Nâng cao ý thức người dân trong phòng chống bệnh dại

Theo Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Ninh Bình, trung bình mỗi tháng Trung tâm tiếp nhận khoảng 200 người đến điều trị dự phòng do bị chó, mèo cắn.

Bệnh dại có tỷ lệ tử vong cao khi bị chó, mèo cắn, người dân cần tiêm phòng vắcxin dại càng sớm càng tốt. Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN

Số người phải đi điều trị dự phòng có xu hướng tăng nhanh, năm 2015 có 1.500 người, năm 2016 có gần 1.900 người và năm 2017 là trên 2.200 người điều trị dự phòng tại Trung tâm. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2018, trên 900 người đã bị chó cắn phải đi điều trị dự phòng tại địa phương.

Từ năm 1992 đến 1998, toàn tỉnh có 27 trường hợp mắc bệnh dại và tử vong, xảy ở 8/8 huyện, thành phố, tập trung nhiều nhất ở huyện Nho Quan và huyện Hoa Lư. Từ năm 1999 đến 2014, tỉnh không ghi nhận trường hợp nào tử vong do bệnh dại. Tuy nhiên từ năm 2015, bệnh dại trên người lại xuất hiện và đến nay trên địa bàn tỉnh ghi nhận 4 trường hợp tử vong, trong đó 3 trường hợp ở huyện Nho Quan và 1 trường hợp ở thành phố Ninh Bình.

Bác sĩ Trần Văn Thiện, Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Ninh Bình cho biết, bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, lây từ động vật chủ yếu là chó, mèo sang người qua vết cắn, vết liếm trên da làm niêm mạc bị tổn thương. Bệnh dại có tỷ lệ tử vong cao, do vậy, khi bị chó, mèo cắn, người dân cần tiêm phòng vắc - xin dại càng sớm càng tốt.

Theo Bác sỹ Trần Văn Thiện, nguyên nhân nhiều người bị chó cắn là do tình trạng nuôi chó thả rông, tự do hiện nay diễn ra rất phổ biến ở tất cả các thôn xóm, khu phố trên địa bàn toàn tỉnh. Bên cạnh đó, ý thức trong công tác tiêm phòng dại chó, mèo của một số người dân chưa cao. Nhiều người cho rằng vắc-xin dại độc hại cho sức khỏe, nhưng đó là những quan điểm sai lầm vì vắc-xin dại cũng là vắc - xin phòng bệnh như các loại vắc-xin khác, tính an toàn được Tổ chức Y tế thế giới công nhận.

Người dân khi bị chó, mèo hoặc động vật cắn cần phải xử lý bằng cách rửa xà phòng từ 3 đến 5 phút, không nặn máu, không bôi bất cứ thứ gì lên vết cắn, để hở vết cắn và cần được tư vấn và chăm sóc của nhân viên y tế. Trẻ em và những người có tiếp xúc với chó mèo thường xuyên như: cán bộ thú y, người giết mổ chó, nhân viên cứu hộ tại các cơ sở thú y nên chủ động tiêm phòng dại. Mùa hè, thời tiết nắng nóng là môi trường thuận lợi cho bệnh dại phát triển, vì thế có hạn chế được tỷ lệ mắc và tử vong hay không phụ thuộc rất nhiều vào ý thức cũng như kiến thức phòng bệnh của người dân.

Để nâng cao nhận thức cho người dân, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tăng cường công tác giám sát và phòng chống bệnh dại, đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng; đồng thời cung ứng đầy đủ vắc xin cho người dân có nhu cầu; hỗ trợ miễn, giảm kinh phí tiêm vắc xin và huyết thanh phòng dại cho các đối tượng chính sách như người có công với cách mạng, người nghèo, người già trên 60 tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi. Trung tâm Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Ninh Bình phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh nắm bắt tình hình phơi nhiễm bệnh dại trên người và tình hình bệnh dại trên đàn chó, mèo, qua đó giúp công tác phòng chống bệnh dại được chủ động và hiệu quả hơn.

Hải Yến (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/suc-khoe/nang-cao-y-thuc-nguoi-dan-trong-phong-chong-benh-dai-20180924153252045.htm