Nâng chất lượng dân số các dân tộc thiểu số

Để tiếp tục nâng cao chất lượng dân số dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập hiện nay, đòi hỏi cần xây dựng các chính sách đặc thù, phù hợp với sự phát triển của các dân tộc thiểu số; lồng ghép chính sách phát triển dân số, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Từng bước cải thiện

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, trừ dân tộc Kinh là đa số, 53 tộc người còn lại là dân tộc thiểu số. Các dân tộc thiểu số ở nước ta sinh sống trên địa bàn 51 tỉnh, thành phố, 548 huyện, 5.266 đơn vị hành chính cấp xã, chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây duyên hải miền Trung. Trong đó, khu vực Trung du và miền núi phía Bắc có số người dân tộc thiểu số cao nhất (khoảng 6,7 triệu người), khu vực Tây Nguyên (khoảng 2 triệu người), Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (1,9 triệu người), khu vực Tây Nam Bộ (1,4 triệu người), dân số còn lại sinh sống rải rác ở các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Lớp dạy dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Pà Thẻn. Nguồn: ITN

Lớp dạy dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Pà Thẻn. Nguồn: ITN

Thông qua các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số cùng sự nỗ lực trong tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành, đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng có cơ hội được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản có chất lượng. Nhiều xã vùng dân tộc thiểu số sinh sống đã đạt chuẩn về y tế, có bác sĩ. Công tác tiêm chủng mở rộng cho trẻ em được thực hiện đều khắp, nhiều dịch bệnh nguy hiểm được kiểm soát, đẩy lùi như sốt rét, bạch hầu, ho gà, uốn ván… người nghèo được khám, chữa bệnh miễn phí và hưởng chính sách bảo hiểm y tế theo quy định. Nhờ đó đã góp phần nâng tuổi thọ trung bình của các dân tộc thiểu số lên khá gần tới mức chung của cả nước (73,6 tuổi).

Những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong thời gian qua đã góp phần từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nâng cao chất lượng dân số các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, dân số và chất lượng dân số các dân tộc thiểu số nước ta còn nhiều vấn đề đặt ra cần giải quyết. Trước hết, cơ cấu dân số dân tộc thiểu số mất cân đối, nhóm trẻ chiếm tỷ lệ cao, nhóm già chiếm tỷ lệ thấp. Đặc biệt, ở các dân tộc thiểu số rất ít người, số người trong độ tuổi dưới 35 chiếm tỷ lệ lớn. Về chỉ số phát triển thể chất, các dân tộc thiểu số thường xuyên đối mặt với tình trạng thiếu dinh dưỡng, tỷ lệ trẻ em người dân tộc thiểu số suy dinh dưỡng ở mức cao so với phân loại của Tổ chức Y tế thế giới và có sự khác biệt lớn giữa các vùng miền, tập trung chủ yếu ở 3 vùng Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và miền núi phía Bắc.

Thứ hai, việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số mang thai đến các cơ sở y tế để khám thai ở một số dân tộc vẫn còn khá thấp. Việc phụ nữ có thai được khám thai đầy đủ có liên quan trực tiếp đến tỷ suất tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Thứ ba, các tệ nạn và các bệnh xã hội ở vùng dân tộc thiểu số có tính chất phổ biến và có xu hướng xâm nhập vào giới trẻ, thanh niên, thiếu niên và cả học sinh.

Thứ tư, dù đã có những cải thiện đáng kể, song tuổi thọ người dân tộc thiểu số vẫn thấp hơn tuổi thọ trung bình của cả nước. Mặt khác, giữa các dân tộc thiểu số cũng có sự khác biệt rất lớn về tuổi thọ trung bình.

Theo các chuyên gia, sự hạn chế về chất lượng dân số, trong đó, sự chênh lệch về tuổi thọ bình quân và tuổi thọ thấp của người dân tộc thiểu số là do đa số người dân tộc thiểu số sinh sống ở miền núi, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn, vùng thường xảy ra thiên tai nên điều kiện sống khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, chế độ dinh dưỡng, khả năng tiếp cận với các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đào tạo còn nhiều hạn chế, tồn tại một số phong tục, tập quán lạc hậu. Cùng với đó, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở nhiều dân tộc thiểu số là những yếu tố có ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng dân số.

Si La là một trong những dân tộc thiểu số ít người nhất của Việt Nam. Nguồn: ITN

Chưa kể, trên thực tế, công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn hạn chế và bất cập. Do kinh tế phát triển không đồng đều giữa các vùng miền làm tăng sự bất bình đẳng trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội trong đó có dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế thiếu và chưa đồng bộ; chất lượng đội ngũ cán bộ y bác sĩ và cơ sở vật chất y tế vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn thiếu và yếu. Việc duy trì và phát triển mạng lưới nhân viên y tế thôn, bản tại các vùng sâu, vùng xa vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Cơ hội và khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng của người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế…

Không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần

Trong điều kiện phát triển kinh tế, xã hội đất nước cũng như vùng dân tộc thiểu số và miền núi hiện nay, để nâng cao chất lượng dân số các dân tộc thiểu số, nhiều ý kiến cho rằng, giải pháp vừa cấp bách trước mắt, vừa cơ bản lâu dài là đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường sống, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân các dân tộc thiểu số.

Để phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đòi hỏi phải huy động, phân bổ, sử dụng, quản lí hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng dân tộc thiểu số trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số, phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều bền vững.

Đồng thời, thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Bởi, bảo đảm an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số là giải pháp cơ bản để giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống của nhân dân và góp phần ổn định chính trị xã hội. Cùng với đó, thực hiện giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số nhằm mục đích ngăn chặn, đẩy lùi cơ bản tình trạng này, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng dân tộc và miền núi. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân. Tổ chức tập huấn về kiến thức, kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật liên quan về hôn nhân và gia đình trong các dân tộc thiểu số. Cần có chính sách hỗ trợ tư pháp cho người dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn khi thực hiện kết hôn đúng độ tuổi và thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn.

Đặc biệt, cần tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức và bằng nhiều thứ tiếng tới cơ sở, nhất là các thôn, bản; nhân rộng các mô hình thí điểm đạt hiệu quả trong việc ngăn chặn tình trạng hôn nhân cận huyết thống và tảo hôn. Công tác tuyên truyền vận động cần gắn với bộ đội biên phòng đóng quân trên địa bàn và tranh thủ người có uy tín trong cộng đồng để từng bước thay đổi nhận thức của người dân. Phát huy vai trò của chính quyền và các đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động thực hiện luật hôn nhân và gia đình.

Ngoài ra, cũng cần rà soát các chính sách y tế, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các dân tộc thiểu số đã ban hành để sửa đổi, bổ sung và xây dựng chính sách y tế, chăm sóc sức khỏe phù hợp với điều kiện vùng dân tộc và miền núi cho từng thời kỳ và chính sách dài hạn đến năm 2030, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ kỹ thuật trong chăm sóc sức khỏe cơ bản nhằm nâng cao chất lượng dân số ở khu vực các dân tộc có số dân ít (dưới 1 vạn người).

Vân Phi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/nang-chat-luong-dan-so-cac-dan-toc-thieu-so--i298925/