Nâng chất lượng tuyển sinh quân sự

Ngày 25-1, tại Hà Nội, Ban Tuyển sinh quân sự (TSQS) Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị tổng kết công tác TSQS năm 2017 và xác định phương hướng nhiệm vụ năm 2018. Trung tướng Phạm Hồng Hương, Phó tổng Tham mưu trưởng, Phó trưởng ban TSQS Bộ Quốc phòng chủ trì hội nghị. Tham gia hội nghị có lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ TSQS toàn quân tại 92 điểm cầu ở các đơn vị.

Tăng cường tuyên truyền, hướng nghiệp tuyển sinh

Năm 2017, công tác TSQS được toàn quân tiến hành chặt chẽ, nghiêm túc, bảo đảm chất lượng cao. Các trường đã tuyển đủ chỉ tiêu đào tạo, với 5.364 thí sinh trúng tuyển đại học quân sự, 146 thí sinh trúng tuyển cao đẳng quân sự. So với năm 2016, số thí sinh nữ, thí sinh là người dân tộc thiểu số, thí sinh có hộ khẩu thường trú khu vực phía Nam trúng tuyển vào đại học quân sự năm 2017 đều tăng. Cụ thể: Thí sinh trúng tuyển là nữ tăng 33 thí sinh, là người dân tộc thiểu số tăng 147 thí sinh và có hộ khẩu thường trú khu vực phía Nam tăng 21 thí sinh.

Học viên Học viện KTQS tại lễ khai giảng năm học mới.

Theo Trung tướng, GS, TS Trần Hữu Phúc, Cục trưởng Cục Nhà trường, Phó trưởng ban TSQS Bộ Quốc phòng: Sở dĩ có được kết quả trên là do công tác TSQS luôn nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị. Các cơ quan, đơn vị, nhà trường tích cực phối hợp tuyên truyền hướng nghiệp TSQS, thực hiện có chất lượng các khâu, các bước trong quy trình tuyển sinh theo đúng quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy định của Bộ Quốc phòng. Trong năm 2017, Ban TSQS Bộ Quốc phòng đã chủ động hướng dẫn, cung cấp tài liệu tuyên truyền, tổ chức kiểm tra công tác sơ tuyển kết hợp với tư vấn hướng nghiệp cho hơn 3.000 học sinh tại các tỉnh Lạng Sơn, Tây Ninh, Cà Mau. Cán bộ Ban TSQS Bộ Quốc phòng và một số trường tích cực tham gia cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí tư vấn, hướng nghiệp tại 18 tỉnh, thành phố, giúp thí sinh có thêm nhiều thông tin, cơ hội lựa chọn ngành nghề, đăng ký dự tuyển, xét tuyển vào các trường quân đội.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tại hội nghị đánh giá về công tác tuyên truyền năm 2017 do Cục Nhà trường tổ chức mới đây, các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế và cho rằng, công tác tuyên truyền hướng nghiệp TSQS cần phải được triển khai sớm hơn, nhằm thu hút nhiều hơn nữa số lượng thí sinh đăng ký dự tuyển, nâng cao chất lượng TSQS. Thực tế những năm qua, công tác tuyên truyền hướng nghiệp được tiến hành khi đã có đầy đủ thông tư, hướng dẫn, chỉ tiêu tuyển sinh nên thường muộn hơn so với các trường ngoài quân đội. Trong khi đó, những thông tin về ngành, nghề đào tạo, đặc biệt là những quyền lợi khi học tập trong các trường quân đội là những nội dung thí sinh và phụ huynh quan tâm hoàn toàn có thể tuyên truyền ngay từ đầu năm, giúp thí sinh chủ động lựa chọn, đăng ký dự tuyển.

Thầy và trò Trường Sĩ quan Chính trị. Ảnh Trọng Hải.

Trung tướng GS, TS Trần Hữu Phúc cho biết: Với mục tiêu nâng cao chất lượng tuyển sinh, thu hút được nhiều thí sinh, nhất là những thí sinh có học lực giỏi, đạt giải quốc gia, quốc tế đăng ký dự tuyển vào các trường quân đội trong năm 2018, Ban TSQS Bộ Quốc phòng đã có hướng dẫn triển khai cho các nhà trường, đơn vị, cơ quan quân sự địa phương chủ động tuyên truyền sớm, với kế hoạch cụ thể, chặt chẽ, khoa học. Cục Nhà trường cũng đã phối hợp với các trường xây dựng băng đĩa hình, tài liệu tuyên truyền gửi cho các đơn vị, địa phương tổ chức tuyên truyền, hướng nghiệp.

Đề cao năng lực, trách nhiệm của cán bộ TSQS

Chất lượng đào tạo của các nhà trường quân đội phụ thuộc trước hết vào chất lượng công tác TSQS. Mặc dù vậy, thời gian qua vẫn còn một số trường chưa chủ động làm tốt công tác tuyên truyền; nội dung, hình thức tuyên truyền chưa thiết thực, cuốn hút; mối tương tác giữa nhà trường với thí sinh chưa thường xuyên... dẫn tới số lượng thí sinh đăng ký dự tuyển hằng năm ít, không ổn định, chất lượng còn hạn chế.

