Nâng chất để hợp tác xã nông nghiệp phát huy hiệu quả

Thời gian qua, nhiều hợp tác xã (HTX) trong lĩnh lực nông nghiệp đã phát huy vai trò tích cực liên kết, hợp tác hình thành mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ðồng thời, HTX cũng triển khai khá tốt nhiều hoạt động dịch vụ phục vụ cho xã viên, nông dân và thúc đẩy ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật để hạ giá thành, nâng cao chất lượng và giá bán của các loại nông sản. Song, HTX nông nghiệp vẫn còn đối mặt với không ít khó khăn rất cần ngành chức năng tháo gỡ.

Mô hình sản xuất “cánh đồng lớn” của HTX nông nghiệp Hiếu Bình ở huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ.

Vai trò tích cực

Ðến cuối năm 2020, vùng ÐBSCL có 2.546 HTX và 10 liên hiệp HTX nông nghiệp. Còn cả nước có 17.000 HTX nông nghiệp và 68 liên hiệp HTX nông nghiệp, trong đó có 6.046 HTX trong lĩnh vực trồng trọt, 1.025 HTX chăn nuôi, 964 HTX thủy sản, 202 HTX lâm nghiệp…Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả đã chiếm khoảng 84% trên tổng số HTX. Có 1.718 HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chiếm 9,8% tổng số HTX nông nghiệp cả nước. Có 3.913 HTX thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với doanh nghiệp, chiếm 22,4% tổng số HTX. Có 7.463 HTX đạt tiêu chí về tổ chức sản xuất và 823 HTX sở hữu các sản phẩm OCOP.

TP Cần Thơ hiện có trên 130 HTX nông nghiệp và hơn 1.320 tổ hợp tác (THT) nông nghiệp. Theo Liên minh HTX TP Cần Thơ, HTX và THT nông nghiệp đã liên kết, hợp tác trên 50% tổng số hộ nông nghiệp trên địa bàn thành phố. Hoạt động dịch vụ phục vụ thành viên của các HTX nông nghiệp tại thành phố phổ biến là cung ứng vật tư nông nghiệp, làm đất, bơm tưới, hỗ trợ nhau về kinh nghiệm sản xuất, nhân rộng mô hình hiệu quả, chuyển giao khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, hợp đồng tiêu thụ hàng hóa cho thành viên...

Nhiều HTX nông nghiệp gắn với cánh đồng lớn canh tác lúa ở Cần Thơ đã đầu tư xây trạm bơm điện, mua máy cày, máy cấy, máy gặt đập liên hợp, xây lò sấy, nhà kho hỗ trợ thành viên các khâu sản xuất và tiêu thụ lúa. Ðiển hình như, HTX nông nghiệp Khiết Tâm, HTX nông nghiệp Hiếu Bình ở huyện Vĩnh Thạnh và HTX nông nghiệp Ðại Lợi tại huyện Thới Lai đã cung cấp 4-6 dịch vụ phục vụ cho các thành viên và hộ dân liên kết sản xuất lúa chất lượng cao, đồng thời hợp đồng với doanh nghiệp bao tiêu lúa trên diện tích hàng ngàn héc-ta. Một số HTX chuyên sản xuất và cung cấp lúa giống cũng đã hoạt động khá hiệu quả, điển hình như HTX giống nông nghiệp Thốt Nốt tổ chức tốt cả chuỗi sản xuất, bảo quản và tiêu thụ lua giống với số lượng hằng năm trên 700 tấn. Các HTX trong các vùng chuyên canh trồng rau màu và cây ăn trái tại các quận, huyện của thành phố như: HTX rau an toàn Long Tuyền (quận Bình Thủy), HTX Rau an toàn Hòa Phát (quận Ô Môn), HTX nông nghiệp Thân Thiện (quận Thốt Nốt), HTX vườn cây ăn trái Trường Khương A và HTX nông nghiệp Trường Trung A (huyện Phong Ðiền)… cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ thành viên trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm theo hướng chất lượng, an toàn và nâng cao giá trị. Các HTX trong vùng nuôi thủy sản (chủ yếu là cá tra) như: HTX thủy sản Thắng Lợi (huyện Vĩnh Thạnh), HTX Thới An (quận Ô Môn)… cung cấp nhiều dịch vụ phục vụ xã viên và linh động đổi mới phương thức hoạt động nhằm khắc phục những khó khăn, rủi ro trong tiêu thụ sản phẩm do giá cả thường bấp bênh, bất lợi. Hầu hết các HTX này đều quan tâm liên kết chặt với doanh nghiệp, trong đó chú ý liên kết bằng hình thức hợp đồng đầu tư - bao tiêu sản phẩm, giúp người nuôi giải quyết được khó khăn về vốn, giá cả và tiêu thụ sản phẩm.

