Nặng lòng với quê hương

(Báo Quảng Ngãi)- Cả đời thương binh Nguyễn Duy An gắn bó ở quê hương. Thời chiến thì cầm súng. Hòa bình thì tham gia công tác Đảng, chính quyền. Cho đến lúc nghỉ hưu thì dốc lòng cho công tác khuyến học. Ông là một trong 9 người có công tiêu biểu của Quảng Ngãi tham dự Hội nghị biểu dương người có công toàn quốc năm 2017.

Hỏi chuyện, ông An bộc bạch: Cả đời tui quẩn quanh trong xã, nhưng nhờ đó mà bà con hiểu mình, mình hiểu bà con nên mọi việc trôi chảy hơn.

Ông An ( bên trái) bên đồng đội thời chiến.

“Chú An cả đời đóng góp cho quê hương Phổ Thạnh. Trong chiến tranh thì kiên cường dũng cảm, trong hòa bình thì nỗ lực dựng xây. Mặc dù nghỉ hưu, nhưng chú vẫn tham gia công tác xã hội và là chỗ dựa tin cậy của anh em lãnh đạo xã”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ NGUYỄN THỊNH

Bám trụ giữa lòng dân

Nhà ông An, ở thôn Tân Diêm, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ), nằm sát Quốc lộ 1, cạnh đồng muối Sa Huỳnh. Nơi phòng khách treo hai bức ảnh trắng đen của ông An đầu đội mũ tai bèo, tay cầm súng. Ông cười, nói: “Như nhiều gia đình ở làng biển này thôi. Hết lớp cha anh là đến lượt mình, 19 tuổi tôi tham gia du kích”.

Chiến trường Đức Phổ những năm 1965 trở đi thật khốc liệt. Những năm đó, ông An cùng đội du kích Phổ Thạnh kiên cường bám trụ giữa lòng dân. Ban ngày thì xuống hầm bí mật, rồi đêm đêm lại cùng nhau “diệt ác phá kìm”. Những trận đánh đồn Đá Leo, đồn Dốc Ổi bảo vệ thông suốt cho đường dây cõng muối ngược đường lên tiếp viện cho vùng căn cứ kháng chiến Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà làm nức tiếng đội du kích.

Thấy vậy, địch đã tiến hành nhiều đợt vây ráp cố bắt cho được xã đội trưởng, kiêm phó bí thư đảng ủy Nguyễn Duy An. Năm 1973, ông An bị thương trong đợt phục kích ở Cấm Dê, rồi bị địch bắt. Nhưng chỉ 5 ngày sau ông vượt trại giam Đức Phổ trở về...

Hết mình với quê hương

Hòa bình về trên quê hương, sau niềm vui thống nhất là đối diện với gian khó. Sa Huỳnh, tiếng là vùng cửa biển lớn của Quảng Ngãi, nhưng dân chài nơi đây nhà khá giả cũng chỉ sắm được thuyền gắn máy Đông Phong, còn đa phần chỉ ghe chèo đánh bắt trong lộng. Đã vậy, vào mùa nắng cửa biển lại bồi lấp, thuyền ra vào cứ bị mắc cạn rồi sóng đánh chìm thuyền, tài sản nhiều năm gom góp tan theo con sóng.

Còn trên đồng muối Sa Huỳnh biết bao người mặt đen nhẻm, cứ trần lưng trong nắng rát, hết sửa mặt ruộng là tháo nước vào chờ muối kết tinh. Hạt muối làm ra đong đầy mồ hôi, nước mắt, có năm được mùa thì mất giá, năm được giá thì mất mùa, nên vô cùng khốn khổ.

Ông Nguyễn Duy An hằng ngày vẫn miệt mài với công việc.

Rồi mùa mưa bão đến, những con sóng dữ dội bủa vào bờ, cuốn trôi nhiều nóc nhà nơi vùng cửa biển. Còn trên vùng núi đồi thôn La Vân điện, đường, trường, trạm cũng chưa có, bà con trồng được buồng chuối, ang nếp, cõng được xuống núi là ẹo lưng.

Thấy người quê khổ quá, ông An đạp xe ra huyện để “cầu viện” cấp trên rồi trở về xã, quần ống thấp ống cao cùng anh em trong đảng ủy, chính quyền thay nhau lội ruộng, vận động bà con be bờ, đào mương dẫn nước vào cấy lúa. Có lúc, bà con thấy ông An cùng anh em dân chài bơi thuyền ra phía ngoài cửa biển xem cát bồi nông sâu. “Nhiều hôm đồng muối kết tinh, thấy trời giông sét báo hiệu sắp mưa là mình thấy quặn lòng. Bởi muối tan, bà con lấy gì mà bán để đắp đổi”, ông An bộc bạch.

Hết lội đồng, bơi biển, ông An lại đạp xe ngược lối mòn lên La Vân động viên anh em cựu chiến binh cùng cố gắng lao động sản xuất chia sẻ cái khó chung của đất nước của quê hương.

