Nâng hiệu quả phương thức mua sắm tài sản công

Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước trong triển khai thực hiện Quyết định số 08/2016/QĐ-TTg ngày 26/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ về mua sắm hàng hóa, dịch vụ (tài sản công) theo phương thức tập trung.

Sau hơn hai năm triển khai, tổng giá trị trúng thầu của các gói thầu mua sắm tập trung giảm hơn 254 tỷ đồng (giảm 3,2%) so với giá trị dự toán của các đơn vị đăng ký mua sắm.
Đến nay, TP đã có 13 đầu mục hàng hóa và dịch vụ công ích vệ sinh môi trường được đưa vào danh mục tài sản mua sắm tập trung, góp phần giảm đầu mối, kiểm soát được mặt bằng giá cả, tiết kiệm chi phí, nhân lực. Tuy nhiên, qua đợt khảo sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP về vấn đề này vừa qua cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai mua sắm tài sản công theo phương thức tập trung đã phát sinh những bất cập cần tháo gỡ. Đó là tiến độ triển khai còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ, chất lượng ngay từ khâu đăng ký, tổng hợp nhu cầu.

Hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính trực tuyến tại UBND quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Chiến Công

Theo Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hồ Vân Nga: Việc mua sắm tập trung thực hiện hai lần/năm chưa phù hợp nhu cầu thay thế một số trang thiết bị phục vụ hoạt động thường xuyên bị hỏng hóc đột xuất, không sửa chữa được cần thay thế ngay như máy tính, máy in... Đối với một số tài sản phục vụ dự án đầu tư xây dựng, thời gian giao nhận tài sản chưa phù hợp tiến độ thực hiện dự án trên thực tế, dẫn đến tình trạng công tác xây lắp phải dừng lại chờ thiết bị, như dự án xây dựng, nâng cấp Bệnh viện Thanh Nhàn. Hoặc ngược lại, thiết bị được giao khi chưa đủ điều kiện để lắp đặt như tại một số dự án cải tạo trường học tại huyện Thường Tín. Thời gian các đơn vị mua sắm được nhận tài sản thường chậm từ ba đến năm tháng so với nhu cầu đăng ký đã làm ảnh hưởng đến tính kịp thời trong việc trang bị tài sản. Đã có trường hợp điều hòa nhiệt độ đăng ký mua để sử dụng mùa hè song tới mùa đông mới được trang bị…
Để khắc phục những bất cập trong công tác này, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo đơn vị mua sắm tập trung tổng hợp nhu cầu và tổ chức định kỳ hàng tháng, thay vì hai lần/năm như trước đây. Cùng với đó, giao cho các cơ quan chuyên môn hàng năm ban hành hướng dẫn về tiêu chuẩn kỹ thuật, mức giá dự toán của tài sản trên cơ sở có sự điều chỉnh cho phù hợp với tiêu chuẩn, định mức, nhu cầu sử dụng thực tế của cơ quan, đơn vị, để làm căn cứ đăng ký, nhằm bảo đảm tính đồng bộ.
UBND TP cũng đã ban hành Văn bản số 3723/UBND-KT về công tác mua sắm tài sản công theo phương thức tập trung, trong đó phân công rõ nhiệm vụ của từng đơn vị, sở, ngành. TP cũng đặc biệt lưu ý, Kho bạc Nhà nước TP Hà Nội chỉ đạo kho bạc Nhà nước các quận, huyện, thị xã kiểm soát chi cho việc mua sắm tài sản công theo phương thức tập trung theo quy định. Đồng thời, không tạm ứng, thanh toán đối với các tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung nhưng không thực hiện theo quy định, nhất là trường hợp lợi dụng việc sửa chữa tài sản để tách tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung thành các bộ phận riêng lẻ.

Trần Hà

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/nang-hieu-qua-phuong-thuc-mua-sam-tai-san-cong-323947.html