Nâng cao ý thức của mỗi người lao động

Luật An toàn, vệ sinh lao động (AT, VSLĐ) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016, nhưng theo số liệu thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), tình hình tai nạn lao động (TNLĐ) sau hơn một năm luật đi vào cuộc sống, số vụ TNLĐ, số nạn nhân đều tăng so với năm 2016...

Theo báo cáo của 62/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, năm 2017, toàn quốc xảy ra 8.956 vụ TNLĐ, làm 9.173 người bị nạn (bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động). Trong đó, 898 số vụ TNLĐ chết người; 1.915 người bị thương nặng; nạn nhân là lao động nữ: 2.727 người; khu vực có quan hệ lao động xảy ra 7.749 vụ TNLĐ làm 7.907 người bị nạn (666 người chết và 1.681 người bị thương nặng). Như vậy, so với năm 2016, TNLĐ năm 2017 tăng cả về số vụ (tăng 161 vụ) và số nạn nhân (tăng 101 nạn nhân).

Cấp cứu nạn nhân một vụ tai nạn lao động do điện giật tại khu vực quận 1, TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: nld.com.vn)

Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, qua phân tích 137 biên bản điều tra từ 130 vụ TNLĐ làm 137 người chết cho thấy, lĩnh vực để xảy ra TNLĐ nhiều nhất là xây dựng, chiếm 20,8% tổng số vụ tai nạn và 19,7 % tổng số người chết; lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng chiếm 9,2% tổng số vụ và 8,8% tổng số người chết; lĩnh vực cơ khí, luyện kim chiếm 6,9% tổng số vụ và 8,02% tổng số người chết... Các yếu tố làm chết người nhiều nhất là do ngã từ trên cao, điện giật, vật rơi, đổ sập... Đặc biệt, cũng qua phân tích cho thấy, nguyên nhân chính dẫn đến TNLĐ là từ phía người sử dụng lao động (chiếm 45,41%) và nguyên nhân từ NLĐ chiếm 20%.

Với những vụ TNLĐ làm chết người, thiệt hại về người là điều đã rõ ràng, để lại nỗi đau cho gia đình các nạn nhân, nỗi ám ảnh với đồng nghiệp. Với những vụ TNLĐ có người bị thương nặng, thiệt hại về vật chất và tinh thần là rất lớn. Trước hết, người sử dụng lao động bị mất những lao động chính, làm được việc, thiệt hại về ngày công, chi phí khám, chữa bệnh... NLĐ bị suy giảm khả năng lao động hoặc bị tàn tật suốt đời, trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, thiệt hại về vật chất do TNLĐ xảy ra năm 2017 như sau: Chi phí tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương... là 1.541 tỷ đồng; thiệt hại về tài sản là 4,8 tỷ đồng; tổng số ngày nghỉ do TNLĐ là 136.918 ngày. Đây là những con số khổng lồ. Nếu Luật AT, VSLĐ được triển khai quyết liệt, nghĩa là tất cả tổ chức, cá nhân có hoạt động lao động, sản xuất cùng có trách nhiệm và hành động thiết thực vì an toàn lao động, thì thiệt hại sẽ giảm đi rất nhiều.

Qua những số liệu phân tích trên cho thấy, cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cơ quan chức năng, siết chặt các giải pháp bảo đảm ATLĐ trong mọi lĩnh vực. Các chuyên gia khuyến cáo, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra đột xuất và xử phạt nặng, đủ sức răn đe các cá nhân, tổ chức để xảy ra mất ATLĐ. Ví như, với các doanh nghiệp không bảo đảm các điều kiện an toàn cho NLĐ, đề nghị tăng mức hình phạt tiền và đình chỉ sản xuất, kinh doanh, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Với những NLĐ coi thường tính mạng của bản thân, khi tự để xảy ra mất ATLĐ cần nghiêm khắc xử phạt; doanh nghiệp hạ bậc lương, chấm dứt hợp đồng lao động kèm theo phạt tiền...

Để Luật AT, VSLĐ đi vào cuộc sống, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phù hợp với từng lĩnh vực và ngành nghề. Với NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động là đối tượng ít chịu sự điều chỉnh, ràng buộc, cần đặc biệt chú trọng tuyên truyền chính sách, pháp luật cũng như biện pháp bảo đảm ATLĐ. Theo lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, các cơ quan đại diện cho doanh nghiệp là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cần tăng cường tuyên truyền, vận động người sử dụng lao động quan tâm, chú ý việc xây dựng nội quy, quy trình, biện pháp làm việc bảo đảm AT, VSLĐ; cải thiện điều kiện làm việc; tổ chức phổ biến Luật AT, VSLĐ cho các hội viên. Cùng với đó, cơ quan đại diện cho tiếng nói, quyền lợi của NLĐ là tổ chức công đoàn, hội nông dân các cấp và các hội nghề nghiệp phải tăng cường tuyên truyền, vận động NLĐ, hội viên chấp hành tốt các nội quy, quy trình làm việc an toàn; sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động nhằm hạn chế đến mức thấp nhất TNLĐ, bảo đảm an toàn sức khỏe và tính mạng cho bản thân và đồng nghiệp.

MINH MẠNH - ĐẶNG PHƯƠNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/nang-cao-y-thuc-cua-moi-nguoi-lao-dong-535959