Nâng cao vai trò của pháp luật đối với chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam

Nhằm góp phần phổ biến kiến thức luật biển, thông tin về mối quan hệ giữa vai trò của pháp luật với chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam, ngày 4/6, tại TP. Đà Nẵng diễn ra tọa đàm 'Vai trò của pháp luật với Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam'.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã cùng thông tin, trao đổi các nội dung về tổng quan về chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam theo Nghị quyết số 36-NQ/TW- Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đánh giá toàn cảnh về tình hình phát triển kinh tế biển Việt Nam nói chung và phát triển kinh tế biển nhìn từ thực trạng phát triển kinh tế ven biển, từ đó bàn luận về vai trò của pháp luật đối với chiến lược phát triển kinh tế biển.

Phát triển kinh tế biển gắn với hoàn thiện pháp luật về biển

Phát triển kinh tế biển gắn với hoàn thiện pháp luật về biển

Các đại biểu tham dự tọa đàm cho rằng, biển và các vùng ven biển là những bộ phận không thể tách rời của hệ sinh thái toàn cầu. Biển đang bao phủ hơn hai phần ba diện tích bề mặt và chứa trong đó 97% tổng lượng nước của trái đất. Đối với các quốc gia có tiếp giáp với biển, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển, đều xác định phát triển kinh tế biển có vai trò quan trọng trong phát triển sinh kế, xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế bền vững.

Tại Việt Nam, nhận thức được tầm quan trọng của biển và kinh tế biển, trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW về Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, phân tích, dự báo bối cảnh tình hình mới ở trong nước, khu vực và thế giới thời gian tới, Hội nghị Trung ương 8 khóa XII đã ban hành Nghị quyết mới về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trên thực tế, kinh tế biển đã có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế của 28 tỉnh, thành ven biển Việt Nam. Trong đó, nổi bật là các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển.

Các đại biểu cũng thống nhất cho rằng, Việt Nam là một quốc gia biển với diện tích vùng biển hơn 3 triệu km2, diện tích vùng đặc quyền kinh tế hơn 1 triệu km2, gồm nhiều đảo lớn, nhỏ (trong đó có 2 huyện đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng) và Trường Sa (Khánh Hòa)), bờ biển chạy dài 3.260 km. Có đến 1/3 dân số Việt Nam sống nhờ biển, sẵn sàng ra khơi bám biển. Và do đó, biển có vị trí địa chính trị, địa chiến lược vô cùng quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhiều đại biểu nhận định rằng, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trên nền tảng khoa học công nghệ, biển và phát triển kinh tế biển phải trở thành động lực cho phát triển các lĩnh vực kinh tế khác. Trong đó, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ như sản xuất sạch hơn, năng lượng sạch… cần được tích cực khuyến khích và nhân rộng…

Về vai trò của pháp luật đối với chiến lược phát triển kinh tế biển, hiện nay, hành lang pháp lý, pháp luật về biển đã được Việt Nam xây dựng tương đối hoàn chỉnh, phù hợp với thông lệ quốc tế, đây sẽ là nền tảng để thúc đẩy việc thực hiện có hiệu quả chiển lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Vũ Lê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nang-cao-vai-tro-cua-phap-luat-doi-voi-chien-luoc-phat-trien-kinh-te-bien-viet-nam-120645.html