Cần hỗ trợ HTX

HTX nông nghiệp đã thể hiện vai trò tích cực nhưng phát triển HTX nông nghiệp tại TP Cần Thơ và các tỉnh, thành trong cả nước nói chung vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Ðáng chú ý là số lượng HTX nông nghiệp tại nhiều địa phương còn ít và quy mô nhỏ, chưa huy động được sự tham gia của nhiều xã viên, cũng như chưa phát triển được nhiều dịch vụ phục vụ cho xã viên, nhất là việc liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm đầu ra. Do hạn chế về năng lực tài chính và quản trị, điều hành nên hiệu quả hoạt động của nhiều HTX nông nghiệp cũng còn hạn chế và HTX cũng gặp khó khi muốn mở rộng quy mô hoạt động. Ðể thúc đẩy phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp, đòi hỏi ngành chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để người dân nhận thức tầm quan trọng của HTX nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay và tích cực tham gia.

Song song đó, Nhà nước cần tiếp tục có thêm các chính sách ưu đãi, hỗ trợ HTX nông nghiệp về vốn, nguồn nhân lực, kết nối doanh nghiệp… Ðồng thời, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời tháo gỡ khó khăn, nhất là việc hoạt động theo đúng luật quy định và xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Ông Nguyễn Ngọc Huấn, Giám đốc HTX nông nghiệp Khiết Tâm, kiến nghị: “Nhà nước cần có thêm chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho HTX nông nghiệp được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đầu tư mở rộng quy mô hoạt động phục vụ thành viên. Hiện hầu hết các HTX đều gặp khó trong tiếp cận các nguồn vốn vay của ngân hàng vì không có tài sản thế chấp. HTX cũng mong ngành chức năng hỗ trợ, hướng dẫn giúp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ HTX nhằm nâng cao năng lực quản lý, điều hành. Mặt khác, cần có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp trong liên kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân tại các HTX”.

Theo Tiến sĩ Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm đào tạo và Tư vấn kinh tế hợp tác, Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn II, để thúc đẩy phát triển HTX nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần xem xét ban ngành “Nghị định về HTX nông nghiệp” để có các cơ chế, chính sách hỗ trợ một cách đồng bộ và phù hợp. Tới đây, cũng cần quan tâm ưu tiên dành nguồn lực giúp HTX nâng cao năng lực thị trường thông qua các hoạt động hỗ trợ sơ chế, chế biến sản phẩm, xúc tiến thương mại sản phẩm, thông tin thị trường… Ðồng thời, chú ý hỗ trợ tập huấn và đào tạo cả trong ngắn hạn và dài hạn cho nguồn nhân lực HTX và đội ngũ chuyên gia tư vấn HTX tại địa phương. Riêng đối với các cấp chính quyền tại địa phương cần quan tâm triển khai tốt các chính sách về hỗ trợ, phát triển HTX đã được Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương ban hành, nhất là các chính sách mới. Ðồng thời, cũng cần chuyển ưu tiên hỗ trợ các HTX về sản xuất sang hỗ trợ thông tin thị trường, hạch toán kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh mời gọi doanh nghiệp về hợp tác với HTX và tận dụng các nguồn lực sẵn có tại địa phương để hỗ trợ phát triển HTX.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/nang-chat-de-hop-tac-xa-nong-nghiep-phat-huy-hieu-qua-a131336.html