Nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật

Thời gian gần đây, trên địa bàn Hà Nội liên tục xảy ra những vụ chống người thi hành công vụ khi bị xử lý vi phạm luật giao thông. Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên dân dẫn đến thực trạng trên một phần xuất phát từ trình độ văn hóa, nhận thức và ý thức của người tham gia giao thông còn hạn chế, thiếu hiểu biết về pháp luật…

Nhiều vụ việc gây bức xúc dư luận

Một trong những vụ việc gây chấn động dư luận thời gian qua xảy ra vào 15h ngày 19/3. Theo đó, trên đường Phạm Hùng (quận Cầu Giấy) một Cảnh sát giao thông yêu cầu lái xe taxi vi phạm giao thông dừng xe để kiểm tra.

Đáng nói, không những không chấp hành yêu cầu, lái xe này còn lao thẳng vào chiến sĩ Cảnh sát giao thông. Chiến sĩ Cảnh sát giao thông đã bị hất lên capô nhưng tài xế vẫn không dừng lại, tiếp tục cho ôtô tăng ga bỏ chạy. Khi taxi này chạy đến đường Tố Hữu, chiến sĩ Cảnh sát giao thông mới nhảy được xuống.

Lực lượng Cảnh sát giao thông ra quân đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Lực lượng Cảnh sát giao thông ra quân đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Mới đây nhất, ngày 8/7, Tổ công tác Đội Cảnh sát giao thông số 4 (Công an thành phố Hà Nội) đang làm nhiệm vụ phân luồng giao thông ngay tại nút giao đường Trường Chinh – Giải Phóng, phường Phương Liệt (quận Đống Đa). Lúc này, Tổ công tác phát hiện thấy xe ô tô 4 chỗ, biển kiểm soát 90A-071.35 do tài xế Lê Xuân Hùng điều khiển không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường, nên ra hiệu lệnh dừng xe.

Trung úy Vũ Văn Quang là người ra hiệu lệnh dừng xe BKS 90A-071.35, nhưng tài xế Lê Xuân Hùng đã không chấp hành mà cho xe lao thẳng vào người của Trung úy Quang, buộc chiến sĩ Cảnh sát giao thông này phải nhảy tránh và bám vào xe ô tô. Thấy Trung úy Quang bám phía trước ô tô, nhưng Hùng vẫn tiếp tục tăng ga bỏ chạy khoảng 20m, kéo lê Trung úy Quang trên mặt đường nhựa. Do bị kéo lê trên đường, nên cảnh phục của Trung úy Quang bị rách phần lưng, bả vai, cơ thể Trung úy Quang bị xây sát, chấn thương.

Trên đây chỉ là 2 trong số nhiều vụ chống người thi hành công vụ. Tuy nhiên cho thấy tính chất manh động, hung hãn của đối tượng vi phạm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe Cảnh sát giao thông, gây bức xúc trong dư luận.

Xử nghiêm để răn đe

Thực tế, câu chuyện chống đối người thi hành công vụ khi bị xử lý vi phạm luật giao thông không phải đến bây giờ mới xuất hiện. Hành vi chống đối cũng được thể hiện ở muôn hình vạn trạng hình thái. Chẳng hạn, có thể dễ dàng bắt gặp ngay trong những tình huống giản đơn trên đường người điều khiển phương tiện tăng tốc, luồn lách hoặc đột ngột tấp vào đường… khi quan sát thấy bóng dáng của lực lượng chức năng.

Một bộ phận thiếu ý thức còn xem đây là những “chiêu thức” tránh các chốt chặn kiểm tra của lực lượng Cảnh sát giao thông. Nếu bị lực lượng chuyên ngành giữ lại, không ít các trường hợp còn viện mọi lý do, từ giải thích đến cả khiêu khích, đả kích lực các chiến sĩ thi hành nhiệm vụ. Nhiều cá nhân còn quay lại clip, tung lên mạng nhằm bôi nhọ, xuyên tạc lực lượng chức năng.

Cần nhấn mạnh, dù xuất phát từ nguyên nhân nào, việc chống đối, tấn công Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ, một mặt trực tiếp đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ, mặt khác còn dẫn đến nhiều hệ lụy đến an ninh trật tự, an toàn giao thông chung cho tất cả mọi người. Do đó, những trường hợp đã vi phạm còn cố tình bất hợp tác, cản trở lực lượng chức năng làm việc cần phải được xử lý nghiêm khắc ở mức cao nhất để đủ tính răn đe.

Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan thực thi pháp luật cần xem xét, bổ sung, sửa đổi các quy định của pháp luật về xử lý đối với hành vi chống người thi hành công vụ. Bên cạnh việc tập huấn kỹ càng cho lực lượng chiến sĩ, cân nhắc tăng thẩm quyền cho người thi hành công vụ được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ để bảo vệ mình trong những trường hợp, tình huống cụ thể được pháp luật quy định, thì công tác đẩy mạnh truyền thông, giáo dục nhận thức và đảm bảo sự minh bạch, rõ ràng, tăng quyền giám sát cho người dân cũng cần tăng lên.

Chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Hình thành văn hóa giao thông của cá nhân và cộng đồng”, ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, hành vi chống đối người thực thi công vụ sai trái, phải lên án và xã hội phải lên án. Bởi người thực thi pháp luật được xã hội ủy thác quyền lực để thực hiện một nhiệm vụ nhất định cho xã hội.

Ông Trần Hữu Minh cho rằng cần chia các đối tượng vi phạm ra thành từng nhóm để có cách thức xử lý, giáo dục phù hợp. Chẳng hạn, hiện có tỷ lệ nhất định người tham gia giao thông nhưng không hiểu biết về quy định pháp luật hoặc cho rằng những quy định đó không tồn tại nên họ phản đối, phản ứng với người thi hành công vụ. Ví dụ, những người học bằng lái xe cách đây 20 năm, họ có thể không biết về các quy định pháp luật.

Đối với nhóm người này thì cần kiên trì tăng cường giáo dục, cập nhật thông tin, tuyên truyền pháp luật. Với nhóm thứ hai là những người biết nhưng vẫn vi phạm. Với nhóm này phải kiên quyết xử lý, có giải pháp, quy trình để bảo vệ lực lượng chức năng…

Quanh vấn đề này, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền và giải quyết tai nạn giao thông (Bộ Công an) cho biết, hiện tượng chống lại người thi hành công vụ đã diễn ra nhiều lần và nhiều năm nay.

“Tôi xin được khẳng định lại, không một người nào, kể cả lực lượng chức năng đang thực hiện nhiệm vụ muốn đánh cược mạng sống của mình trên nóc ca-pô. Việc không chấp hành hiệu lệnh của lực lượng cảnh sát giao thông và hành động bất tuân pháp luật, cần phải bị trừng trị về cả về mặt hành chính và hình sự tùy theo tính chất và mức độ. Tình hình chống người thi hành công vụ diễn ra ngày một phức tạp. Các đối tượng rất đa dạng, trong đó đối tượng sử dụng rượu bia và chất kích thích thì mức độ manh động lớn hơn rất nhiều” - Đại tá Nguyễn Quang Nhật chia sẻ.

Thực tế, trên khía cạnh pháp lý, hành vi chống người thi hành công vụ được quy định chặt chẽ trong các văn bản với cách thức xử lý tương đối cụ thể. Thậm chí, những người thực hiện hành vi này không chỉ đối mặt với tội chống người thi hành công vụ, mà thậm chí còn đối mặt với tội danh giết người.

Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng chỉ rõ, tội "Chống người thi hành công vụ" (người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm). Phạm tội theo khoản 2 điều này còn bị xử phạt 2 đến 7 năm.

Rõ ràng, để hạn chế thấp nhất hành vi chống người thi hành công vụ khi bị xử lý vi phạm luật giao thông, với lực lượng thực thi công vụ, cần nâng cao trình độ, kiến thức, văn hóa ứng xử, đặc biệt trong giao tiếp, xử lý vi phạm hành chính. Cảnh sát giao thông là lực lượng xử lý nhiều vi phạm hành chính nhất, tiếp xúc đa dạng thành phần nhất, dù có quy trình cụ thể nhưng nếu không có kỹ năng ứng xử thì có thể tác động ngược lên người vi phạm.

Vì vậy, cần ứng xử hài hòa, tuy cương quyết nhưng khôn khéo để đảm bảo thực thi nhiệm vụ toàn vẹn nhất, giám sát việc chấp hành pháp luật giao thông của người dân tốt nhất. Đối với các cơ quan tư pháp, điều tra, truy tố, xét xử với các đối tượng có hành vi chống đối người thi hành công vụ thì cần nghiêm minh, công khai, tạo được dư luận để người tham gia giao thông được biết, từ đó không muốn và không dám vi phạm.

Giang Nam

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nang-cao-y-thuc-thuong-ton-phap-luat-110397-110397.html