Nâng cao vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp nhà nước

Những số liệu mới nhất của Bộ Tài chính về tình hình hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cho thấy, sau cổ phần hóa (CPH), DNNN vẫn có xu hướng tăng trưởng ổn định và phát triển. Năm 2017, tổng tài sản của DNNN tăng 3%, vốn chủ sở hữu tăng 4%, lợi nhuận trước thuế tăng 4% so năm 2016. Quản trị DN cũng đã có tiến bộ nhất định.

Tuy nhiên, so với DN tư nhân và DN FDI, hiệu quả hoạt động của DNNN còn nhiều hạn chế, biểu hiện ở hệ số sử dụng vốn (ICOR) vẫn cao hơn, gấp khoảng hai lần so với khu vực DN FDI, cao hơn 1,5 lần so với khu vực kinh tế tư nhân. Trăn trở của các cơ quan quản lý là, từ năm 2016 đến nay, DN tư nhân đang có sự vươn lên mạnh mẽ, có năng lực thực hiện một số dự án (DA) lớn, ghi được dấu ấn như Vingroup, Trường Hải… Nhưng cùng thời gian này, DNNN lại thiếu vắng các DA tầm cỡ và hiện nay cũng chưa có công trình, DA lớn nào được thẩm định, phê duyệt đầu tư trong khoảng hai đến ba năm tới. Ở khối DN tư nhân, Việt Nam đã có bốn tỷ phú USD tự thân song chưa có DNNN nào lọt vào bảng xếp hạng 500 DN toàn cầu (Fortune Global 500). Trong khi đó, chúng ta hiện có bảy tập đoàn kinh tế (TÐKT) và 67 tổng công ty nhà nước (TCTNN). Trong đó, ba tập đoàn lớn là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) tạo ra 50% doanh thu, 51% lợi nhuận và 52% số nộp ngân sách nhà nước của toàn bộ DN 100% vốn nhà nước. Nhưng doanh thu của mỗi tập đoàn này chỉ bằng một nửa so mức doanh thu 23,5 tỷ USD của Tập đoàn Ericsson - DN đứng cuối cùng trong Fortune Global 500 năm 2017.

Dường như những người chèo lái DNNN mới chỉ bằng lòng với mục tiêu "bảo toàn và phát triển vốn nhà nước" chứ không nuôi khát vọng vươn lên trở thành những người đi đầu trong lĩnh vực hoạt động, hoặc cao hơn là đặt ra mục tiêu 5 đến 10 năm tới vươn lên đứng trong tốp DN hàng đầu trong khu vực và thế giới. Kinh nghiệm thực tiễn Việt Nam và thế giới cho thấy, nguyên nhân căn bản dẫn đến hiệu quả sử dụng vốn thấp tại khu vực DNNN nằm ở vấn đề sở hữu và động lực phát triển của DN. Ðể hoàn thành tốt vai trò đi đầu, dẫn dắt nền kinh tế, cần đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng cơ cấu lại DNNN theo cơ chế thị trường, trong đó có nhiệm vụ CPH, thoái vốn. Thực hiện đổi mới quản trị DN, coi đây là giải pháp gốc trong tiến trình cơ cấu lại DNNN. Ðồng thời, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN một cách đồng bộ, đầy đủ, kịp thời, chất lượng. Về phía các TÐKT, TCTNN, phải tự đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm trong bối cảnh mới, đi đầu trong ứng dụng khoa học - công nghệ vào quản lý, đầu tư đổi mới sản phẩm, dịch vụ nhằm nâng cao sức cạnh tranh. Bản thân các DNNN và cơ quan chủ quản là các bộ, ngành, địa phương phải thống nhất nhận thức: DNNN chỉ tập trung vào lĩnh vực then chốt, các địa bàn quan trọng, liên quan quốc phòng, an ninh, các lĩnh vực thiết yếu mà tư nhân không làm được, không muốn làm. Từ đó, đẩy mạnh CPH, thoái vốn tại các DNNN, kể cả DN đang làm ăn hiệu quả, thay vì tâm lý muốn xin cơ chế đặc thù để giữ lại như diễn biến tại một số địa phương vừa qua.

TÔ HÀ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/38522502-nang-cao-vai-tro-dan-dat-cua-doanh-nghiep-nha-nuoc.html