Nâng giá trị và chủ động trong sản xuất

Với nền nông nghiệp được đầu tư, đa dạng sản phẩm, Việt Nam ngày càng có nhiều sản phẩm nông nghiệp (SPNN) chất lượng, được xuất khẩu ra thế giới. Xây dựng thương hiệu gắn với bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (BHQSHTT) cho SPNN là vấn đề cấp thiết, cần được đẩy mạnh bằng nhiều giải pháp.

Sản phẩm được bảo hộ còn ít

Nông nghiệp Việt Nam 10 năm gần đây đã phát triển đi vào chiều sâu và đạt nhiều thành quả lớn; giá trị xuất khẩu ngày càng cao. Các địa phương trong cả nước đã có nhiều SPNN tiêu biểu, như: Bưởi Đoan Hùng, bưởi Phúc Trạch, cam Vinh, cà phê Buôn Ma Thuột, bưởi Năm Roi, chè Tân Cương, xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn, dừa Bến Tre... Những sản phẩm này đều được đơn vị sản xuất đăng ký BHQSHTT ở trong và ngoài nước. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Hồng Lý, Phó chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thì số sản phẩm được BHQSHTT còn rất ít so với thực tế. Việt Nam có khoảng 800 sản phẩm nông-lâm-thủy sản có uy tín, phân bố ở 720 địa phương, nhưng đến nay mới chỉ khoảng 50 sản phẩm có chỉ dẫn địa lý và khoảng 140 nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể được đăng ký, bảo hộ. Chỉ có một số ít sản phẩm, như: Nước mắm Phú Quốc, thanh long Bình Thuận, vú sữa Lò Rèn, cà phê Buôn Ma Thuột… được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài. 80% nông sản Việt Nam hiện xuất khẩu thô, không nhãn mác, thương hiệu.

Thực tế trên xuất phát từ nguyên nhân nhiều nhà sản xuất, doanh nghiệp và địa phương chưa quan tâm đến BHQSHTT cho nông sản. Bất cập nêu trên đang là những rào cản đối với định danh, xây dựng thương hiệu và quyền sở hữu sản phẩm khi xuất khẩu; nếu xảy ra tranh chấp sẽ gặp nhiều bất lợi, giá trị thương hiệu và sản phẩm cũng thấp…

Nhà sản xuất cần chủ động đăng ký quyền sở hữu trí tuệ

Với lợi thế khí hậu và phát triển nền nông nghiệp hiện đại, Việt Nam đang dần hình thành nên những vùng chuyên canh SPNN mang tính đặc trưng địa phương, áp dụng công nghệ canh tác, chăm sóc mới giúp tạo nên sản phẩm đa dạng, chất lượng cao, đủ điều kiện xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Ông Trần Giang Khuê, Phụ trách Văn phòng phía Nam, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho rằng: "Muốn đẩy mạnh xuất khẩu SPNN thì vấn đề cấp bách nhất hiện nay là cần chủ động xây dựng thương hiệu và đăng ký BHQSHTT cho sản phẩm. Câu chuyện về việc mất các thương hiệu nông sản nổi tiếng của nước ta xảy ra trên một số thị trường thế giới thời gian qua gióng lên hồi chuông cảnh báo cho tất cả chúng ta. Nhiều chuyên gia đã kêu gọi cần thiết phải xây dựng, bảo vệ thương hiệu nông sản, ngay bây giờ hoặc không bao giờ. Trên thực tế, các cơ quan chức năng, các hiệp hội cần hỗ trợ cho nông dân kinh phí và chuyên môn để thực hiện thủ tục xin cấp BHQSHTT. Thời gian qua, có nhiều nông dân tạo được giống cây trồng mới, không ít thợ cơ khí nông thôn chế tạo những nông cụ mới… nhưng không đủ khả năng tài chính và trình độ văn hóa để làm thủ tục đăng ký bảo hộ, nên rất thiệt thòi".

Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng, Trưởng đại diện Văn phòng phía Nam Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề nghị ngành chức năng ở địa phương cần có chính sách, hỗ trợ tham vấn cho doanh nghiệp, nông dân đăng ký quyền sở hữu các giống cây trồng. Hiện nay, chúng ta có khoảng 800 giống lúa và tồn tại trong sản xuất khoảng 100 giống, gạo xuất khẩu đi 150 quốc gia. Nước ta có nhiều loại giống cây trồng là một lợi thế giúp sản phẩm đa dạng, đáp ứng với yêu cầu của nhiều thị trường. Do đó, khi làm tốt tác quyền sẽ kích thích sự phát triển trong sản xuất, chuẩn hóa chất lượng và nguồn gốc sản phẩm.

Phát biểu tại hội thảo BHQSHTT cho SPNN do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức tại TP Hồ Chí Minh cuối tháng 10-2018, ông Phan Minh Thông, Tổng giám đốc Tập đoàn Phúc Sinh, chia sẻ kinh nghiệm: “SPNN muốn phát triển thị trường thì doanh nghiệp nên chú trọng đăng ký BHQSHTT ngay từ đầu. Chủ doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch và quyết tâm thực sự để tạo nét riêng biệt cho sản phẩm; xác định rõ những tiêu chí được xác lập sở hữu trí tuệ. Tập đoàn Phúc Sinh đã từng bị nhái thương hiệu và nhờ BHQSHTT nên giành lại được thương hiệu khi tiến hành khởi kiện ở tòa án”.

Nhiều nhà khoa học, chuyên gia đưa ra các giải pháp đẩy mạnh BHQSHTT và xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt, như: Từng doanh nghiệp cần chủ động xây dựng quy trình sản xuất, áp dụng các quy chuẩn quốc tế, chủ động đăng ký BHQSHTT, khuyến khích sáng tạo, sáng chế SPNN mới gắn với xây dựng thương hiệu… Mặt khác, về quản lý nhà nước, bên cạnh các chính sách hỗ trợ, cơ quan chức năng cần tập trung thay đổi mạnh mẽ hình thức đăng ký và quản lý chỉ dẫn địa lý cho SPNN; cần tăng cường kiểm tra, đấu tranh với nạn làm giả, làm nhái thương hiệu đã được BHQSHTT; có chính sách bảo vệ, đấu tranh hợp lý khi SPNN Việt Nam bị tranh chấp, làm nhái, làm giả trên thị trường quốc tế…

BẢO MINH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/nang-gia-tri-va-chu-dong-trong-san-xuat-555794