi trước, như một lời tri ân.

Tính đến nay, NSƯT Phương Nhi đã có 36 năm trong nghề, chị hiện là Trưởng đoàn diễn viên 2, bận rộn triền miên dù có lúc sức khỏe không được tốt. Nhà hát múa rối Thăng Long đã trải qua những ngày tháng gian khó, nay trở thành đơn vị có doanh thu cao nhất ở lĩnh vực sân khấu. Diễn viên tài năng như Phương Nhi không những được thỏa chí sáng tạo mà còn sống khỏe với nghề. Chị kể, ngày xưa nhìn các đoàn sáng đèn, chị "thèm" lắm; giờ thì khác nhiều rồi! Ðúng là mỗi thời mỗi khác, song cứ yêu nghề, nghề sẽ không phụ!

THU HUYỀN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/chan-dung/item/39374902-nang-long-voi-san-khau-mua-roi.html