Nâng chất lượng giáo dục vùng dân tộc - Bài 1: 'Tái định cư' cho học sinh

Để nâng cao chất lượng giáo dục, chủ trương đưa học sinh từ các điểm trường lẻ về điểm trường chính đã được nhiều tỉnh miền núi phía Bắc thực hiện hiệu quả.

Do điều kiện địa hình và giao thông khó khăn, các tỉnh miền núi có hàng chục nghìn điểm trường lẻ ở các thôn, bản, đáp ứng yêu cầu dạy và học ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng giáo dục, chủ trương đưa học sinh về điểm trường chính đã được nhiều tỉnh thực hiện hiệu quả. Song đằng sau công tác này vẫn còn nhiều khó khăn.

Học sinh bán trú không chỉ được học văn hóa mà còn được học kỹ năng sống.

Phụ huynh yên tâm

Giờ học môn Tiếng Việt của lớp 5A1, Trường tiểu học Trịnh Tường, huyện Bát Xát (Lào Cai) rất sôi nổi. Không còn sự rụt rè, e ngại trước đám đông, các học sinh người dân tộc Tày, Mông, Dao hòa nhập với các bạn trong lớp với nét mặt tươi vui và tự tin. Đây là lớp học của các học sinh "tái định cư", vừa được chuyển từ các điểm trường lẻ, có nơi cách xa gần 20 cây số, về trường chính gần trung tâm xã để học tập.

Ông Nông Văn Lập cho biết: Con tôi được ở nhà xây, ngủ giường tầng, có cô giáo chủ nhiệm quản lý học tập và sinh hoạt nên tiến bộ rất nhanh. Vợ chồng tôi rất mừng và yên tâm khi cháu được học ở môi trường mới này”.

Ở Trường tiểu học Trịnh Tường, qua tuyên truyền, vận động gắn với củng cố cơ sở vật chất, nhà trường đã tập hợp được hàng trăm học sinh khối 4, 5 về trường chính để học tập mặc dù trường chưa được công nhận là trường bán trú.

“Phần lớn các phụ huynh ủng hộ việc xóa các điểm trường lẻ. Mặt khác, hiện nay, nhờ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nên hệ thống giao thông liên xã, liên thôn, bản cũng tốt hơn, không còn gập ghềnh, lầy lội khó đi như trước. Do vậy, việc đến lớp của học sinh cũng dễ dàng hơn. Các em ở bán trú, sinh hoạt tại trường chính, cuối tuần mới về nhà và quay lại trường vào sáng thứ hai, nếu ở xa hơn 10 km thì phụ huynh có thể dùng xe máy đến đón, còn ở gần thì các em có thể cùng nhau đi bộ, các em lớp lớn kèm các em lớp nhỏ, bảo đảm an toàn”, ông Nông Văn Lập nhận xét.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai, thực hiện đề án "Rà soát, điều chỉnh mạng lưới trường, lớp học giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến 2030", đến nay, toàn tỉnh đã đưa gần 2.000 học sinh từ 72 điểm trường về trường chính học tập; giảm được 22 trường và 44 lớp học; tiết giảm được 85 cán bộ quản lý.

Năm học vừa qua, các tỉnh miền núi phía Bắc đã điều chỉnh, sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp. Cụ thể, năm học 2016 – 2017, tỉnh Tuyên Quang đã giảm được 4 trường tiểu học, 135 điểm trường mầm non, 78 điểm trường tiểu học, tăng 2 trường liên cấp TH – THCS; tỉnh Lạng Sơn giảm 13 điểm trường mầm non, 28 điểm trường tiểu học; Sơn La giảm 32 điểm trường tiểu học với 109 lớp; Lào Cai giảm 20 trường học, 65 điểm trường, 302 lớp…

Vẫn lo cơ sở vật chất

Đối với việc sáp nhập các điểm lẻ về các điểm trường chính, xóa các lớp ghép, lớp tạm thì bài toán gỡ khó cho cơ sở vật chất (CSVC) luôn được đặt ra đầu tiên. Từ điểm trường lẻ qui mô vài chục đến hơn một trăm học sinh, nay sáp nhập về trường chính với qui mô hơn 1.000 học sinh sẽ thêm gánh nặng CSVC là điều khó tránh. Vì thế, trong thời điểm đầu năm học, một số trường phải bố trí phòng học nhờ.

Học bán trú, các em còn được hướng dẫn cách tăng gia cải thiện bữa ăn.

Quĩ đất mở rộng điểm trường chính cũng rất khó khăn và phức tạp bởi các tỉnh miền núi đặc thù địa hình không bằng phẳng, diện tích đất mặt bằng hẹp, khó có thể xây dựng trường lớp. Thậm chí sĩ số học sinh từ điểm trường lẻ về tăng cao, đã làm phình sĩ số, gia tăng số lớp.

Ông Trần Ngọc Kiên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé (Điện Biên) cho biết: Do xóa các điểm trường lẻ để dồn học sinh về điểm trường chính, nên trường bị thiếu hệ thống CSVC. Công tác quản lý và dạy học cũng gặp nhiều khó khăn, do thiếu cán bộ quản sinh, cấp dưỡng. Học sinh lớp 1,2 trong diện chuyển về điểm chính hoặc về học bán trú còn quá bé, chưa tự chăm sóc bản thân được nên công tác chăm sóc các em cũng gây áp lực cho nhà trường. Bên cạnh đó, còn có nguy cơ mất an toàn cho học sinh như hỏa hoạn, mưa lũ, dịch bệnh, an toàn thực phẩm, đuối nước. Trường học xa nhà, cũng tạo nguy cơ học sinh bỏ.

Việc xóa các điểm trường lẻ để về điểm trường chính đã góp phần đưa chất lượng giáo dục các tỉnh miền núi khởi sắc. Tỉ lệ học sinh khá giỏi tăng, học sinh bỏ học giảm rõ rệt. Hệ thống mạng lưới trường, lớp từng bước được rà soát, sắp xếp và hoàn thiện ở các cấp học, ngành học theo hướng hợp lý và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, việc xóa bỏ các điểm trường lẻ phải có một lộ trình nhất định phù hợp với thực tế, đảm bảo nhu cầu và quyền lợi của người dân ở địa phương một cách tốt nhất.

Bài và ảnh: Trọng Thủy (Báo Tin tức)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/giao-duc/nang-chat-luong-giao-duc-vung-dan-toc-bai-1-tai-dinh-cu-cho-hoc-sinh-20171116100806808.htm