Nâng chất quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp

Theo thỏa thuận hợp tác giữa Tổng cục Hải quan và Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam, định kì hàng tháng hai bên sẽ có những cuộc thảo luận về các nội dung vướng mắc trong quá trình làm thủ tục hải quan. Tại các buổi làm việc này, các đơn vị nghiệp vụ thuộc Tổng cục Hải quan sẽ trả lời cụ thể những vấn đề DN nêu...

CBCC Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài hướng dẫn DN, người dân làm thủ tục. Ảnh: N.Linh .

Giải quyết vướng mắc của DN

Theo ông Hoàng Đình Trung, Phó Vụ trưởng Ban Cải cách hiện đại hóa hải quan, mô hình hợp tác giữa Hải quan và Hiệp hội DN Nhật Bản có thể coi là mô hình mẫu- kênh đối thoại chính thức, hiệu quả, thiết thực giữa hai bên để Tổng cục Hải quan tiếp tục triển khai với các hiệp hội DN khác.

Tại buổi làm việc mới đây nhất, một số vướng mắc trong quá trình làm thủ tục hải quan đã được Hiệp hội DN Nhật Bản nêu ra, trong đó có vấn đề vướng mắc NK phế liệu. DN Nhật Bản thể hiện quan điểm không mong muốn phế liệu NK vào Việt Nam, tuy nhiên với những loại phế liệu NK dùng làm nguyên liệu sản xuất thì làm thế nào để NK, trong đó có phế liệu chưa có quy chuẩn.

Trả lời vấn đề DN nêu, đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan đã thông tin cho DN về diễn biến tình hình quản lý phế liệu NK, cũng như thông tin về Chỉ thị 27/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành mới đây.

Về vướng mắc cụ thể của DN, đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết, đã nắm bắt được vướng mắc và trả lời Đại sứ quán Nhật Bản, theo đó phế liệu nhôm chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia nên chưa đủ cơ sở để giải quyết thủ tục. Đối với mặt hàng có đủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Kiểm định hải quan tập trung tối đa đảm bảo thời gian kiểm tra phế liệu NK theo quy định. Trường hợp cố tính kéo dài thời gian sẽ bị xử lý theo quy định của Ngành. Đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan cũng hướng dẫn DN Nhật Bản gửi vấn đề vướng mắc cụ thể của DN đến đầu mối xử lý theo thẩm quyền.

Hình thức hợp tác trên của Tổng cục Hải quan với Hiệp hội DN Nhật Bản chỉ là một trong số các đơn vị, tổ chức mà Tổng cục Hải quan phối hợp hợp tác trong thời gian qua, nhằm đẩy mạnh quan hệ đối tác Hải quan-DN. Chẳng hạn với Liên minh Diễn đàn DN Việt Nam (VBF), Tổng cục Hải quan tổ chức định kỳ một quý/lần. Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng có các hoạt động hợp tác định kì với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và nhiều hiệp hội DN khác theo thỏa thuận hợp tác giữa hai bên.

Hoạt động đối tác là công việc hàng ngày

Với mong muốn phát triển quan hệ đối tác Hải quan-DN và các bên liên quan ngày càng thực chất hơn nữa, mới đây, Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định hướng dẫn phát triển quan hệ đối tác. Theo Tổng cục Hải quan, việc thực hiện quan hệ đối tác Hải quan-DN dựa trên các nguyên tắc: Minh bạch, công khai, tuân thủ pháp luật; Chủ động, tích cực, thường xuyên, gắn kết với công việc hàng ngày; Lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ, hợp tác, đồng hành, tin cậy và cùng phát triển.

Trong Quyết định ban hành hướng dẫn phát triển quan hệ đối tác Hải quan-DN và các bên liên quan vừa được Tổng cục Hải quan ban hành, nhiều nội dung mới, cụ thể giúp cơ quan Hải quan các cấp xác định được cách thức phát triển quan hệ đối tác. Theo đó, cơ quan Hải quan xây dựng quan hệ đối tác với cộng đồng DN gồm: DN XNK, DN cung cấp dịch vụ XNK, DN kinh doanh cảng, kho, bãi; DN vận tải; đại lý làm thủ tục hải quan; hiệp hội DN trong nước và nước ngoài.

Trong đó các đối tượng DN được phân chia thành các nhóm: Cộng đồng DN nói chung; nhóm DN trọng điểm; các DN tích cực hợp tác với cơ quan Hải quan; các DN ưu tiên; các hiệp hội DN, Phòng Thương mại và Công nghiệp... Để phát triển quan hệ đối tác, Tổng cục đưa ra 4 giải pháp gồm: Thông tin, tham vấn, tham gia, hợp tác.

Về thông tin: Cơ quan Hải quan cung cấp đến cộng đồng DN các thông tin hữu ích dưới nhiều hình thức khác nhau nhằm giúp DN tiếp cận, nắm bắt, hiểu công việc của cơ quan Hải quan, pháp luật hải quan, từ đó sẵn sàng hợp tác, tuân thủ và thực hiện thuận lợi quy định pháp luật.

Về tham vấn: Cơ quan Hải quan trao đổi, thảo luận với DN và các bên liên quan đến tìm kiếm giải pháp tối ưu cho các vấn đề liên quan đến việc thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực hải quan, bao gồm: Các giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc, cải thiện điều kiện phục vụ, đổi mới phương thức quản lý, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, hoàn thiện chính sách pháp luật hải quan.

Về tham gia: Cơ quan Hải quan tổ chức các chương trình, hoạt động với sự tham gia của DN nhằm thực hiện một công việc cụ thể từ đó góp phần cải thiện, nâng cao hiệu quả môi trường thông quan; hiệu lực, hiệu quả pháp luật hải quan.

Về hợp tác: Cơ quan Hải quan tổ chức các hoạt động hợp tác với DN để thực hiện một hoặc nhiều nội dung công việc đáp ứng nhu cầu hợp tác của các bên trên cơ sở đồng thuận, thống nhất giữa các bên.

Việc xây dựng và phát triển quan hệ đối tác được triển khai trên các nội dung: Hoàn thiện văn bản chính sách pháp luật; thực thi pháp luật; đổi mới, hoàn thiện phương thức quản lý của cơ quan Hải quan và DN; xây dựng sự hiểu biết, đồng thuận, đồng hành, hợp tác, tin cậy, cùng có lợi giữa hải quan và DN; kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng DN.

Trong kế hoạch, Tổng cục Hải quan cũng phân định rõ nhiệm vụ phát triển quan hệ đối tác tại cơ quan Tổng cục cũng như tại các cục hải quan tỉnh, thành phố, các chi cục hải quan. Trong đó, tại Tổng cục, hoạt động đối tác tập trung vào nội dung mang tính tổng thể, chiến lược, có phạm vi ảnh hưởng rộng đến cộng đồng DN; Hoạt động đối tác hướng dẫn các tổ chức đại diện cho cộng đồng DN như: Hiệp hội DN, Phòng Thương mại và Công nghiệp… Còn tại cục hải quan tỉnh, thành phố, hoạt động đối tác gắn với nội dung thuộc phạm trù tổ chức thực hiện, trực tiếp liên quan đến hoạt động XNK tại địa bàn; hoạt động đối tác là công việc thường xuyên hàng ngày của đơn vị… Tại các chi cục, hoạt động đối tác cũng là công việc thường xuyên, hàng ngày và phải gắn trực tiếp với DN làm thủ tục tại đơn vị.

Ngọc Linh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/nang-chat-quan-he-doi-tac-hai-quan-doanh-nghiep.aspx