Nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy

Cháy, nổ luôn là hiểm họa tại nhiều địa phương. Với một đô thị lớn, đông dân cư như TP Hồ Chí Minh, bên cạnh công tác phòng ngừa, xây dựng kết cấu hạ tầng chủ động đáp ứng tốt yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy (PCCC), thì mỗi người dân, đơn vị, doanh nghiệp cần nêu cao ý thức trách nhiệm về phòng, chống cháy, nổ để hạn chế đến mức thấp nhất các sự cố có thể xảy ra.

TP Hồ Chí Minh hiện có gần 300 nghìn nhà ở hộ gia đình kết hợp kinh doanh, dịch vụ. Trong đó, có hơn 12 nghìn căn nhà có cấu kiện xây dựng bằng các loại vật liệu dễ cháy; hơn 12 nghìn hộ sản xuất, kinh doanh hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ; gần 18 nghìn hộ kinh doanh có hệ thống điện chưa bảo đảm an toàn. Theo Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ, Công an TP Hồ Chí Minh (PC07), tình hình cháy, nổ ở các khu vực này chiếm tỷ lệ cao cả về số vụ (khoảng 50%) và thiệt hại về người, tài sản (khoảng 83%) so với các vụ cháy khác, trong đó có đến hơn 70% vụ cháy liên quan sự cố về điện.

Thượng tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng PC07 cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng cháy, nổ là do ý thức chấp hành các quy định về an toàn PCCC, an toàn trong sử dụng điện, cách bố trí hàng hóa của chủ hộ gia đình, chủ cơ sở kinh doanh chưa cao và chưa phù hợp với quy định. An toàn cháy, nổ trong khu vực dân cư vẫn đang là vấn đề rất đáng lo ngại khi nhiều hộ dân vẫn chủ quan, sử dụng hệ thống điện, thiết bị điện thiếu an toàn, chắp vá.

Tại các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN), nơi có hàng chục nghìn công nhân làm việc và nhiều tài sản có giá trị lớn nhưng nhiều năm qua vẫn bộc lộ những hạn chế về công tác PCCC. Theo quy định, tại các KCX-KCN phải có đội PCCC tại chỗ, thành viên của đội phải được tập huấn, có kiến thức về PCCC, được đào tạo kỹ năng cứu nạn, được trang bị đầy đủ phương tiện, trang thiết bị phục vụ chữa cháy, cứu nạn. Thế nhưng, hiện trong số 22 KCX-KCN, sáu cụm công nghiệp của thành phố chỉ có KCX Tân Thuận đáp ứng được quy định này. Một thống kê đáng lo của PC07 Công an TP Hồ Chí Minh là có hơn 80% số vụ cháy các cơ sở, doanh nghiệp để lửa cháy tự do hơn 10 phút. Ðây cũng chính là "giờ vàng" trong công tác chữa cháy để hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả.

Thống kê cho thấy, từ năm 2014 đến nay, thành phố xảy ra hơn 7.200 vụ cháy, tai nạn, sự cố liên quan cháy nổ và cứu nạn, cứu hộ, trong đó xảy ra 6.245 vụ cháy làm chết 85 người, bị thương 238 người, thiệt hại tài sản ước tính hơn 857 tỷ đồng. Trong đó, nguyên nhân cháy vẫn chủ yếu xuất phát từ các sự cố, chủ quan trong sử dụng hệ thống, thiết bị điện.

Để công tác bảo đảm an toàn PCCC trong khu vực hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh đạt kết quả cao thì việc triển khai các giải pháp phải mang tính đồng bộ, căn cơ chứ không thể giải quyết bằng các giải pháp đơn lẻ. Các quy định về PCCC tại các khu vực này chưa được triển khai cụ thể, chi tiết.

Bên cạnh đó, việc xác định các lực lượng trong công tác PCCC cũng cần được quy định rõ ràng và cụ thể. UBND phường, xã, thị trấn là cấp quản lý sâu sát nhất, cần có trách nhiệm chính và trực tiếp trong quản lý nhà nước về PCCC đối với khu dân cư, nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất. Trong khi đó, trách nhiệm của lực lượng Cảnh sát PCCC là hướng dẫn, kiểm tra hoạt động PCCC của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và làm nhiệm vụ chữa cháy; tham mưu cho UBND các cấp trong công tác quản lý nhà nước về PCCC đối với hộ gia đình và hộ kinh doanh; tham mưu các chính sách, biện pháp nhằm bảo đảm an toàn PCCC ở khu dân cư, nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất.

Vì sự an toàn chung của toàn xã hội, mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và các cá nhân cần tích cực tham gia công tác PCCC, nắm vững các nguyên tắc, biện pháp trong phòng, chống và ứng phó khi xảy ra sự cố liên quan cháy, nổ.

Thời gian qua, góp phần tuyên truyền về an toàn trong sử dụng điện, Ðoàn Thanh niên Tổng công ty Ðiện lực TP Hồ Chí Minh (EVNHCMC) đã tổ chức nhiều hoạt động hướng đến đối tượng là học sinh trên địa bàn thành phố. Chị Ðặng Mỹ Ly, Bí thư Ðoàn EVNHCMC cho biết, từ năm 2012 đến nay, với chương trình "Cùng bạn sử dụng điện an toàn, tiết kiệm", các kỹ sư, công nhân ngành điện đã tổ chức tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn kiến thức sử dụng điện an toàn, tiết kiệm cho hơn 350 nghìn học sinh, thanh thiếu niên tại hơn 1.100 điểm trường, điểm sinh hoạt.

UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng đã yêu cầu Công an thành phố bảo đảm nhân lực, phương tiện chữa cháy đủ mạnh để xử lý kịp thời những vụ cháy khi mới phát sinh, ngăn chặn cháy lan, cháy lớn. Ðồng thời rà soát, lập dự toán đầu tư trang bị phương tiện chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn theo hướng hiện đại, tiếp tục ứng dụng khoa học - công nghệ trong chuyên môn. Cùng với đó, cần tăng cường hướng dẫn các quận, huyện thực hiện đúng quy hoạch hạ tầng PCCC, bảo đảm giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra sự cố.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/41777502-nang-cao-y-thuc-phong-chay-chua-chay.html