Nâng chuẩn trình độ giáo viên, giảng viên môn học giáo dục quốc phòng và an ninh

Xác định giáo dục quốc phòng và an ninh (QP&AN) là nội dung, yêu cầu không thể thiếu trong chương trình giảng dạy chính khóa của các nhà trường, thời gian qua, công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP&AN cho học sinh, sinh viên (HSSV) luôn được ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) chú trọng.

Tuy nhiên, trong điều kiện đất nước đang hội nhập quốc tế, đòi hỏi ngành GD&ĐT cần có nhiều đổi mới để nâng cao chất lượng giáo dục QP&AN cho HSSV. Về vấn đề này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với Thiếu tướng, TS Phạm Đức Tú, Vụ trưởng Vụ Giáo dục QP&AN, Bộ GD&ĐT.

 Thiếu tướng, TS Phạm Đức Tú.

Thiếu tướng, TS Phạm Đức Tú.

PV: Giáo dục QP&AN là môn học chính khóa được đưa vào các nhà trường từ cấp THPT đến đại học. Đồng chí có thể cho biết kết quả đã đạt được trong công tác giáo dục QP&AN cho HSSV thời gian qua?

Thiếu tướng, TS Phạm Đức Tú: Qua quá trình kiểm tra thực tế tại các địa phương, công tác giáo dục QP&AN trong các nhà trường đã có những cải thiện rõ nét về chất lượng dạy học cũng như các hoạt động liên quan tới giáo dục QP&AN. Chương trình giảng dạy của các nhà trường đã bám sát vào chương trình của Bộ GD&ĐT. Chương trình học được các nhà trường quản lý chặt chẽ như các môn học khác, có đánh giá, kiểm tra đúng quy định.

Các nhà trường còn tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy. Tùy theo từng cấp học, các em học sinh được trang bị những kiến thức cơ bản khác nhau. Bên cạnh nội dung giáo dục QP&AN theo từng tiết học cụ thể, khoa học, các nhà trường còn tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, như: Mời các cựu chiến binh nói chuyện về truyền thống yêu nước, cách mạng; tổ chức các cuộc thi, các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ tập trung vào nội dung ca ngợi quê hương, đất nước, gương chiến đấu anh dũng của các anh hùng liệt sĩ, nhằm tạo hứng thú học tập bộ môn cho học sinh. Trong chương trình giáo dục tiểu học, THCS, các nhà trường cũng chủ động lồng ghép giáo dục QP&AN thông qua nội dung các môn học. Nhờ có phương pháp giảng dạy tốt nên học sinh đã đam mê học tập, rèn luyện kỹ năng quân sự, an ninh; qua đó nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Để tăng tính hiệu quả của môn học, năm 2020, Bộ GD&ĐT đã ban hành hai thông tư: Thông tư số 05/2020/TT-BGDĐT ban hành Chương trình giáo dục QP&AN trong trường trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm và cơ sở giáo dục đại học, có hiệu lực từ ngày 1-7-2020; Thông tư số 46/2020/TT-BGDĐT ban hành Chương trình môn giáo dục QP&AN cấp THPT, áp dụng từ ngày 11-1-2021.

Học sinh thực hiện nội dung thi tại Hội thao Giáo dục quốc phòng và an ninh học sinh THPT toàn quốc năm 2017. Ảnh: MINH ANH.

PV: Hai thông tư trên có những thay đổi gì so với thông tư cũ, thưa đồng chí?

Thiếu tướng, TS Phạm Đức Tú: Hiện nay tất cả các trường trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm và cơ sở giáo dục đại học đã triển khai thực hiện chương trình giáo dục QP&AN theo Thông tư số 05/2020/TT-BGDĐT. Thông tư mới được các nhà trường đánh giá phù hợp và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Ở cấp THPT, Thông tư số 46/2020/TT-BGDĐT được xây dựng trên cơ sở mang tính kế thừa và cập nhật thành tựu của khoa học quân sự, sư phạm quân sự hiện đại. Nội dung thông tư cũng được các nhà trường đánh giá cao. Mục tiêu của chương trình mới là giúp học sinh phát triển các phẩm chất: Yêu nước, nhân ái, trung thực, trách nhiệm; giáo dục tình yêu quê hương đất nước, tinh thần nhân ái, nhân văn, ý thức trách nhiệm của công dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Môn học cũng góp phần phát triển ở học sinh các năng lực chung: Năng lực tự chủ, tự học; năng lực hợp tác; năng lực giải quyết vấn đề sáng tạo thông qua các năng lực chuyên biệt, như: Năng lực nhận thức về các vấn đề QP&AN; năng lực vận dụng các kiến thức, kỹ năng đã học vào cuộc sống.

PV: Những khó khăn hiện nay khi triển khai giảng dạy môn học này là gì, thưa đồng chí?

Thiếu tướng, TS Phạm Đức Tú: Khó khăn lớn nhất hiện nay là đội ngũ giáo viên, giảng viên vẫn thiếu, chưa chuẩn hóa trình độ chuyên môn theo yêu cầu của Đề án “Đào tạo giáo viên, giảng viên giáo dục QP&AN cho các trường THPT, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng nghề và các cơ sở giáo dục đại học đến năm 2020” được ban hành theo Quyết định số 607/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 24-4-2014 (Đề án 607). Sau 5 năm thực hiện Đề án 607, đến nay đã có hơn 1.700 học viên được đào tạo giáo viên giáo dục QP&AN trình độ đại học (hệ chính quy 4 năm). Tuy nhiên, ở cấp THPT, số lượng giáo viên trên phạm vi cả nước cần thực hiện nâng chuẩn trình độ theo Đề án 607 vẫn còn nhiều, gần 3.500 giáo viên. Vướng mắc là bởi theo quy định trước đây tại Nghị định số 13/2014/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 25-2-2014 về quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giáo dục QP&AN, giáo viên dạy giáo dục QP&AN chỉ cần có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành khác và chứng chỉ đào tạo giáo viên, giảng viên giáo dục QP&AN (chứng chỉ này đào tạo trong 6 tháng).

PV: Thưa đồng chí, thời gian tới, Bộ GD&ĐT có giải pháp nào để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên giáo dục QP&AN cho HSSV?

Thiếu tướng, TS Phạm Đức Tú: Bộ GD&ĐT đã giao Vụ Giáo dục QP&AN xây dựng dự thảo Đề án “Đào tạo giáo viên, giảng viên giáo dục QP&AN giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo” thay thế cho Đề án 607. Dự kiến, dự thảo đề án này sẽ được hoàn thiện, trình lãnh đạo bộ và xin ý đóng góp của các bộ, ban, ngành trước khi trình Chính phủ phê duyệt. Theo đề án mới, tới đây giáo viên dạy môn giáo dục QP&AN sẽ phải có bằng cử nhân hệ chính quy hoặc văn bằng hai trình độ cử nhân về đào tạo QP&AN thì mới được đứng lớp. Yêu cầu này sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục QP&AN cho HSSV.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu đào tạo; đổi mới tổ chức phương pháp dạy và học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy môn học. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ban, ngành Trung ương với các địa phương và các cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện hoàn thành các mục tiêu của Đề án 607 và chuẩn hóa đội ngũ giáo viên theo quy định.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

NGUYỄN HOÀI (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/nang-chuan-trinh-do-giao-vien-giang-vien-mon-hoc-giao-duc-quoc-phong-va-an-ninh-648270