Nâng lãi suất, ngân hàng chịu tác động ra sao?

Ngay sau động thái tăng lãi suất điều hành của cơ quan quản lý, sáng ngày 23/9, hàng loạt ngân hàng thương mại đã tăng lãi suất huy động. Trong khi đó, giới phân tích thị trường cho rằng biên lãi ròng (NIM) toàn ngành sẽ thu hẹp trong thời gian tới, tuy nhiên tác động sẽ không giống nhau cho từng ngân hàng.

Ngay khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm 0,75% đồng thời công bố quan điểm sẽ tiếp tục nâng lãi suất vào cuối năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã tăng lãi suất điều hành, trong đó về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND) của tổ chức tín dụng (TCTD) được điều chỉnh như sau: mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng tăng 0,3%/năm lên 0,5%/năm; mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tăng 1%/năm lên 5%/năm.

Từ ngày 23/9, KienlongBank điều chỉnh tăng lãi suất huy động tiền gửi với khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân.

Từ ngày 23/9, KienlongBank điều chỉnh tăng lãi suất huy động tiền gửi với khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân.

Theo khảo sát của VnBusiness, ngay trong sáng 23/9, một số ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Cụ thể từ ngày 23/9, KienlongBank điều chỉnh tăng lãi suất huy động tiền gửi với khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân, mức lãi suất được điều chỉnh từ 0,3-1%/năm. Theo đó, lãi suất tiền gửi cao nhất với các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng lên tới 5%.

Đối với với các khung kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng (từ 1 tháng đến 5 tháng), mức lãi suất huy động sau điều chỉnh tăng kịch trần lên đến 5% so với mức 4% ở chu kỳ trước. Đáng chú ý hơn, với các khoản tiền gửi không kỳ hạn và dưới 1 tháng, KienlongBank cũng điều chỉnh tăng 0,3%, nâng mức lãi suất lên đến 0,5%.

Như vậy, so với mặt bằng chung trên thị trường, lãi suất huy động tiền gửi tại KienlongBank ghi nhận ở mức cao, lọt top các ngân hàng có mức lãi suất hấp dẫn trong tháng 9.

Theo biểu lãi suất mới nhất vừa được ACB công bố, lãi suất cao nhất dành cho kỳ hạn 1 – 3 tháng đã tăng lên mức tối đa cho phép là 5%/năm, áp dụng cho gói "Tài Lộc", lĩnh lãi cuối kỳ. Trước đó, mức lãi suất cao nhất áp dụng cho các kỳ hạn này là 4%/năm.

Không chỉ tại các kỳ hạn ngắn, lãi suất huy động các kỳ hạn dài trên 6 tháng cũng được ACB đồng loạt điều chỉnh tăng từ 0,3 – 0,5 điểm %. Trong đó, lãi suất cao nhất mà ngân hàng niêm yết đã lên tới 7,2%/năm áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng tại sản phẩm "Chọn sống mới, trọn chất tôi", lĩnh lãi cuối kỳ.

Tương tự, Ngân hàng Bản Việt cũng đồng loạt tăng lãi suất các kỳ hạn dưới 1 tháng lên mức trần 0,5%/năm và lãi suất các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng lên 5%/năm, từ mức 0,2%/năm và 3,9%/năm trước đó.

Các kỳ hạn trên 6 tháng cũng đồng loạt được nhà băng này tăng 0,5 – 0,6 điểm % so với biểu cũ. Trong đó, lãi suất cao nhất đang được ngân hàng áp dụng là 7,3% dành cho các kỳ hạn trên 12 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ.

Hay như tại SHB cũng vừa công bố biểu lãi suất mới áp dụng từ ngày 23/9 với các kỳ hạn dưới 1 tháng được điều chỉnh lên mức tối đa 0,5%/năm. Lãi suất các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng đều tăng 0,8 – 0,9 điểm % so với trước đó lên dao động trong khoảng 4,4 – 4,8%. Lãi suất áp dụng cho các kỳ hạn dài hơn cũng đồng loạt tăng thêm 0,4 - 0,5 điểm % so với trước đó.

Theo biểu lãi suất mới nhất của BacABank, lãi suất huy động tại các kỳ hạn dưới 1 tháng đã tăng kịch khung lên 0,5%/năm; trong khi các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng cũng tăng thêm 0,5 – 0,8 điểm %, lên dao động trong khoảng 4,5 – 4,8%/năm. Lãi suất áp dụng cho các kỳ hạn trên 6 tháng cũng đều được tăng thêm 0,2 – 0,3 điểm %, với lãi suất cao nhất đang được áp dụng là 7,2%/năm dành cho kỳ hạn 13, 15, 18, 24 và 36 tháng, lãi lĩnh cuối kỳ.

Theo quan điểm Chứng khoán Yuanta Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã tăng lãi suất điều hành lần đầu tiền kể từ năm 2020 sau động thái tăng lãi suất của Fed, và cho rằng điều này là cần thiết và sẽ giúp hạn chế áp lực lên tiền đồng.

Tuy nhiên, công ty này nêu: việc tăng lãi suất điều hành sẽ gây áp lực lên chi phí huy động vốn của các ngân hàng thương mại. Tại phiên họp ngày 22/9, Thủ tướng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xem xét tăng lãi suất điều hành và lãi suất huy động, nhưng lại yêu cầu cố gắng giữ ổn định lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.

“Do đó, chúng tôi cho rằng NIM toàn ngành sẽ thu hẹp trong thời gian tới. Tuy nhiên tác động sẽ không giống nhau cho từng ngân hàng”, Yuanta nhận định.

Công ty chứng khoán này cho rằng, các ngân hàng có tỷ lệ dư nợ vay/vốn huy động (LDR) thấp như HDB, MSB, VIB, VPB, hoặc các ngân hàng có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn thấp như ACB, HDB, MSB, VPB sẽ ít chịu áp lực về NIM hơn. Đặc biệt, các ngân hàng có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao như TCB, MBB, và VCB sẽ chống chịu tốt hơn trước tác động của xu hướng gia tăng chi phí vốn.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/nang-lai-suat-ngan-hang-chiu-tac-dong-ra-sao-1088106.html