Nâng cấp công nghệ hướng tới phát triển bền vững

Nhiều DN đã tiết kiệm hàng triệu USD chi phí vận hành nhờ việc đầu tư các dây chuyền công nghệ mới.

Công nhân vận hành máy laser "mài" quần jean tại Công ty Phong Phú. Ảnh: ST.

Công nhân vận hành máy laser "mài" quần jean tại Công ty Phong Phú. Ảnh: ST.

Cải thiện hiệu năng bằng công nghệ mới

Trong kế hoạch dài hạn nâng cao hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường, Công ty CP Quốc tế Phong Phú đã mua và lắp đặt những chiếc máy laser để “mài” các sản phẩm may mặc bằng vải jean — một kỹ thuật được sử dụng để làm bạc màu và sờn rách các sản phẩm jean được người tiêu dùng ưa thích. Với những chiếc máy laser như thế này, một công nhân có thể xử lý khoảng 300 sản phẩm jean một ngày, gấp nhiều lần so với chỉ khoảng 20 đến 30 sản phẩm nếu theo quy trình xử lý thủ công thâm dụng lao động trước đây, và công nhân phải tiếp xúc với hóa chất độc hại.

Kế hoạch của Phong Phú được nhận hỗ trợ bởi Chương trình Cải thiện Hiệu quả Sử dụng Tài nguyên Việt Nam, một sáng kiến của IFC – một thành viên của Ngân hàng thế giới, nhằm cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên trong các ngành may mặc, dệt, và da giày. Theo đó, IFC đã giúp Phong Phú ứng dụng các công nghệ mới và các thực hành tốt nhằm giúp công ty tiến đến gần hơn mục tiêu của mình. Cụ thể, Phong Phú đã thay nồi hơi hiệu suất năng lượng thấp sang sử dụng nồi hơi hiệu suất cao. Công ty cũng đạt được hiệu quả sử dụng nước cao bằng cách tái sử dụng 80% lượng nước thải. Để đạt được hiệu quả sử dụng tài nguyên cao hơn và năng suất tốt hơn, bên cạnh việc thay quy trình xử lý thủ công bằng máy laser, công ty cũng đã chuyển đổi việc sử dụng máy giặt truyền thống sang các máy ozone hiện đại.

Với 20 nhà máy và 14.000 công nhân sản xuất và cung ứng các sản phẩm may mặc bằng vải jean, dệt kim và dệt thoi cho các thương hiệu lớn trên thế giới, Phong Phú đã triển khai các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên trước tiên tại nhà máy giặt (wash) của công ty Thành Châu, một công ty thành viên trực thuộc Phong Phú, vào các năm 2016 và 2017. Công ty cũng đã triển khai các biện pháp cải tiến tương tự tại tất cả các nhà máy trực thuộc công ty trong năm 2018.

Công ty TNHH Samil Vina, một nhà cung cấp chiến lược của Target cũng đã lắp đặt các máy nhuộm tiên tiến hơn, giúp giảm sử dụng nước, năng lượng, và hóa chất dùng để nhuộm vải. Nguồn vốn cho khoản đầu tư này của Samil Vina tài trợ bở Ngân hàng Vietinbank dưới sự tư vấn và giới thiệu của IFC. Kết quả, các máy nhuộm vải mới với dung tỷ (MLR) thấp đã giúp Samil Vina giảm lượng tiêu dùng nước, hóa chất và năng lượng khoảng 45%. Hệ thống mới cũng giúp giảm thời gian sản xuất khoảng 17%.

Hướng tới tương lai sạch

Với việc đầu tư dây chuyền công nghệ mới, Phong Phú không chỉ có thêm các đơn hàng mới, mà còn tiết giảm được lượng điện sản xuất gần 7 triệu kWh/năm, và tiết kiệm được 200.000 m3 nước/năm. Nhờ đó, công ty tiết kiệm được 700.000 USD/năm. Năng suất tăng lên tối thiểu 30% giúp Phong Phú đạt 300 triệu USD tổng doanh thu năm 2018 - mức tăng 30% so với năm 2017, trong khi chi phí vận hành giảm khoảng 20%. Hiện Phong Phú đang có kế hoạch xây dựng một nhà máy may tự động hiện đại hàng đầu Châu Á vào năm tới.

Theo bà Nguyễn Thị Liên, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Quốc tế Phong Phú, việc cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên và gia tăng sản lượng đã giúp công ty thu hút được thêm các khách hàng mới vốn đang tìm kiếm những nhà cung cấp đáp ứng được các tiêu chuẩn bền vững toàn cầu. Bà Liên cũng tin rằng lợi nhuận gia tăng sẽ giúp công ty trả được mức lương tốt hơn cho người lao động. Điều này góp phần giúp công ty giữ chân được những công nhân có tay nghề, những người có dự định gắn bó lâu dài với công ty nhờ vào chế độ đãi ngộ cạnh tranh.

Tương tự, Công ty Samil Vina cũng đã tiết kiệm được 2 triệu USD chi phí vận hành một năm sau khi lắp đặt các máy nhuộm mới. Nhờ đó, công ty có thể tăng lương cho người lao động khoảng 60% chỉ trong vòng một năm kể từ khi lắp đặt máy nhuộm vải mới. Công ty dự kiến xây dựng một nhà máy dệt mới trị giá 60 triệu USD và tuyển dụng thêm 2.000 công nhân khi nhà máy đi vào vận hành vào năm 2020.

Ông I.B.Park, Tổng giám đốc Công ty TNHH Samil Vina cũng chia sẻ, thay vì xây dựng một nhà máy mới để mở rộng sản xuất, chỉ cần áp dụng một số biện pháp nâng cấp đơn giản nhưng hiệu quả, công ty đã có thể tăng gấp đôi năng suất. Hiện nay, Samil Vina là một trong số các công ty dệt có năng suất cao nhất tại Việt Nam, chủ yếu nhờ vào việc tiết kiệm tài nguyên.

Chương trình Cải thiện Hiệu quả Sử dụng Tài nguyên Việt Nam của IFC đã hỗ trợ 70 nhà máy đầu tư 26 triệu USD vào các biện pháp sử dụng tài nguyên hiệu quả, giúp họ tiết kiệm được 24 triệu USD dưới hình thức tiết giảm chi phí sử dụng nước, năng lượng và hóa chất. IFC cho biết, các khuyến nghị của chương trình được triển khai toàn diện trong ba năm tới, với tổng đầu tư 40 triệu USD để nâng cấp và trang bị các thiết bị sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn. Các nhà máy tham gia chương trình sẽ tiết kiệm được 4 triệu m3 nước và cắt giảm được 788.500 tấn phát thải khí nhà kính một năm, tương đương với việc loại bỏ 1,1 triệu xe hơi đang lưu thông trên đường. Chỉ tính riêng ngành dệt may, mức tiêu dùng năng lượng có thể giảm khoảng 30% nhờ vào việc nâng cấp công nghệ và cải thiện việc sử dụng tài nguyên.

Nguyễn Hiền

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/nang-cap-cong-nghe-huong-toi-phat-trien-ben-vung-111834.html