Nâng chất cho cà phê Việt

Là nước sản xuất hàng đầu thế giới nhưng giá cà phê của Việt Nam lại chưa có 'tiếng nói' quyết định đến giá cà phê trên các sàn giao dịch thế giới. Xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu là vấn đề cần được đẩy mạnh.

Cần nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng cà phê Việt.

Dư cung, giá giảm
Theo Tổng cục Hải quan, tính trong chín tháng năm 2018, xuất khẩu cà phê đạt 1,447 triệu tấn, trị giá 2,75 tỷ USD, tăng 18,8% về lượng nhưng giảm 0,5% về trị giá so với chín tháng năm 2017 do cầu thấp, cung dư.

Đức và Mỹ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong tám tháng đầu năm 2018 với thị phần lần lượt là 12,6% và 9,8%. Các thị trường có giá tri ̣xuất khẩu cà phê trong tám tháng đầu năm 2018 tăng mạnh là: Indonesia (tăng gấp 8 lần), Nga (tăng 66,6%) và Philippines (tăng 46,6%).

Đáng chú ý, giá cà phê xuất khẩu bình quân tám tháng đầu năm 2018 đạt 1.913 USD/tấn, giảm 15,5% so với cùng kỳ năm 2017.

Nhu cầu cũng như giá cà phê thế giới đã tác động trực tiếp đến giá cà phê trong nước. Trong tháng 9/2018, cà phê vối nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giảm 700 đồng/kg xuống còn 31.900 – 32.500 đồng/kg, so với tháng trước. Nhìn lại chín tháng đầu năm năm 2018, giá cà phê trong nước biến động giảm mạnh với mức giảm 2.100 – 2.400 đồng/kg.

Theo các chuyên gia, giá cà phê tại các nước sản xuất vẫn chịu nhiều áp lực trong 3 tháng cuối năm. Trước hết, tồn kho cà phê của các nhà kinh doanh quốc tế đang tương đối dồi dào. Ước tính đến hết tháng 9, có khoảng 350 nghìn tấn cà phê Robusta của các nhà kinh doanh quốc tế đang trữ tại kho ở các nước sản xuất và kho cảng ở các thị trường tiêu thụ. Lượng cà phê này có thể đưa vào kho thuộc sàn giao dịch để trở thành hàng đạt chuẩn, tức là có chứng nhận chất lượng nhằm tham gia đấu giá. Vì thế, lượng cà phê tồn kho ấy sẽ gây áp lực lên giá cà phê. Bên cạnh đó, giá cà phê còn chịu áp lực từ bán hàng niên vụ mới tại Brazil và Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất cơ bản đồng USD dẫn đến đồng USD mạnh so với đồng tiền của các nước xuất khẩu lớn, trong khi cà phê giao dịch trên thị trường thế giới định giá bằng USD, nên dẫn đến sức ép giảm giá cà phê.

Giấy thông hành cho cà phê Việt
Những biến động của thị trường thế giới tác động vào thị trường trong nước là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, làm thế nào để giảm tối đa tác động là vấn đề cần được tính tới. Ông Trần Văn Hùng – Cán bộ quản lý Dự án thương mại công bằng tại Việt Nam cho rằng, là một trong những quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất trên thế giới nhưng hiện tại, giá cà phê của Việt Nam lại chưa có tiếng nói quyết định, chưa trở thành tham chiếu cho giá cà phê thế giới. Giá cà phê robusta của Việt Nam hầu hết phải dự đoán dao động từ các thị trường London để đưa ra giá. Đây là một trong những vấn đề đang rất “trăn trở” của chính ngành cà phê.

Do đó, để có được giá cà phê ổn định ra thị trường thế giới cũng như bảo đảm được đời sống người nông dân thì bên cạnh việc bảo đảm chất lượng cho cà phê, thì việc tham gia vào các chứng nhận quốc tế như: Thương mại công bằng hay các chứng nhận bền vững khác là hết sức quan trọng. “Khi có được những chứng nhận này, thì mỗi biến động về giá trên thị trường thế giới vẫn bảo đảm được rằng nông dân vẫn có thể bán được mức giá tối thiểu. Mức giá này bảo đảm cho người nông dân trồng cà phê có lãi để tái đầu tư”, ông Hùng cho hay.

Tuy nhiên, ông Hùng cũng thừa nhận một thực tế là chưa có nhiều nhóm trồng cà phê ở Việt Nam tham gia đạt chứng nhận trên thế giới vì bản thân các nông dân trên thế giới vẫn còn manh mún, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa đúng hay chưa bảo đảm các yếu tố về xã hội khác.

Ông Đào Đức Huấn - Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn) cho rằng: Đứng trước đòi hỏi của thị trường, cần phải phát huy lợi thế và xác định chiến lược phù hợp cách tiếp cận dài hơi hơn để cà phê Việt giữ vững và khẳng định vị trí. Trong đó, xây dựng thương hiệu cà phê Việt Nam chất lượng cao là một giải pháp quan trọng, là cơ sở để thúc đẩy hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị sản phẩm cà phê Việt trong thời gian tới.

Để làm được việc này, bên cạnh sự hỗ trợ từ phía Nhà nước trong việc tiếp cận thông tin nhu cầu thị trường. Rất cần có các chính sách và giải pháp đồng bộ của Nhà nước để quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhằm nâng cao hình ảnh cà phê Việt trên thị trường, góp phần nâng cao giá trị, thúc đẩy thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng.

HÀ ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/chuyen-lam-an/item/38017902-nang-chat-cho-ca-phe-viet.html