Nâng cao vai trò giám sát của nhân dân

Những năm qua, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân (TTND) và Ban Giám sát đầu tư (GSĐT) của cộng đồng của Hà Nội hoạt động rất tích cực; qua đó Mặt trận đã trở thành 'kênh' quan trọng trong việc phát huy dân chủ ở cơ sở, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội Đàm Văn Huân về vấn đề này.

Ông Đàm Văn Huân.

Ông Đàm Văn Huân.

PV: Từng có thời gian vai trò của Ban TTND và Ban GSĐT của cộng đồng bị coi như chỉ mang tính “tượng trưng”. Nhưng những năm gần đây, hoạt động của Ban TTND và Ban GSĐT của cộng đồng trở nên sôi nổi. Ông đánh giá thế nào về hoạt động giám sát, phản biện, phát hiện sai phạm của những tổ chức này trên địa bàn thành phố?

Ông Đàm Văn Huân: Trong thời gian vừa qua Ban TTND và Ban GSĐT của cộng đồng đã vào cuộc trên nhiều “mặt trận” và đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhiều ý kiến của Ban TTND và Ban GSĐT của cộng đồng sát với tình hình hoạt động, đặc biệt trong hoàn cảnh suốt những tháng qua chúng ta phải vừa phải phòng, chống bệnh Covid-19 vừa phát triển kinh tế nhưng mọi việc được thực hiện đều tay. MTTQ thành phố cũng rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm của Ban TTND và Ban GSĐT của cộng đồng nói riêng và các hoạt động Mặt trận nói chung.

Qua hoạt động tại địa bàn dân cư, chúng tôi đánh giá cao vai trò của Ban TTND và Ban GSĐT của cộng đồng tại cơ sở. Ban TTND và Ban GSĐT của cộng đồng đã góp phần tích cực cùng với các hoạt động khác của MTTQ thành phố làm tốt các hoạt động giám sát, phản biện; thúc đẩy các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, ngăn ngừa các hoạt động tiêu cực, phòng chống có hiệu quả tham nhũng, lãng phí.

Qua hoạt động, Ban TTND, Ban GSĐT của cộng dồng cũng có nhiều ý kiến đề nghị Trung ương Đảng, Chính phủ và UBTƯ MTTQ Việt Nam những nội dung liên quan đến như nhiệm kỳ của Ban TTND đề nghị chuyển từ 2 năm lên 5 năm; cơ chế hoạt động, cơ chế tổ chức hội nghị đại biểu nhân dân, hội nghị nhân dân để bầu Ban TTND cũng như những nội dung liên quan đến kinh phí cho hoạt động của Ban TTND để làm sao Ban TTND giữ vững được địa bàn, nắm chắc được tình hình nhân dân, góp phần cùng với thành phố thúc đẩy các hoạt động kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.

Hoạt động của Ban TTND và Ban GSĐT của cộng đồng còn được cho là góp phần ổn định xã hội. Vậy vai trò đó cụ thể được phát huy như thế nào, thưa ông?

-Việc góp phần ổn định xã hội thể hiện qua Ban TTND, Ban GSĐT của cộng đồng đã phát hiện nhiều vụ việc tiêu cực xảy ra trên địa bàn dân cư. Khi phát hiện, kiến nghị giải quyết kịp thời thì sẽ ngăn chặn phát sinh những “điểm nóng” trong nhân dân. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Hiện nay, thành phố Hà Nội cũng đã có Quyết định số 15, Chỉ thị số 15 về việc củng cố các tổ chức cơ sở đảng và giải quyết các điểm nóng tại các địa bàn quận, huyện. Nhiều Trưởng Ban TTND cấp phường, xã, thị trấn tiếp tục đề xuất một số nội dung để tránh phát sinh các điểm nóng trên địa bàn là việc làm cần thiết. Đây là những điểm có tiềm ẩn các nguy cơ bức xúc, những điểm nóng trong nhân dân. Chúng tôi sẽ báo cáo với các lãnh đạo có thẩm quyền và tiếp tục đề xuất để hệ thống chính trị từ thành phố, các quận, huyện, phường xã tập trung giải quyết, ngăn ngừa, không để hình thành các điểm nóng trên địa bàn thành phố.