Rồi Nhà nước đầu tư xây dựng vũng neo đậu tàu thuyền Sa Huỳnh cho thuyền ra vào neo đậu. Cầu Thạch Bi được xây dựng để dân qua lại. Bà con ngư dân sau nhiều năm đánh bắt có hiệu quả tích cóp dần rồi nâng cấp tàu thuyền đáp ứng cho việc đánh bắt dài ngày trên biển. Ông An thấy lòng vui hơn. Có những hôm sau giờ làm việc, ông ra mé biển Sa Huỳnh chuyện trò với ngư dân, xem những con tàu kéo hồi còi ra khơi. Ông hiểu, chuyện làng, chuyện xóm, chuyện quê hương nếu mình gắn bó có khi hết đời vẫn chưa làm được bao nhiêu...

Nhiệt tâm khuyến học

Đưa cuốn sổ vàng khuyến học xã Phổ Thạnh với danh sách người ủng hộ khuyến học nối dài, ông An kể: Chú mày biết không, hồi mới làm chủ tịch hội khuyến học cũng lúng túng lắm. Có biết sổ vàng, sổ đỏ gì đâu. Nhưng rồi mình học tập các nơi và làm theo. Người ủng hộ được ghi nhớ, còn con em trong xã mai sau có dịp đọc cái sổ vàng này cũng hiểu hơn cái tình người quê hương dành cho chúng.

Ông An thăm, chuyện trò với vợ chồng chị Nguyễn Thị Hẻn, hộ nghèo ở thôn Thạnh Đức 2, xã Phổ Thạnh có con học đại học ở TP.Hồ Chí Minh.

Năm 2005, ông An về nghỉ hưu. Anh em trong đảng ủy xã, chính quyền đều tiếc, nên có lời đề nghị “đảm nhiệm một việc gì đó nhẹ nhàng ở xã, để anh em có chỗ mà “dựa lưng” khi cần thì xin ý kiến”. Nghe lời đề nghị này, ông An suy nghĩ cũng nhiều. Ông hiểu, xã Phổ Thạnh bây giờ được Nhà nước đầu tư nhiều công trình, dân trong xã làm ăn nhiều hộ cũng đóng được tàu lớn ra khơi, nhưng cái khuyết ở xã là nhiều gia đình chưa quan tâm đúng mức đến việc học.

Nhiều gia đình cho con cái học lơ mơ rồi đến tuổi thì kéo nhau ra biển đánh cá. Một số hộ nghèo khó, thì cho con “học giã gạo”, lớn lên một chút thì bỏ học đi làm thuê. Phải động viên khuyến khích bà con chăm lo nhiều hơn đến sự học. Bởi có học, mới làm việc tốt hơn. Nghĩ thế, nên ông An nhận lời làm chủ tịch hội khuyến học.

“Muốn vận động bà con tham gia công tác khuyến học, thì gia đình mình phải làm tốt, dòng họ mình làm tốt và có hiệu quả thì bà con mới tham gia”. Nghĩ vậy, thế là ông An vận động dòng họ mình lập chi hội khuyến học. Rồi từ chi hội khuyến học của dòng họ Nguyễn, ở 9 thôn trong xã và 4 chi hội nhà trường được thành lập.

Các chi hội thường chọn dịp Tết để họp con cháu trong thôn đi học xa trở về để động viên khuyến khích. Các cháu thi đậu đại học thì hỗ trợ tiền tàu xe, để đến trường nhập học; đối với con em hộ nghèo, thì dịp đầu năm học được tặng sách vở. Kinh phí để tặng, được trích từ nguồn vận động quyên góp của các chi hội.

Chi hội trưởng Chi hội khuyến học thôn Thạch Bi 1, anh Nguyễn Minh Long cười, nói: “Chú An là người có cái tâm trong sáng, đồng tiền vận động là để giúp đỡ các em, chứ tuyệt đối không làm việc gì khác. Vả lại, cái uy của chú cũng lớn, nên đi vận động cũng dễ dàng”. Cũng nhờ cái tâm trong sáng và cái uy của ông An, nên không chỉ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn, con em trong xã ở các nơi làm ăn thành đạt mà cả đơn vị lực lượng vũ trang là Đồn Biên phòng Sa Huỳnh hay chùa Từ Phước cũng đóng góp.

Cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về, ông An và các thành viên hội khuyến học xã họp mặt các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn, con em Phổ Thạnh làm ăn thành đạt, để thông báo việc học hành của các cháu trong xã, việc sử dụng quỹ khuyến học ở địa phương. Tất cả mọi người đều vui vì đồng tiền của mình đóng góp đến đúng địa chỉ cần hỗ trợ.

Ông An giờ đã 71 tuổi. Hỏi chuyện quê hương, chuyện học hành của bầy cháu nhỏ, ông như trẻ lại: Cuộc sống bà con dần khá hơn, các cháu được học hành tử tế là niềm vui của mọi người, chứ riêng gì của mình đâu!

Bài, ảnh: CẨM THƯ

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2481/201707/nang-long-voi-que-huong-2827729/