Nâng hạn mức BHTG lên 125 triệu đồng - người gửi tiền được bảo vệ tốt hơn

'Hạn mức bảo hiểm tiền gửi nên được điều chỉnh tăng lên 125 triệu đồng để phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế và điều kiện phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam cũng như thực tế hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam'.

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam góp phần bảo vệ người gửi tiền.

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam góp phần bảo vệ người gửi tiền.

Đó là nhận định của Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú, liên quan đến nâng hạn mức bảo hiểm tiền gửi trong thời gian tới.

Hạn mức 75 triệu đồng không còn phù hợp

Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) Việt Nam hoạt động với tôn chỉ bảo vệ người gửi tiền, đặc biệt là người gửi tiền quy mô nhỏ và góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.

Để bảo vệ ngày càng tốt hơn quyền lợi của người gửi tiền, hạn mức hạn mức bảo hiểm tiền gửi cũng được quy định và điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam trong từng thời kỳ. Theo đó, từ năm 1999 - 2005 (6 năm), hạn mức bảo hiểm tiền gửi là 30 triệu đồng, từ 2005 - 2017 (12 năm), hạn mức là 50 triệu đồng và từ 2017 đến nay là 75 triệu đồng.

Theo thông lệ quốc tế và thực tế Việt Nam, hạn mức bảo hiểm tiền gửi 75 triệu đồng hiện nay không còn phù hợp với 3 yêu cầu xây dựng hạn mức bảo hiểm tiền gửi phù hợp cho mỗi quốc gia nêu tại Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống bảo hiểm tiền gửi hiệu quả (2014) và hướng dẫn của Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI).

IADI khuyến nghị, hạn mức và phạm vi bảo hiểm cần có giới hạn để giảm thiểu rủi ro rút tiền ngân hàng và duy trì kỷ luật thị trường, đảm bảo phần lớn người gửi tiền ở các ngân hàng được bảo vệ (chiếm tỷ lệ từ 90 - 95%người gửi tiền) nhưng có một tỷ lệ nhất định giá trị tiền gửi không được bảo vệ. Hiện nay, tỷ lệ người gửi tiền bảo hiểm toàn bộ/tổng số người gửi tiền được bảo hiểm ở Việt Nam đang là 87,72%, thấp hơn so với mức khuyến nghị 90 - 95% của IADI.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, nâng hạn mức bảo hiểm tiền gửi để phù hợp với các điều kiện kinh tế vĩ mô. Cụ thể, với hạn mức bảo hiểm tiền gửi 75 triệu đồng hiện nay chỉ bằng 1,25 lần GDP bình quân đầu người năm 2019, thấp hơn so với mức 2 lần theo thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, sau 20 năm hình thành và phát triển, năng lực tài chính của BHTG Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Từ nguồn vốn được cấp ban đầu là 1.000 tỷ đồng, đến nay tổng tài sản của BHTG Việt Nam đã tăng lên hơn 64 nghìn tỷ đồng, trong đó quỹ dự phòng nghiệp vụ (thể hiện khả năng chi trả của BHTG Việt Nam theo quy định của Luật BHTG) đạt hơn 58 nghìn tỷ đồng.

Đây là nền tảng quan trọng giúp BHTG Việt Nam có đủ khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ người gửi tiền phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế và tham gia có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) thông qua hoạt động hỗ trợ tài chính.

“Với triển vọng tăng trưởng tích cực trong trung hạn của Việt Nam và sự gia tăng đáng kể về năng lực tài chính cũng như các nguồn hỗ trợ của BHTG Việt Nam, việc điều chỉnh tăng hạn mức BHTG là hoàn toàn khả thi và cần thiết để bảo vệ tốt hơn cho người gửi tiền theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, góp phần củng cố niềm tin của người dân đối với hệ thống các TCTD Việt Nam và tạo điều kiện cho các TCTD hoạt động an toàn, hiệu quả” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhận định.

Nâng hạn mức lên tương đương 2 lần GDP bình quân đầu người

“Mặc dù được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhiều lần, nhưng quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước về chủ trương, chính sách bảo hiểm tiền gửi là nhằm mục đích bảo vệ người gửi tiền, đặc biệt là người gửi tiền quy mô nhỏ và góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Như đã nêu ở trên, tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm ở Việt Nam đang là 87,72%, thấp hơn so với mức khuyến nghị 90 - 95% của IADI. Nếu nâng mức bảo hiểm tiền gửi lên 125 triệu đồng, gấp 2 lần GDP bình quân đầu người thì tỷ lệ này mới tăng lên mức 90,94%, nằm trong khoảng khuyến nghị của IADI

Đồng thời, theo tính toán của NHNN, với hạn mức BHTG 125 triệu đồng, tương đương 2 lần GDP bình quân đầu người thì quỹ dự phòng nghiệp vụ của BHTG Việt Nam có đủ khả năng để đảm bảo chi trả tiền gửi cho 100% quỹ tín dụng nhân dân.

Từ những phân tích nêu trên cho thấy, hạn mức BHTG nên được điều chỉnh lên 125 triệu đồng cho phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế và điều kiện phát triển kinh tế xã hội cũng như thực tế hoạt động của hệ thống các TCTD Việt Nam.

Vì vậy, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định để giúp người dân yên tâm hơn khi gửi tiền tại các tổ chức tham gia BHTG, nhất là người dân gửi tiền tại các quỹ tín dung nhân dân. Dự thảo quyết định về hạn mức BHTG đang được lấy ý kiến các cơ quan có liên quan và người dân trước khi Thủ tướng Chính phủ ban hành./.

PV

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/tien-te-bao-hiem/2020-08-06/nang-han-muc-bhtg-len-125-trieu-dong-nguoi-gui-tien-duoc-bao-ve-tot-hon-90596.aspx