Nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Tỉnh Đắk Nông hiện có trên 691.132 người với 35 dân tộc sinh sống, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm 31,5%. Mạng lưới giao thông chủ yếu là đường bộ, địa hình phức tạp, thời tiết thay đổi thất thường do sự biến đổi của khí hậu nên đường giao thông nông thôn ở Đắk Nông thường xuyên hư hỏng nặng, do mưa nhiều.

Cán bộ Cảnh sát giao thông tỉnh Đắk Nông đẩy mạnh tuyên truyền đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: CTV

Cán bộ Cảnh sát giao thông tỉnh Đắk Nông đẩy mạnh tuyên truyền đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: CTV

Đồng bào dân tộc thiểu số tại Đắk Nông sinh sống chủ yếu tại nông thôn và các địa bàn vùng sâu, vùng xa, đường xá đi lại gặp nhiều khó khăn cũng ảnh hưởng đến vấn đề tham gia giao thông của người đồng bào dân tộc thiểu số. Cơ sở hạ tầng giao thông ở các huyện chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân và sự gia tăng của các loại phương tiện giao thông hiện nay. Qua thống kê từ ngày 15-12-2019 đến ngày 25-11-2020, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông xảy ra 15 vụ liên quan người đồng bào dân tộc thiểu số, làm chết 14 người, 9 người bị thương.

Thiếu tá Nguyễn Hữu Đức, Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, các vui tai nạn giao thông xảy ra đối với đồng bào dân tộc thiểu số, bên cạnh các yếu tố khách quan như hệ thống hạ tầng giao thông còn hạn chế, thì một phần nguyên nhân dẫn đến tai nạn là do một bộ phận người đồng bào dân tộc thiểu số tham gia giao thông không chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ. Đặc biệt là tình trạng trẻ em người đồng bào dân tộc thiểu số chưa đủ độ tuổi điều khiển phương tiện giao thông còn diễn ra khá phổ biến tại một số địa bàn vùng sâu vùng xa như: xã Đăk Ngo, huyện Tuy Đức; xã Đăk R'Măng, xã Quảng Hòa, huyện Đăk Glong …

Theo đó, tình trạng người đồng bào dân tộc thiểu số không nắm luật giao thông tương đối cao, thường vi phạm như: không có giấy phép lái xe, chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm, uống rượu bia điều khiển phương tiện giao thông...

Theo thống kê từ ngày 15-12-2019 đến 25-11-2020, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông xảy ra 15 vụ liên quan người đồng bào dân tộc thiểu số, làm chết 14 người, 9 người bị thương, hư hỏng 24 phương tiện, thiệt hại tài sản ước tính 324 triệu đồng. Trong đó, tai nạn giao thông do người đồng bào dân tộc thiểu số gây ra là 10 vụ, làm 10 người chết, 6 người bị thương. Địa bàn xảy ra chủ yếu huyện Đắk R’lấp xảy ra 4 vụ; Đắk Mil 3 vụ; Gia Nghĩa, Krông Nô, Cư Jut mỗi huyện 2 vụ; Đắk Glong, Đắk Song mỗi huyện 01 vụ.

Tuyến đường xảy ra tai nạn chủ yếu đường liên thôn, liên xã. Thời gian xảy ra tập trung vào khoảng từ 18 giờ đến 20 giờ. Nguyên nhân chủ yếu là do lỗi của người tham gia giao thông đi không đúng phần đường, làn đường; không chú ý quan sát; tránh vượt sai quy định; người điều khiển xe sử dụng rượu, bia; không giữ khoảng cách an toàn...

Điển hình, vào lúc 18 giờ 40 phút ngày 23-5-2020 tại đường Nơ Trang Lơng, bon U1, thị trấn Ea Tling, huyện Cư Jut, anh Y Hoàng KBrông , 19 tuổi trú tại bon U1 điều khiển xe mô tô biển kiểm soát 48E-152.19 đi từ hướng tổ dân phố 11, thị trấn EaTling, huyện Cư Jut về bon U1 đã tông vào xe mô tô biển kiểm soát 48 H3-3275 do anh Y Cin Ê Ya ( 41 tuổi) trú cùng bon đi hướng ngược lại chở theo sau là 02 cháu nhỏ Ya Bi BK rông và YaRoi BK rông cùng sinh năm 2014. Hậu quả làm anh Y Cin Ê Ya chết tại chỗ, Y Hoàng KBrông bị thương, hư hỏng 2 xe mô tô. Nguyên nhân là do Y Hoàng KBrông điều khiển xe mô tô đi không đúng phần đường.

