Nâng cấp lớn khiến JF-17 Trung Quốc bỏ xa MiG-35 trên thị trường vũ khí

Như nhiều cuộc triển lãm hàng không khác, tại Zhuhai Airshow 2018 Nga vẫn mang tiêm kích MiG-35 đi chào hàng, tuy nhiên cơ hội để nó thoát khỏi tình trạng ế ẩm chẳng sáng sủa là bao khi gặp phải những đối thủ rất mạnh.

 Triển vọng xuất khẩu của MiG-35 khá u ám vì những nhược điểm cố hữu như giá thành cao, trọng lượng vượt quá tiêu chuẩn của tiêm kích hạng nhẹ, khiến nó khó cạnh tranh với các dòng máy bay 1 động cơ.

Triển vọng xuất khẩu của MiG-35 khá u ám vì những nhược điểm cố hữu như giá thành cao, trọng lượng vượt quá tiêu chuẩn của tiêm kích hạng nhẹ, khiến nó khó cạnh tranh với các dòng máy bay 1 động cơ.

MiG-35 bị phàn nàn là sản phẩm "cao không tới - thấp không xong" ngoài yếu tố kinh tế thì còn một nguyên nhân nữa đó là hiện nay nó thậm chí chẳng có ưu thế nào đáng kể về tính năng trước các dòng tiêm kích giá rẻ của Trung Quốc.

Đặt cạnh chiếc J-10B lắp động cơ 3D TVC và radar AESA thì dễ nhận thấy MiG-35 bị thất thế lớn, nhưng thậm chí bây giờ nếu so sánh với chiếc tiêm kích hạng hai JF-17 mà Trung Quốc chỉ dùng để xuất khẩu thì MiG-35 cũng còn phải toát mồ hôi hột.

Tại Triển lãm Zhuhai Airshow 2018, Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) đã giới thiệu radar mảng pha quét chủ động (AESA) thế hệ mới có mã định danh LKF601E để trang bị cho tiêm kích JF-17 Thunder.

Radar LKF601E hoạt động trên băng tần X với băng thông 3GHz, nó có khả năng phát hiện máy bay tiêm kích hạng nhẹ từ cự ly 170 km, theo dõi cùng lúc 15 mục tiêu và điều khiển tên lửa diệt 4 trong số đó.

Trong chức năng tấn công, radar LKF601E có khả năng lập bản đồ mặt đất từ cự ly 300 km, nhận diện được tàu chiến có diện tích phản xạ radar 1.000 m2 cách xa 220 km, thông số cực kỳ đáng nể.

Với radar LKF601E, giờ đây một chiếc tiêm kích hạng nhẹ rẻ tiền như JF-17 cũng có khả năng tác chiến chẳng thua kém gì, nếu như không muốn nói là còn trội hơn chiếc MiG-35 trên khá nhiều tiêu chí cơ bản.

Radar Zhuk-AE AESA trang bị cho MiG-35 có tầm phát hiện mục tiêu hàng không trong khoảng 140 - 160 km, tuy nhiên người Nga lại chưa công bố tầm phát hiện máy bay tiêm kích từ bao xa, do vậy thông số trên có thể hiểu là đối với máy bay ném bom cỡ lớn.

Mặc dù Nga quảng cáo là radar Zhuk-AE trang bị cho MiG-35 có thể nâng cự ly trinh sát lên con số 250 km tuy nhiên phải yêu cầu tăng cường số lượng phần tử thu phát, tức là kích thước cũng như trọng lượng tăng vọt so với hiện nay.

Phiên bản radar Zhuk-AE hạng nặng như vậy chỉ có thể sử dụng để nâng cấp tiêm kích thuộc dòng Sukhoi như Super 30 của Ấn Độ mà thôi chứ chẳng thể nào tích hợp vào phần mũi chiếc MiG-35 nguyên bản.

Ưu thế lớn nhất của radar Zhuk-AE trang bị cho MiG-35 so với LKF601E của JF-17 chỉ là nó theo dõi được 30 mục tiêu và dẫn đường cho tên lửa tiêu diệt 6 trong số đó cùng lúc mà thôi (ở radar LKF601E chỉ số tương tự là 15 và 4).

Nhưng thông số trên ít có tác dụng trong không chiến tầm xa, nhất là khi bị đối phương phát hiện và ngắm bắn từ trước, vì chiếc MiG-35 có diện tích phản xạ radar lớn hơn nhiều so với JF-17.

Rõ ràng với nâng cấp mới, tiêm kích giá rẻ JF-17 Thunder của Trung Quốc giờ đây đã chẳng phải ngại ngần gì MiG-35 trong tình huống đối đầu trực diện.

Trong khi tính năng đã được đảm bảo thì ưu thế về giá thành và độ ổn định khi hoạt động sẽ như cú đấm hạ knock out mà JF-17 dành cho MiG-35 trên võ đài thị trường vũ khí thế giới.

Triển vọng của MiG-35 vì vậy đang trở nên càng ngày càng ảm đạm hơn, thậm chí ngay cả Không quân Nga cũng chưa có ý định thay thế phi đội MiG-29 bằng nó.

Với tình hình hiện tại, dự báo rằng trong tương lai không xa các mẫu tiêm kích hạng nhẹ Made in China thậm chí còn cạnh tranh sòng phẳng với cả JAS 39 Gripen hay Eurofighter Typhoon của châu Âu.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-nang-cap-lon-khien-jf17-trung-quoc-bo-xa-mig35-tren-thi-truong-vu-khi/789386.antd