Nâng chất cho giáo dục hướng nghiệp: Bắt đầu từ sinh viên sư phạm

Giáo dục phổ thông đang thay đổi theo hướng chú trọng đến công tác hướng nghiệp. Chương trình giáo dục phổ thông mới cũng xác định rõ giai đoạn định hướng nghề nghiệp… Điều đó đòi hỏi các cơ sở đào tạo giáo viên (GV) cần đổi mới, kịp thời nắm bắt xu hướng đào tạo nghiệp vụ sư phạm (SP). Mặt khác, cần xác định rõ vị trí của hướng nghiệp trong đào tạo nghiệp vụ SP cho SV SP.

Đổi mới đào tạo GV theo hướng tiếp cận năng lực trong đó có năng lực GDHN là yêu cầu cấp bách với các trường SP. Ảnh: Thanh Long

Đổi mới đào tạo GV theo hướng tiếp cận năng lực trong đó có năng lực GDHN là yêu cầu cấp bách với các trường SP. Ảnh: Thanh Long

Đòi hỏi bắt buộc

Thực tế cho thấy, nhận thức về công tác định hướng nghề nghiệp hiện nay từ các nhà trường còn thiếu tính bền vững. Trong khi đó trách nhiệm của ngành Giáo dục không chỉ là dẫn dắt học sinh (HS) vào các trường ĐH, CĐ mà cần tư vấn, định hướng để các em lựa chọn con đường nghề nghiệp phù hợp với hoàn cảnh, bản thân và nhu cầu xã hội. Vì vậy, cần có chính sách đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho các thầy cô giáo làm công tác này và cần chú ý ngay từ khi còn đang là SV trường SP.

Mặt khác, để làm tốt giáo dục hướng nghiệp (GDHN) ở nhà trường phổ thông thì yếu tố quan trọng là phải có đội ngũ những người tham gia hướng nghiệp cho HS. Đội ngũ này bao gồm nhiều thành phần trong đó phải kể đến lực lượng sinh viên (SV) của các trường, khoa SP. Lực lượng này phải được đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật thường xuyên về kiến thức, kĩ năng hoạt động hướng nghiệp. Thế nhưng, những năm qua, người làm công tác GDHN trong các nhà trường hầu như chưa được đào tạo, bồi dưỡng đúng với yêu cầu của công việc dẫn tới chưa đạt hiệu quả mong muốn.

Các nhà quản lý GD cho rằng: SV sư phạm là những thầy cô giáo tương lai. Một số người có thể sẽ kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ GDHN... Do vậy, cần trang bị cho SV SP những kiến thức, kĩ năng hướng nghiệp cần thiết để khi ra trường, họ có khả năng thực hiện HĐHN - một cách hiệu quả.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Hội Tâm lý GD Hà Nội cũng khẳng định: Để triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới cũng như thực hiện tốt công tác hướng nghiệp trong nhà trường, việc đổi mới đào tạo GV theo hướng tiếp cận năng lực trong đó có năng lực làm công tác hướng nghiệp là yêu cầu cấp bách đặt ra với các cơ sở đào tạo GV.

Tăng cường kĩ năng

Theo các nhà quản lý GD, các trường SP cần trang bị cho SV những kiến thức, kĩ năng hướng nghiệp cụ thể. Hiểu rõ những kiến thức cơ bản về hướng nghiệp không những giúp SV có cơ sở lí thuyết để sau này tham gia tổ chức các HĐHN ở trường mà còn để đánh giá lại sở thích, khả năng, cá tính, giá trị nghề nghiệp của bản thân, biết cách tìm các thông tin nghề nghiệp cần thiết cho việc xác định hướng đi trong tương lai và xây dựng kế hoạch nghề nghiệp cho bản thân…

Tình trạng HS tốt nghiệp các trường phổ thông vẫn chưa có định hướng nghề nghiệp phù hợp dẫn đến thiếu cân bằng trong công tác đào tạo, tuyển dụng, gây lãng phí công sức, tiền của trong công tác đào tạo người lao động. Vì vậy, trong công tác rèn luyện nghiệp vụ SP cho SV, cần trang bị kỹ năng GDHN cho HS đáp ứng mục tiêu đào tạo người lao động hiện nay.

Từ lâu trong hệ thống giáo dục phổ thông, việc định hướng nghề nghiệp cho HS vẫn chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến nhiều HS lựa chọn ngành học và nghề nghiệp chưa phù hợp với năng lực và sở trường cá nhân, từ đó, gặp nhiều khó khăn trong hoạt động nghề nghiệp sau khi ra trường. Thực trạng trên có nhiều nguyên nhân, trong đó, việc bồi dưỡng năng lực hướng nghiệp cho HS chưa được chú trọng trong chương trình đào tạo GV ở các trường SP… Đó là ý kiến của TS Văn Thị Thanh Nhung - Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế.

Trên cơ sở nghiên cứu chương trình rèn luyện NVSP cho SV các trường SP và mục tiêu, nội dung chương trình GDHN cho HS trung học, để đáp ứng mục tiêu định hướng nghề nghiệp cho HS sau khi tốt nghiệp, TS Văn Thị Thanh Nhung đề xuất một số giải pháp: Trước hết, cần tích hợp đào tạo các năng lực chuyên môn và nghiệp vụ SP theo hướng vận dụng một cách sáng tạo kiến thức trong thực tiễn dạy học ở địa phương; Bổ sung mô - đun GDHN cho HS phổ thông trong chương trình rèn luyện NVS; Định kỳ bồi dưỡng kiến thức GDHN cho GV phổ thông và giảng viên các cơ sở đào tạo nghề phổ thông; Bồi dưỡng cho SV kỹ năng sử dụng các phương tiện truyền thông trong GDHN cho HS...

TS Nguyễn Tùng Lâm - Hội Tâm lý GD Hà Nội cũng chỉ ra hàng loạt những yêu cầu SV các trường SP cần có để làm tốt chương trình GDHN ở phổ thông là: Các trường SP phải có chương trình bồi dưỡng để SV SP có đủ kiến thức hiểu biết tâm lý lứa tuổi HS từng cấp; hiểu được vị trí vai trò của các chương trình giáo dục phổ thông trong đó có chương trình GDHN. SV phải nắm được một cách chắc chắn về quá trình và những con đường, những tác động để HS phổ thông hình thành và phát triển nhân cách… SV cần được trang bị và có khả năng thực hành tương đối thành thạo về tham vấn hướng nghiệp cho học sinh; Giúp SV SP có hoài bão ước mơ trở thành nhà giáo.

Đức Trí

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/nang-chat-cho-giao-duc-huong-nghiep-bat-dau-tu-sinh-vien-su-pham-3987940-b.html