Để nâng cao hiểu biết về pháp Luật Giao thông đường bộ cho người đồng bào dân tộc thiểu số, Trung tá Phạm Quốc Lập, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh cho biết, trong thời gian qua lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh đã phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh, Ban dân tộc tỉnh, Công an các huyện chính quyền địa phương các cấp tổ chức các buổi tuyên truyền với các hình thức phong phú như: chiếu các phóng sự có nội dung phản ánh thực trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ ở các địa phương; dẫn chứng những vụ tai nạn nghiêm trọng tại các địa bàn phức tạp; phân tích rõ nguyên nhân tai nạn; hướng dẫn những quy định bắt buộc đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông…

Đồng thời, lồng ghép các chương trình giao lưu văn nghệ, xây dựng các tình huống, câu hỏi để bà con tham gia trả lời và được tặng mũ bảo hiểm khi trả lời đúng. Những pa nô in hình ảnh các vụ tai nạn cũng được trưng bày để bà con nhận thấy hậu quả khôn lường xuất phát từ những hành vi vi phạm khi tham gia giao thông.

Phối hợp với Công an xã tranh thủ sự giúp đỡ của những người có uy tín, già làng, trưởng thôn, chức sắc tôn giáo, bản trưởng đồng thời phối hợp với chính quyền xã tổ chức tuyên truyền cá biệt những thanh thiếu niên thường xuyên vi phạm Luật Giao thông đường bộ, ký cam kết không tái phạm… kết quả đã tổ chức 180 đợt tuyên truyền, chiếu 252 lượt phim với 361.309 lượt người; cấp phát 12.719 tờ rơi, 3.975 cuốn cẩm nang ATGT, 1.193 mũ bảo hiểm.

Đồng thời qua các buổi tuyên truyền đã kết hợp tặng 20 xe đạp, 1.618 xuất quà, 500 đơn thuốc, 2.790 khẩu trang y tế, 1370 chai dung dịch nước rửa tay diệt khuẩn cho người dân, trong đó có cả người đồng bào dân tộc thiểu số.

Song song với công tác tuyên truyền, lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh đã tăng cường tuần tra kiểm soát; phối hợp với Công an các huyện, lực lượng Cảnh sát cơ động tuần tra tại các đường liên thôn, liên xã nhằm phát hiện, nhắc nhở và xử phạt đối với các trường hợp vi phạm.

Trong đó, tập trung xử lý các lỗi như: không đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe chạy lạng lách đánh võng, chở quá số người quy định, vi phạm nồng độ cồn, chạy quá tốc độ, điều khiển xe công nông, xe độ chế chở người, chạy trên quốc lộ, tỉnh lộ. Kết quả đã lập biên bản 902 trường hợp vi phạm là người đồng bào dân tộc thiểu số, nộp ngân sách Nhà nước 613.840.000 đồng. Tước giấy phép lái xe có thời hạn 7 trường hợp.

Cũng theo Thiếu tá Nguyễn Hữu Đức, trong thời gian tới, nhằm đảm bảo an toàn giao thông trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh ngoài việc tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ tại các địa bàn vùng sâu vùng xa, với nhiều hình thức đa dạng và phong phú để quần chúng nhân dân nêu cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh thiết kế tờ rơi tuyên truyền an toàn giao thông bằng 2 thứ tiếng (tiếng Việt và tiếng M’Nông) để tuyên truyền người đồng bào dân tộc thiểu số dễ nhớ, dễ hiểu.

Với sự quyết tâm, cố gắng của lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh cùng với sự vào cuộc của chính quyền địa phương các cấp, sẽ từng bước làm chuyển biến nhận thức của bà con người đồng bào dân tộc thiểu số khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh.

V.H - CTV

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nang-cao-y-thuc-chap-hanh-luat-giao-thong-duong-bo-trong-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-post435611.html