Nâng cao ý thức người dân khi nuôi súc vật

Nhằm góp phần giữ gìn nếp sống văn minh đô thị, hạn chế thấp nhất các trường hợp đáng tiếc xảy ra do súc vật thả rông ngoài phố, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã giao trách nhiệm cho chi cục thú y thường xuyên tổ chức bắt chó chạy rông và tiêm phòng dại theo định kỳ ở các quận, huyện trên toàn địa bàn.

Năm 1997, UBND thành phố ban hành Quyết định số 2073 về việc tiêm phòng bệnh dại và bắt chó chạy rông. Theo đó, Chi cục Thú y thành phố đã tổ chức Ðội săn bắt chó thả rông, thu gom chó về nuôi nhốt tại địa chỉ 252, đường Lý Chính Thắng (quận 3). Ðội này được trang bị xe tải chuyên dụng có lồng sắt, vợt sắt có thòng lọng, với bảy nhân viên phụ trách. Hằng ngày, từ 6 giờ đến 10 giờ sáng, các thành viên của đội tỏa ra các tuyến đường, con hẻm thuộc 24 quận, huyện để gom, bắt chó thả rông. Khi bị bắt, những chú chó này sẽ được đưa về chăm sóc, nuôi dưỡng theo quy định trong 72 giờ. Sau đó, chủ nhân của các chú chó sẽ đến nhận lại và nộp phạt. Ðội trưởng săn bắt chó thả rông (Chi cục Thú y thành phố) Dương Thanh Ða chia sẻ: "Ðây là công việc rất dễ mất lòng và dễ đụng chạm. Không ít trường hợp các nhân viên bị các chủ nuôi chó hành hung, gây thương tích, ném đá, ném ghế… nhưng anh em cũng phải nén lòng cam chịu".

Ðội săn bắt chó của Chi cục Thú y thành phố đang thực hiện nhiệm vụ bắt chó thả rông nơi công cộng đã dấy lên những ý kiến trái chiều về công việc này, phần lớn ủng hộ việc làm của Chi cục Thú y, vì bảo đảm an toàn giao thông, phòng tránh bệnh dại từ chó và ngăn chặn việc chó phóng uế nơi công cộng. Anh Trần Văn Bi (quận Bình Thạnh) nhấn mạnh: "Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ biện pháp này. Chó, mèo thả rông đã gây ra biết bao tai nạn nguy hiểm. Thậm chí người lái xe gắn máy va phải chó chạy rông bị ngã xuống đường còn chấn thương, có thể dẫn tới tử vong". Còn chị Ðoàn Thị Hương (Phú Nhuận) cho biết: "Tôi rất bức xúc với những nhà nuôi chó nhưng thả rông ngoài đường, hoặc dắt chó không rọ mõm, cho chó đi vệ sinh lung tung… Có những trường hợp, người đi đường bị chó chạy rông cắn, chủ nhà nhìn thấy cứ như không, cũng không một lời xin lỗi...". Bên cạnh đó, một số chủ nhân của những chú chó tỏ thái độ không đồng tình với việc bắt chó theo cách này. "Tôi không đồng ý chút nào về việc này. Bắt chó như vậy dễ làm chó bị thương và ảnh hưởng nặng đến tâm lý. Có thể thay đổi cách bắt chó nhẹ nhàng hơn. Ðồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền cho những người nuôi chó biết tác hại của việc để chó đi lang thang ngoài đường, nơi công cộng", ông Phan Quang (ngụ quận Tân Bình) bày tỏ.

Ðội trưởng Dương Thanh Ða chia sẻ: Pháp luật không cấm nuôi chó, người nuôi chó phải trông giữ, nuôi nhốt cẩn thận để tránh trường hợp chó tấn công người, đặc biệt với những trường hợp chó đã mắc bệnh dại, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản và sức khỏe người khác. Ông Ða cho biết thêm, sau 72 giờ, nếu chủ chú chó bị bắt không lên nhận lại chó, thì chó này sẽ thuộc vào trường hợp vô chủ, buộc thiêu hủy, hoặc cung cấp chó cho các trường đại học có ngành Thú y, phục vụ việc học khám nghiệm. Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Trường, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận ít nhất ba trường hợp bệnh nhân chết vì bị chó dại cắn. Thông tin từ Trạm Phòng chống dịch và Kiểm dịch động vật (Chi cục Thú y thành phố) thì, hiện thành phố có 12 quận/huyện đã an toàn bệnh dại. Trong 12 quận/huyện còn lại, Trạm cũng đã xây dựng được 73 phường, xã an toàn bệnh dại. Từ nhiều năm qua, thành phố đã quản lý đàn chó, mèo bằng phần mềm, mỗi hộ nuôi được cấp một mã số, chỉ cần đọc mã số hoặc số điện thoại sẽ biết được hộ nuôi chó, mèo từ khi nào, đã tiêm phòng hay chưa để phối hợp địa phương xử lý. Nhờ quản lý được tổng đàn chó, mèo nên việc tiêm phòng đã tốt hơn. Hiện toàn thành phố có hơn 200 nghìn con chó, mèo. Theo quy định hiện nay, chính quyền địa phương phải thống kê, theo dõi bệnh dại nhưng họ làm không xuể nên ngành thú y phải thực hiện để kiểm soát dịch bệnh.

Từ 15-9, chủ nuôi chó sẽ bị xử phạt với các hành vi: không đeo rọ mõm hoặc không xích giữ chó, không có người dắt hoặc chưa chích ngừa vắc-xin bệnh dại… khi đưa chó ra nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 600 đến 800 nghìn đồng theo Nghị định 90/2017 của Chính phủ quy định xử phạt trong lĩnh vực thú y. Cũng theo Nghị định này, chủ tịch UBND cấp xã - phường có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi không rọ mõm hoặc không tiêm phòng bệnh dại cho chó…

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/34129902-nang-cao-y-thuc-nguoi-dan-khi-nuoi-suc-vat.html