Thưa ông, có một ví dụ cụ thể là việc mở rộng đường 40 m tại phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, việc đền bù cho người dân với mức giá phù hợp là điều cần thiết. Vậy làm thế nào để công tác giải phóng mặt bằng được thực hiện thuận lợi, nhân dân đồng tình ủng hộ, thưa ông?

-Việc giải phóng mặt bằng tại đường 40m tại phường Ngọc Lâm, quận Long Biên thì Trưởng Ban TTND của phường đã có ý kiến lên. Chúng tôi ghi nhận và sẽ báo cáo cũng như đề xuất với các cấp có thẩm quyền để giải quyết nội dung này. Hiện nay trong số gần 250 hộ phải di dời thì còn 6 hộ gia đình không đi vì chưa được địa phương bổ sung khu tái định cư. Về nội dung này, chính quyền các cấp từ thành phố đến quận, huyện, phường, xã đã thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong thực tế còn xảy ra những vấn đề liên quan đến lịch sử sử dụng, rồi những nội dung cụ thể tại địa bàn, chúng tôi sẽ xem xét và sẽ có báo cáo cụ thể với các cấp chính quyền để cùng nhau thực hiện, phối hợp giải quyết.

Dù đã đạt được những kết quả nhất định, song tại một số địa phương, hoạt động của Ban TTND, Ban GSĐT của cộng đồng vẫn còn một số hạn chế. Nguyên nhân của những hạn chế này là gì, thưa ông?

-Phải thẳng thắn nhìn nhận, một số Ban TTND, Ban GSĐT của cộng đồng còn thụ động trong xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động; chế độ sinh hoạt chưa thường xuyên. Việc phát hiện, nắm bắt những vụ việc phát sinh trong nhân dân chưa kịp thời. Bên cạnh đó, trình độ năng lực, trách nhiệm, kiến thức chuyên môn về các lĩnh vực liên quan đến hoạt động giám sát như kiến trúc, xây dựng, tài chính, kế toán, địa chính… của một số thành viên còn hạn chế, dẫn đến chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát chưa cao, chưa đồng đều.

Ngoài ra, một số cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở còn chưa thường xuyên quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện đối với hoạt động này, coi đây là việc của Mặt trận. Vì thế, việc xử lý, giải quyết các kiến nghị của Ban TTND, Ban GSĐT của cộng đồng ở một số địa phương còn chậm hoặc chưa dứt điểm.

Mặt khác, hầu hết hoạt động giám sát chỉ tập trung vào các dự án, công trình có vốn đầu tư của cộng đồng hoặc các dự án do cấp xã làm chủ đầu tư. Việc tiếp cận để thực hiện giám sát đối với các dự án do thành phố, quận, huyện, thị xã làm chủ đầu tư còn hạn chế, do chủ đầu tư, đơn vị thi công không thực hiện công khai, không cung cấp tài liệu.

Thời gian tới MTTQ thành phố Hà Nội có những hoạt động gì để nâng cao trình độ cho đội ngũ này, thưa ông?

-Ban Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố đánh giá rất cao vai trò của Ban Công tác Mặt trận ở các tổ dân phố, các thôn cũng như vai trò của Ban TTND, Ban GSĐT của cộng đồng tại địa bàn các xã, phường, thị trấn. Qua hoạt động của Ban Công tác Mặt trận, Ban TTND đã phát hiện nhiều những nội dung liên quan đến bức xúc trong nhân dân. Qua Ban TTND, Ban GSĐT của cộng đồng đã giải quyết được rất nhiều những bất cập tại cơ sở. Các việc hiện nay đang xảy ra trên địa bàn thành phố cũng được Ban TTND, Ban GSĐT của cộng đồng phản ánh với Mặt trận và các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.

Để góp phần nâng cao trình độ cho đội ngũ giám sát tại cơ sở, trong thời gian tới Mặt trận sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn, tuyên truyền, đặc biệt là sẽ tổ chức các hội nghị tọa đàm ở các cấp từ thành phố đến quận huyện, phường xã. Qua tọa đàm có trao đi đổi lại những nội dung liên quan đến tiếp nhận thông tin từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên. Đặc biệt là các thông tin nóng từ cơ sở sẽ được thu thập và xử lý, giải quyết kịp thời, tránh để những hiện tượng xảy ra quá lâu sau khi quay lại xử lý thì đã muộn.

Trân trọng cám ơn ông!

Tuệ Phương (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nang-cao-vai-tro-giam-sat-cua-nhan-dan-502906.html