Nắng hạn, keo nhẹ ký, rớt giá

Nông dân các huyện miền núi của tỉnh Phú Yên thu hoạch keo, thế nhưng thời gian qua nắng hạn làm keo khô lá dẫn đến nhẹ ký, giá giảm.

 Nông dân xã Đa Lộc (huyện Đồng Xuân) thu hoạch keo.

Nông dân xã Đa Lộc (huyện Đồng Xuân) thu hoạch keo.

Keo nhẹ ký vì nắng hạn

Ông Bùi Văn Minh, ở xã Sơn Long (huyện Sơn Hòa), đang thu hoạch keo cho hay: Mấy tháng qua, nắng kéo dài nên rẫy keo khô nước, khô lá dẫn đến nhẹ ký.

Đống keo trước đây 1 tấn giờ cân còn 800-900kg là cùng. Thế nhưng keo lại giảm giá, mấy tháng trước giá keo nằm ở mức 1.140 đồng/kg, nay giảm chỉ còn 1.100 đồng/kg tương đương 1, 1 triệu đồng/tấn.

Còn ông Nguyễn Phú, thu hoạch keo ở xã Sơn Hội (huyện Sơn Hòa) phân trần: Thời gian qua nắng nóng kéo dài, vùng miền núi có ngày nhiệt độ lên gần 40 độ C, nên rừng keo xuống sức thấy rõ. Vùng này có nhiều người thu hoạch keo, tuy nhiên ai cũng lo lắng vì keo quá nhẹ ký.

Trước đây năng suất keo vùng này đạt 70 tấn/ha, nay chỉ còn 60 tấn/ha. Không những thế, cây keo gặp nắng hạn mất nước nên vỏ keo bó lại ôm sát thân cây rất khó lột vỏ.

Cũng chính vì thế, cách đây 3 tháng, công cưa hạ, lột vỏ và bốc lên xe là 250.000 đồng/tấn, giờ công thu hoạch này “ăn” lên 260.000 thậm chí 270.000 đồng/tấn.

Bà Bùi Thị Hiền, người trồng keo ở xã Đa Lộc (huyện Đồng Xuân) giãi bày: Thời điểm đầu năm nay, keo phát triển tốt, giá keo tăng thì 1ha keo thu 70 triệu đồng, sau khi trừ công cưa, lột vỏ và bốc lên xe…người trồng còn 40 triệu đồng.

Nay nắng hạn kéo dài, keo nhẹ ký cộng với chi phí cao, người trồng keo chỉ còn thu 30 triệu đồng/ha (tùy theo xa gần, trung chuyển), trong khi đó vùng này trồng keo trồng ít nhất 4 năm mới thu hoạch.

Ông Châu Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND xã Đa Lộc cho hay: Vùng này trồng rừng kinh tế 4 năm là cây đúng sức bán. Mấy năm trước có gia đình trồng 5ha keo bán, sau khi trừ chi phí bỏ túi được 200 triệu đồng.

Hai năm liền nắng hạn, cây 4 năm tuổi chưa đủ sức bán nên gọi là bán kéo non. Keo nhẹ ký, chi phí tăng nên 5ha giờ chỉ còn bỏ túi 150 triệu đồng.

Thu hoạch keo, đề phòng cháy rừng

Keo nhẹ ký, chi phí tăng cao, thế nhưng nhiều người đành chấp nhận bán.

“Rẫy keo nhà tôi nằm trên cao, nếu thời điểm này không tranh thủ bán gấp để vài tháng nữa khô rụng lá dễ bị cháy. Vậy nên tôi bán nhanh được đồng nào mừng đồng nấy rồi chờ mưa mua giống về trồng lại keo”, ông Nguyễn Tấn, người trồng keo ở xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) nói.

Hiện nay đang là thời điểm nắng nóng gay gắt, thường người dân khai thác keo rồi đốt cành nhánh bất cẩn dẫn đến cháy lan ra rừng trồng. Năm qua đã có trường hợp đốt dọn thực bì dẫn đến cháy rừng, thiệt hại kinh tế là không nhỏ.