Đại tá Vũ Xuân Tiến, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Cục Nhà trường-Trưởng ban Thư ký Ban TSQS Bộ Quốc phòng, cho rằng: Khắc phục hạn chế trên, để thu hút được nhiều thí sinh đăng ký dự tuyển, các trường cần chủ động phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Ban TSQS các cấp, cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài quân đội tuyên truyền, quảng bá về trường mình; có các hình thức, biện pháp tuyên truyền phù hợp, tăng cường tuyên truyền trực tiếp tại các trường THPT và kết nối thông tin, tư vấn, giải đáp cho thí sinh trong quá trình tuyển sinh.

Giờ học võ thuật tại Trường Sĩ quan Chính trị. Ảnh Trọng Hải.

Trong thời gian qua, đa số cán bộ làm công tác TSQS đều đã phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Song bên cạnh đó, vẫn còn cán bộ do chưa nắm chắc chuyên môn, còn sai sót trong quá trình sơ tuyển, khám sức khỏe, bàn giao hồ sơ sơ tuyển nên bị xử lý kỷ luật, phê bình. Trung tướng GS, TS Trần Hữu Phúc cho rằng: Để thực hiện tốt công tác TSQS nói chung, công tác tuyên truyền hướng nghiệp nói riêng, cần phải tăng cường hơn nữa năng lực và trách nhiệm chuyên môn của cán bộ Ban TSQS các cấp, đặc biệt là ở cấp huyện. Nếu Ban TSQS các quận, huyện, thị xã, thành phố trong cả nước đều quán triệt, nắm vững và thực hiện tốt quy chế, quy định, các khâu, các bước về công tác sơ tuyển, chủ động đến từng trường THPT tuyên truyền hướng nghiệp thì số lượng, chất lượng thí sinh ĐKDT vào các trường quân đội năm 2018 và những năm tới sẽ cao hơn nhiều.

Từ kết quả khảo sát thực tiễn tại một số địa phương, Thiếu tướng PGS, TS Phùng Văn Thiết, Phó hiệu trưởng Trường Sĩ quan Chính trị đề xuất, cần mời các đồng chí hiệu trưởng của các trường THPT vào Ban TSQS cấp huyện để phối hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền hướng nghiệp, sơ tuyển tại địa phương. Trong công tác tuyên truyền cần tiếp tục chú trọng đến yếu tố vùng, miền, nhất là các tỉnh phía Nam, để nâng cao chất lượng TSQS...

Coi trọng số lượng, lấy chất lượng làm chính

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Trung tướng Phạm Hồng Hương khẳng định những mặt làm tốt trong công tác TSQS năm 2017, đồng thời cũng thẳng thắn chỉ ra những thiếu sót cần nghiêm túc rút kinh nghiệm. Theo đồng chí Phó tổng Tham mưu trưởng, nguyên nhân thiếu sót chủ yếu là việc chưa phát huy đầy đủ trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương trong việc lựa chọn, bồi dưỡng nguồn đào tạo cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật cho quân đội; chưa coi trọng việc chăm lo bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ tham gia trực tiếp vào quá trình thực hiện công tác TSQS.

Để làm tốt công tác TSQS năm 2018, đồng chí Phó tổng Tham mưu trưởng nhấn mạnh phải chú trọng đảm bảo được các yêu cầu về số lượng và chất lượng tuyển chọn, lấy chất lượng làm chính, đảm bảo công bằng, khách quan, chính xác và chống tiêu cực… Để có được điều đó, các đơn vị, địa phương cần tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ để làm công tác tuyên truyền hướng nghiệp cho quân nhân và thanh niên, nhất là các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn. Cục Nhà trường và các nhà trường toàn quân cần chủ động phối hợp tốt với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài quân đội trong công tác tuyên truyền hướng nghiệp TSQS.

Rút kinh nghiệm từ những hạn chế trong công tác TSQS năm 2017, Ban TSQS Bộ Quốc phòng yêu cầu các cấp thực hiện đúng quy trình; xét duyệt hồ sơ chính xác, tuyệt đối không để thí sinh và gia đình lợi dụng làm sai lệch hồ sơ, hoặc do cán bộ làm sai dẫn đến sai sót, thắc mắc, khiếu nại của công dân. Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị tiếp tục làm tốt công tác tập huấn; tổ chức khám và kết luận tiêu chuẩn cho thí sinh chặt chẽ, nghiêm túc, hạn chế đến mức thấp nhất số thí sinh không đủ tiêu chuẩn phải loại ra, nhất là đối với những thí sinh đã trúng tuyển, nhưng không đủ tiêu chuẩn sức khỏe vào học. Tuyệt đối không để xảy ra sai sót, gây bức xúc trong nhân dân và xã hội.

Bài và ảnh: NGÔ DUY ĐÔNG - XUÂN DÂN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/nang-chat-luong-tuyen-sinh-quan-su-530047