Nâng cao trình độ, khả năng tác chiến không gian mạng của Quân đội

Quân đội nói chung, lực lượng tác chiến không gian mạng nói riêng đã chủ động khắc phục khó khăn, thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều chủ trương, giải pháp nâng cao trình độ, khả năng tác chiến, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia.

Hiện nay, cùng với mặt tích cực, các hoạt động trên không gian mạng đã, đang có tác động tiêu cực tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Trong môi trường đó, các thế lực thù địch đã không từ một thủ đoạn nào để chống phá cách mạng nước ta. Điều đó đòi hỏi Quân đội phải tăng cường các chủ trương, giải pháp nâng cao trình độ, khả năng tác chiến trên không gian mạng, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Không gian mạng là một trong 05 môi trường tác chiến1, giữ vai trò rất quan trọng trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Tác chiến không gian mạng là loại hình tác chiến mới, được xác định: “Là hoạt động đánh địch có tổ chức,... nằm trong thế trận chiến tranh nhân dân nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng quốc gia và bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”2; được tiến hành cả trong thời bình và thời chiến. Nhận thức rõ điều đó và trên cơ sở quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc của Đảng, nhất là Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, những năm gần đây, Quân đội nói chung, lực lượng tác chiến không gian mạng nói riêng đã chủ động khắc phục khó khăn, thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều chủ trương, giải pháp nâng cao trình độ, khả năng tác chiến, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trong môi trường quan trọng này.

Hệ thống MN-286 giúp nâng cao khả năng kiểm soát các hoạt động trên không gian mạng. Ảnh: qdnd.vn

Hệ thống MN-286 giúp nâng cao khả năng kiểm soát các hoạt động trên không gian mạng. Ảnh: qdnd.vn

Mặc dù mới thành lập, nhiệm vụ phức tạp, môi trường quản lý đa dạng, không gian rộng, đa chiều, nhưng Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Bộ Tổng Tham mưu luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng tác chiến không gian mạng chặt chẽ theo hướng hiện đại gắn với chủ trương xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh”. Công tác huấn luyện, diễn tập, thực hành đấu tranh trên không gian mạng được nghiên cứu, đổi mới, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả. Thế trận tác chiến trên không gian mạng được gắn kết chặt chẽ với thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và được xây dựng cả về bề rộng, chiều sâu ngày càng vững chắc, góp phần bảo vệ an toàn thông tin, bí mật quân sự, bí mật nhà nước trong thời bình và sẵn sàng tác chiến thắng lợi khi có chiến tranh. Các lực lượng chuyên trách không gian mạng được điều chỉnh, bố trí khoa học, phù hợp với phương án, quyết tâm, chiến lược bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh mạng quốc gia,… đủ khả năng thực hiện các nhiệm vụ trinh sát, phòng thủ, tấn công mạng trên các hướng chiến lược, v.v. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tác chiến không gian mạng từng bước được xây dựng và hoàn thiện; hoạt động tác chiến, chỉ huy, điều hành, điều khiển, bảo vệ vũ khí, trang bị hiện đại được triển khai đồng bộ, chặt chẽ, nhằm vô hiệu hóa các đòn tiến công vũ khí công nghệ cao, sẵn sàng phản công, đáp trả đối phương trên không gian mạng. Công tác tham mưu, quản lý nhà nước về tác chiến không gian mạng và công nghệ thông tin được chú trọng nghiên cứu, phát triển cả về lực lượng, phương tiện và phương thức hoạt động đấu tranh, bảo đảm xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống trên không gian mạng.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc đấu tranh trên không gian mạng có lúc, có thời điểm hiệu quả chưa cao, chưa thực sự thuyết phục. Việc đáp trả, phản bác thông tin xấu độc, luận điệu xuyên tạc, phản động, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội chưa kịp thời. Công tác quản trị mạng còn kẽ hở, để lộ lọt thông tin; công tác huấn luyện, diễn tập, biên soạn tài liệu chất lượng chưa cao, chưa cập nhật kịp thời kiến thức mới về công nghệ thông tin, phương thức tác chiến không gian mạng của đối phương, v.v.

Thời gian tới, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của môi trường mạng toàn cầu, việc sử dụng rộng rãi phương thức tác chiến thông tin, tác chiến không gian mạng là xu thế tất yếu của nhiều quốc gia, nhất là đối với các nước lớn. Đối với nước ta, hệ thống thông tin quan trọng quốc gia, thông tin quân sự, quốc phòng,... tiếp tục là mục tiêu trọng điểm của các chiến dịch tấn công mạng có chủ đích. Hoạt động xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội trên không gian mạng của các thế lực thù địch vẫn diễn biến phức tạp, với thủ đoạn ngày càng tinh vi, nham hiểm và khó kiểm soát. Quân đội đang trong giai đoạn hiện thực hóa mục tiêu điều chỉnh lực lượng “tinh, gọn, mạnh”, tiến lên hiện đại; tiếp tục hoàn thiện tổ chức, biên chế, vũ khí, trang bị, cơ sở hạ tầng,… cho lực lượng tác chiến không gian mạng. Tình hình đó đòi hỏi toàn quân cần thực hiện đồng bộ, quyết liệt các chủ trương, giải pháp nâng cao trình độ, khả năng tác chiến trên không gian mạng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; trong đó, tập trung vào một số giải pháp cơ bản sau.