Keo gặp nắng hạn mất nước nên vỏ keo bó lại ôm sát thân cây rất khó lột vỏ.

Thống kê của UBND huyện Đồng Xuân, năm qua, nắng nóng gay gắt nên đã xảy ra 10 vụ cháy rừng trồng trên địa bàn các xã Xuân Lãnh, Xuân Long, Xuân Sơn Nam, Xuân Sơn Bắc, Xuân Quang 2, Xuân Phước và thị trấn La Hai làm thiệt hại 85,6 ha, với mức độ thiệt hại cây trồng từ 10-100%.

Vì vậy năm nay đề phòng cháy rừng, UBND huyện chỉ đạo ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, vận động nhân dân thực hiện tốt việc phòng chống cháy rừng.

Tại huyện Đồng Xuân, với phong trào trồng rừng kinh tế (chủ yếu keo lai), hằng năm sản lượng gỗ khai thác trên địa bàn huyện là 35.000 m3. Cùng với đó gieo ươm 2 triệu cây giống lâm nghiệp, trồng mới trên 2.000 ha rừng.

Theo ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, rút kinh nghiệm năm qua, trong công tác quản lý bảo vệ rừng, UBND huyện chỉ đạo phòng NN-PTNT phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện, Công an huyện kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại xã Xuân Quang 2, Xuân Lãnh và Công ty TNHH Bình Nam.

Qua kiểm tra, các đơn vị này cơ bản đã triển khai thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Cùng với đó, tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp hạn chế khai thác rừng keo còn non để chuyển sang trồng sắn.

Người dân các xã Sơn Giang, Đức Bình Đông, Đức Bình Tây, Ea Trol…(huyện Sông Hinh) đang thu hoạch gỗ keo. Lâu nay người dân ở đây thường thói quen, sau khi thu hoạch keo, phát dọn thực bì rồi đốt cành nhánh để giải phóng đất chuẩn bị trồng mới dẫn đến cháy lan.

Trong năm 2019, đã xảy ra 4 vụ phát dọn thực bì rồi đốt cành nhánh dẫn đến cháy rừng với diện tích gây hại 23,2ha. Sau khi phái hiện, ngành chức năng huy động lực lượng cùng với người dân dập tắt kịp thời, nếu không con số thiệt hại rừng trồng còn tăng cao.

Theo ông Đặng Đình Toại, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, thực hiện kế hoạch phát triển bảo vệ rừng, UBND huyện chỉ đạo Hạt kiểm lâm huyện phối hợp với các xã đã tuyên truyền gần 2.000 lượt người tham dự công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR).

Cùng với việc thu hoạch rừng kinh tế thì phong trào trồng rừng tiếp tục phát triển mạnh, theo kế hoạch hằng năm trồng 1.300ha.

Nắng hạn, nông dân tranh thủ bán keo

Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã khai thác trên 62.106 m3 gỗ. Theo kế hoạch, năm nay toàn tỉnh khai thác gỗ rừng trồng khoảng 240.000m3, cùng với đó trồng rừng tập trung 6.000ha và chăm sóc 17.000ha rừng trồng. Năm qua do nắng nóng kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9 đã xảy ra 70 vụ cháy rừng (đa số rừng trồng năm 2017-2018) với diện tích rừng bị cháy trên 1.180,8 ha.

TS Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên: Thời gian qua, ngành NN- PTNT tập trung chỉ đạo các Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và các chủ rừng chủ động bảo vệ rừng và phòng chống chữa cháy rừng trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài. Qua đó mùa khô năm nay, công tác tuần tra, quản lý bảo vệ rừng, PCCCR được tăng cường, các chủ rừng chủ động lực lượng trực phòng cháy, chữa cháy. Các địa phương tăng cường vận động nhân dân ý thức trong việc phòng chống cháy rừng.

MẠNH HOÀI NAM

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/nang-han-keo-nhe-ky-rot-gia-d265651.html