Nâng cao vị thế của HLV trong phát triển nông nghiệp

'Để Hội Làm vườn (HLV) ngày càng có vị thế trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Hội cần triển khai những việc làm cụ thể, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời đẩy mạnh vận động, giúp đỡ người dân trong sản xuất', ông Nguyễn Xuân Vững, Chủ tịch HLV tỉnh Bắc Ninh chia sẻ.

Hiểu rõ thực trạng

Bằng những hoạt động của mình, ngoài những bằng khen của tỉnh, HLV Bắc Ninh được Trung ương HLV Việt Nam trao cờ thi đua xuất sắc.

Khảo sát thực tế của HLV tỉnh Bắc Ninh tại các địa phương trên địa bàn cho thấy, diện tích trồng cây ăn quả còn nhỏ lẻ, không tập trung, chỉ một số ít trang trại trồng thâm canh, song quy mô không lớn. Số lượng vườn tạp còn nhiều, đầu tư thâm canh thấp. Công tác quản lý và sản xuất giống cây ăn quả còn nhiều bất cập, năng suất cây ăn quả chưa cao, chất lượng chưa tốt, sản phẩm thiếu tính cạnh tranh trên thị trường.

Việc giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các trang trại còn bất cập, thời gian ngắn nên các hộ chưa yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất. Mặt khác, vốn sản xuất chủ yếu là vốn tự có và vay của cộng đồng, việc tiếp cận nguồn vốn của nhà nước còn gặp nhiều khó khăn.

Việc hỗ trợ, trợ giá cho sản xuất, quy hoạch vùng trồng cây ăn quả của các địa phương chưa được quan tâm. Cơ sở hạ tầng: điện, đường, hệ thống thủy lợi… chưa được đầu tư đúng mức.

Hành động cụ thể

Để phát huy tiềm năng, lợi thế về kinh tế vườn trên cơ sở thực hiện chủ trương, chính sách của tỉnh, HLV tỉnh Bắc Ninh đã tuyên truyền, vận động nhân dân mở rộng quy mô sản xuất các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản theo quy trình VietGAP.

Nông dân Bắc Ninh với niềm vui được mùa chuối tiêu.

Tổ chức các buổi tham quan, học tập mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao. Tham mưu với lãnh đạo tỉnh và các ngành liên quan đi thăm một số mô hình sản xuất VAC tiêu biểu để nghe được phản ánh về khó khăn cũng như thuận lợi của nhân dân trong quá trình sản xuất và những kiến nghị cụ thể. Đồng thời tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ về giống cây ăn quả, diện tích chuyển đổi từ cây lúa sang cây ăn quả, cấp giấy chứng nhận VietGAP, hỗ trợ lãi suất tiền vay…

Với việc chủ động tham mưu cho lãnh đạo tỉnh trong chính sách phát triển nông nghiệp, HLV Bắc Ninh đã được tỉnh giao nhiệm vụ xây dựng chính sách phát triển kinh tế VAC, kinh tế trang trại. Việc được giao nhiệm vụ đã khẳng định rõ vị thế, vai trò của tổ chức Hội.

Thành quả đáng khích lệ

Năm 2015, UBND tỉnh Bắc Ninh cấp kinh phí 360 triệu đồng để Hội tổ chức 16 lớp tập huấn cho 3.200 chủ trang trại sản xuất VAC trong tỉnh. Đặc biệt, năm 2016, HLV Bắc Ninh được Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, các ngành, địa phương hướng dẫn các trang trại xây dựng dự án, mở rộng sản xuất theo chuỗi giá trị đạt tiêu chuẩn VietGAP với nguồn vốn 10 tỷ đồng; tổ chức 10 lớp tập huấn cho 2.000 chủ trang trại với kinh phí 200 triệu đồng về sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm và quy trình VietGAP.

Bên cạnh đó, HLV tỉnh Bắc Ninh cũng tích cực tuyên truyền, vận động các chủ trang trại và hội viên tìm hiểu về Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012. Từ năm 2013 đến nay, Hội đã giúp xây dựng và hoàn thiện hồ sơ thành lập 42 HTX sản xuất VAC và được vay vốn gần 20 tỷ đồng từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX của tỉnh.

Hội cũng giúp 50 trang trại hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trang trại với thời hạn 50 năm và xây dựng 10 dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa và cây công nghiệp ngắn ngày năng suất thấp sang cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản.

Bằng những việc làm cụ thể, tổ chức HLV tỉnh Bắc Ninh và phong trào làm kinh tế VAC không ngừng phát triển, vị thế của Hội được nâng lên, nhất là trong tham gia xây dựng chính sách của tỉnh về lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thành lập các HTX sản xuất VAC, xây dựng dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đóng góp tích cực vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh.

Cách làm của HLV Bắc Ninh là bài học quý cho HLV các địa phương trong việc tranh thủ sự lãnh đào, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền. Hy vọng mô hình hoạt động của HLV Bắc Ninh được nhân rộng trong thời gian tới.

Nhất Nam

KTNT

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.vn/nang-cao-vi-the-cua-hlv-trong-phat-trien-nong-nghiep-post4720.html