Nâng chất lượng đội ngũ cán bộ bằng cách làm sáng tạo

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc bồi dưỡng, học tập nâng cao trình độ của cán bộ, đảng viên. Thực hiện lời dặn của Bác, nhiều địa phương tại Hà Nội, trong đó có quận Tây Hồ đã đặc biệt coi trọng công tác này. Thành quả đạt được đã từng bước góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, trình độ chuyên môn và năng lực thực tiễn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của địa phương.

Hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa quận Tây Hồ. Ảnh: Thanh hải

Hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa quận Tây Hồ. Ảnh: Thanh hải

Hiệu quả thực tiễn

Những năm qua, quận Tây Hồ đã có nhiều giải pháp sáng tạo, phù hợp với thực tiễn trong quản lý, đánh giá cán bộ bằng các tiêu chí cụ thể. Đồng thời, rà soát, phân loại, đánh giá số lượng, chất lượng cán bộ công chức, viên chức để có kế hoạch đào tạo. Theo lãnh đạo quận, cán bộ sau khi được quy hoạch đã có đầy đủ bằng cấp theo quy định, nhưng khi được điều động, luân chuyển nhất là luân chuyển làm Bí thư, Chủ tịch UBND phường vẫn thường lúng túng về kỹ năng lãnh đạo, quản lý, ảnh hưởng đến việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở. Từ thực tế đó, hàng năm, Ban Thường vụ quận ủy đều tổ chức các lớp bồi dưỡng cho cán bộ trong diện quy hoạch, trong đó chú trọng kỹ năng lãnh đạo quản lý sát với thực tiễn.

Nhờ được học các kiến thức cùng những kỹ năng dân vận, tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo do quận tổ chức, nên cán bộ chủ chốt phường đến các tổ chức đoàn thể đều vận dụng hiệu quả khi làm việc. Điển hình như công tác giải phóng mặt bằng Dự án trường Tiểu học và THCS Tứ Liên (công trình vừa được khánh thành đưa vào sử dụng), đây có lẽ là một trong những dự án khá phức tạp của quận. Được triển khai từ đầu những năm 2000, nhưng do địa điểm thực hiện dự án nằm ở ngoài đê sông Hồng, bên cạnh vướng mắc về địa điểm, còn rất nhiều khó khăn liên quan công tác GPMB. Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt từ quận, cả hệ thống chính trị của phường Tứ Liên trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã vào cuộc tuyên truyền, vận động, cùng người dân tháo gỡ các vướng mắc.

Như vậy có thể thấy rằng, cán bộ có năng lực, tâm huyết, lại được bồi dưỡng kỹ năng giải quyết những vấn đề, nhất là những vấn đề khó từ thực tiễn sẽ giúp cho chất lượng công việc đạt cao hơn.

Không “học cho có”

Thống kê cho thấy, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, quận Tây Hồ đã mở 187 lớp bồi dưỡng, đào tạo cho cán bộ các cấp với hơn 22.000 lượt học viên. Ðể đạt hiệu quả, quận lựa chọn thời điểm, nội dung từng lớp học cho phù hợp từng nhóm đối tượng. Hằng năm, Ban Thường vụ Quận ủy đều họp, xem xét yêu cầu thực tế, từ đó xây dựng kế hoạch và chiêu sinh. Ðơn cử như để làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, mỗi cán bộ không chỉ nắm vững các cơ chế, chính sách, còn phải được bồi dưỡng về công tác tuyên truyền, dân vận…

Gần đây nhất, quận đã hoàn thành lớp bồi dưỡng tập trung và cập nhật kiến thức mới cho các đồng chí được quy hoạch Ban Chấp hành Ðảng bộ quận khóa 6, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tại khóa học này, các học viên được giới thiệu những nội dung về công tác tư tưởng, lý luận, công tác xây dựng Ðảng; tư duy hệ thống với công tác lãnh đạo, quản lý trong bối cảnh toàn cầu hóa và chủ động hội nhập quốc tế hiện nay... Ðây cũng là bước chủ động chuẩn bị nguồn cán bộ dự bị, kế cận các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý từ quận đến cơ sở.

Đặc biệt, như lãnh đạo quận khẳng định, các lớp học đều thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật, không có chuyện "đánh trống ghi tên", học cho có. Với những người đang trong diện luân chuyển hoặc quy hoạch, kết quả học tập tại những lớp đào tạo, bồi dưỡng này càng được chú trọng và lãnh đạo quận theo dõi khá kỹ. Thực tế, không ít học sinh giỏi khi vào việc đã đạt hiệu quả cao; các bài thu hoạch của học viên không chỉ nêu được thực tế mà còn đề ra nhiều giải pháp hiệu quả. Theo Bí thư Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Văn Thắng, với những kiến thức mới được trang bị, kinh nghiệm thực tế phong phú được tổng kết, đúc rút, đội ngũ cán bộ đã vận dụng linh hoạt vào thực tiễn. Đồng thời, tiếp tục nâng cao kiến thức lý luận, chuyên môn, phát huy tốt kinh nghiệm, kỹ năng trong quá trình lãnh đạo, tham mưu, đề xuất, tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

Trần Hà

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/nang-chat-luong-doi-ngu-can-bo-bang-cach-lam-sang-tao-355472.html