Nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế

LTS - Hội nghị cấp cao hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng lần thứ sáu (GMS-6) và Hội nghị cấp cao hợp tác khu vực Tam giác phát triển Cam-pu-chia - Lào - Việt Nam lần thứ 10 (CLV-10) do Việt Nam chủ trì tổ chức diễn ra tại Hà Nội từ ngày 29 đến 31-3. Nhân dịp này, phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc phỏng vấn các đại biểu dự các hội nghị nêu trên về những đóng góp của Việt Nam đối với sự phát triển của tiểu vùng Mê Công. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Ông Rốt Xây-la-va, Thứ trưởng Kinh tế và Tài chính của Cam-pu-chia:

Chia sẻ tầm nhìn chung, cùng hướng tới tương lai

Tại Hội nghị cấp cao GMS-6 và Hội nghị cấp cao CLV-10, các lãnh đạo đều mong muốn các thành viên có sự kết nối mạnh mẽ và khả năng cạnh tranh cao hơn, giúp GMS và CLV trở thành các cộng đồng phát triển hài hòa và bền vững trong tương lai. Vai trò trong GMS và CLV của Việt Nam ngày càng quan trọng, khi nền kinh tế Việt Nam đang phát triển rất nhanh và bền vững. Tôi hy vọng, Việt Nam sẽ chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy hợp tác với Cam-pu-chia cũng như các nước thành viên nhiều hơn nữa, vì lợi ích chung của các nước. Đối với cơ chế hợp tác GMS, chúng ta có rất nhiều lĩnh vực có thể tăng cường chia sẻ và kết nối với nhau, như lĩnh vực tài chính, thương mại điện tử, tài chính điện tử... Ngoài ra, các nước thành viên có thể thúc đẩy phát triển việc sử dụng năng lượng tái tạo, như năng lượng mặt trời, năng lượng gió… để tăng cường sức cạnh tranh cho cá nhân quốc gia đó và toàn khu vực. Bởi vậy, các chính phủ cần phối hợp chặt chẽ và chia sẻ tầm nhìn chung, cùng hướng tới tương lai. Để làm được điều đó, trước tiên mỗi quốc gia thành viên cần phải làm tốt nhiệm vụ của mình.

Ông Hơ-tun Do, Vụ Phó Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Tài chính của Mi-an-ma:

Việt Nam luôn nỗ lực và chủ động trong liên kết khu vực

Cuộc họp quan chức cao cấp (SOM) GMS-6 đã diễn ra suôn sẻ, không có bất kỳ vấn đề phát sinh nào. Tại cuộc họp, các đại biểu thảo luận các văn kiện để trình lên lãnh đạo các nước thông qua. Với vai trò là nước chủ nhà, Việt Nam đưa ra sáng kiến về Diễn đàn cấp cao Kinh doanh GMS rất đúng thời điểm. Đây sẽ là cơ hội cho lãnh đạo các nước và các doanh nghiệp tư nhân chia sẻ thẳng thắn quan điểm của mình. Đồng thời, đây cũng là dịp để chính phủ có thể nhận được sự góp ý, trợ giúp từ khối doanh nghiệp tư nhân trong việc đưa ra những chính sách phù hợp, giúp phát triển kinh tế toàn diện hơn. Công tác chuẩn bị cho các hội nghị cấp cao lần này được Việt Nam tiến hành rất xuất sắc. Tôi xin được gửi lời chúc mừng và cảm ơn tới Chính phủ Việt Nam vì những nỗ lực và sự chủ động trong việc kết nối giữa Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và các nước thành viên khác, nhằm giúp cho Hội nghị cấp cao GMS-6 và Hội nghị cấp cao CLV-10 diễn ra tốt đẹp.

Bà Xi-xỏm-bun Âu-nạ-vông, Trưởng Phòng Điều phối hợp tác GMS thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư CHDCND Lào:

Lào đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam tại GMS

Trong cuộc họp quan chức cao cấp (SOM) tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) nhằm chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao GMS-6 diễn ra vào ngày 31-3, đại diện các nước thành viên của GMS đã tập trung rà soát lại công tác chuẩn bị, hoàn thành dự thảo cuối cùng các văn kiện để trình lên các nhà lãnh đạo GMS thông qua. Tại cuộc họp, Lào và các nước khác đánh giá rất cao công tác điều phối và chuẩn bị hội nghị của Việt Nam. Đặc biệt, chúng tôi chúc mừng Chính phủ Việt Nam với sáng kiến tổ chức Diễn đàn cấp cao kinh doanh GMS, tạo cơ hội tốt để các doanh nghiệp tư nhân trong GMS gặp gỡ trực tiếp các nhà lãnh đạo, lắng nghe những ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo các nước GMS, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp tư nhân.

Với việc đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao GMS-6 và Hội nghị cấp cao CLV-10, Việt Nam đã phát huy xuất sắc vai trò là một thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm trong các cơ chế hợp tác của khu vực. Tôi rất vui mừng vì mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào ngày càng được củng cố và thắt chặt. Tôi tin tưởng rằng, mối quan hệ này chính là nền tảng vững chắc để hai nước phối hợp chặt chẽ tại các cơ chế hợp tác ở khu vực, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững, toàn diện và hội nhập của toàn khu vực.

Bà Pạt-ta-ma Tê-an-ra-vi-dít-xa-gon, Phó Tổng Thư ký Văn phòng Ban Phát triển kinh tế và xã hội quốc gia của Thái-lan:

Hội nghị GMS-6 giúp thúc đẩy đầu tư tại Việt Nam

Cơ chế hợp tác GMS là nền tảng quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của khu vực. Việt Nam và các nước thành viên khác của GMS chắc chắn sẽ được hưởng lợi ích từ cơ chế hợp tác này, mà trước hết là hoạt động thương mại, đầu tư nội khối và liên kết kinh tế giữa khu vực tiểu vùng Mê Công mở rộng với các đối tác ngoài khu vực được thúc đẩy mạnh mẽ. Việc đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao GMS-6 giúp tăng cường quan hệ giữa Việt Nam và các đối tác, khơi dậy tiềm năng đầu tư, hợp tác giữa các quốc gia; giúp nâng cao uy tín và vai trò của Việt Nam trong thúc đẩy các sáng kiến và chương trình hợp tác ở khu vực. Diễn ra vào thời điểm các nước thành viên GMS vừa kỷ niệm 25 năm thành lập cơ chế này vào năm 2017, Hội nghị GMS-6 với chủ đề “Phát huy 25 năm hợp tác, xây dựng GMS hội nhập, bền vững và thịnh vượng” sẽ là dịp để chúng ta cùng nhìn lại chặng đường 25 năm phát triển và xác định những định hướng cho cơ chế trong giai đoạn mới.

Trong khuôn khổ GMS, các nước thành viên đã tăng cường sự hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và thông tin để phát triển kinh tế, tăng cường hội nhập… Cụ thể, Việt Nam và Thái-lan đang đẩy mạnh các dự án đào tạo nguồn nhân lực giữa hai nước, hướng tới mục tiêu thúc đẩy sự phát triển bền vững của mỗi nước và toàn khu vực.

MINH HẰNG Và ĐINH TRƯỜNG (Thực hiện)

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/35946402-nang-cao-vi-the-viet-nam-tren-truong-quoc-te.html