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chỉ huy các cấp đối với nhiệm vụ tác chiến không gian mạng. Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị toàn quân, nhất là lực lượng tác chiến không gian mạng cần nhận thức sâu sắc vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của loại hình tác chiến quan trọng này; trên cơ sở đó, triển khai thực hiện chặt chẽ, đúng quy trình các khâu, các bước trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, nhằm bổ sung, phát triển lý luận về tác chiến không gian mạng. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, thực hiện hiệu quả các nghị quyết, kết luận, chiến lược về quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc của Đảng, Nhà nước, trọng tâm là Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Chiến lược An ninh mạng quốc gia,… từ đó, cụ thể hóa thành các kế hoạch, phương án, quyết tâm, bảo đảm phù hợp với đặc điểm nhiệm vụ, khả năng lực lượng tác chiến không gian mạng chuyên trách và kế hoạch tác chiến của từng cơ quan, đơn vị, lực lượng. Tăng cường các biện pháp hỗ trợ kỹ thuật giúp Ban Chỉ đạo 35 Quân ủy Trung ương nâng cao chất lượng, hiệu quả diễn tập vận hành cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo; phát huy hiệu quả đấu tranh rộng khắp của lực lượng 47; chú trọng kiện toàn tổ chức, biên chế, xây dựng nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, huấn luyện, diễn tập và thống nhất nhiệm vụ tác chiến không gian mạng, công nghệ thông tin cho các đơn vị chuyên trách toàn quân. Nâng cao năng lực phòng thủ, nhất là khả năng trinh sát, thu thập thông tin, dữ liệu, tài liệu số, khả năng phân tích, nhận định, đánh giá, dự báo tình hình không gian mạng trên các hướng chiến lược, làm cơ sở giúp Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng tham mưu với Đảng, Nhà nước hoạch định chủ trương, đường lối, đối sách, giải pháp đấu tranh quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp lý nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; chú trọng các văn bản, chỉ thị, thông tư, hướng dẫn thi hành Nghị định số 53/2022/NĐ-CP, ngày 15/8/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng. Tổ chức sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị về bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, bảo đảm nghiêm túc, chặt chẽ làm cơ sở rút ra các bài học; đồng thời, đề xuất các chủ trương, giải pháp nâng cao trình độ, khả năng chiến đấu cho lực lượng tác chiến không gian mạng giai đoạn tiếp theo. Hoàn thiện và vận hành nhịp nhàng, hiệu quả, thông suốt các cơ chế lãnh đạo, chỉ huy, điều hành và phối hợp hoạt động trong các lực lượng tác chiến trên không gian mạng, nhất là cơ chế phối hợp, phát huy vai trò nòng cốt của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông; tham mưu, đề xuất phương án xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống trên không gian mạng, không để bị động, bất ngờ cả ở cấp chiến lược, chiến dịch và chiến thuật.

Hai là, đột phá đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo, trình độ, khả năng chiến đấu cho lực lượng tác chiến không gian mạng. Đây là nội dung quan trọng, quyết định sức mạnh chiến đấu của lực lượng tác chiến không gian mạng. Do vậy, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, nhất là lực lượng tác chiến không gian mạng toàn quân cần quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 1659-NQ/QUTW, ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương về “Nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2023 - 2030 và những năm tiếp theo”; tập trung đột phá, đổi mới, sáng tạo bằng những giải pháp khoa học, phù hợp. Khắc phục triệt để khó khăn về “thao trường mạng”, đơn vị phân tán, vừa huấn luyện, vừa thực hiện nhiệm vụ để làm tốt công tác chuẩn bị huấn luyện cả về con người, cơ sở vật chất, tài liệu và tổ chức huấn luyện, đào tạo, đảm bảo đúng, đủ nội dung, chương trình, thời gian cho các đối tượng. Trên cơ sở kết quả sơ kết Nghị quyết số 29-NQ/TW, tiếp tục hoàn thiện, chuẩn hóa nội dung, chương trình huấn luyện, đào tạo phù hợp với đặc điểm đối tượng, yêu cầu, nhiệm vụ tác chiến không gian mạng và sự phát triển của công nghệ thông tin.

Bên cạnh nội dung huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị chung theo quy định, lực lượng tác chiến không gian mạng tập trung huấn luyện, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ chuyên trách nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về an toàn thông tin, an ninh mạng, tác chiến không gian mạng; kiến thức về công tác chỉ huy - tham mưu trong hoạt động tác chiến, ứng cứu, khắc phục sự cố không gian mạng kịp thời, v.v. Tăng cường huấn luyện làm chủ hệ thống trang thiết bị kỹ thuật hiện có, nâng cao khả năng cài đặt, phục hồi, sửa chữa phần cứng, phần mềm dùng chung, phần mềm chỉ đạo điều hành mới, hệ thống ảo hóa máy chủ; kỹ thuật khai thác lỗ hổng bảo mật; kỹ năng trinh sát thông tin, xây dựng, quản lý, sử dụng tài khoản tác chiến và tác chiến trên mạng xã hội, v.v. Tích cực đổi mới hình thức, phương pháp huấn luyện, hội thi, hội thao; chú trọng kiểm tra đánh giá tiêu chuẩn trình độ mức sàn và chuyên sâu cho các đối tượng huấn luyện. Tiếp tục nâng cao nghiệp vụ kỹ thuật công nghệ thông tin, bảo đảm an toàn thông tin, phòng, chống “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ” và tác chiến không gian mạng cho các lực lượng. Riêng Bộ Tư lệnh 86, cần hợp tác với các cơ sở đào tạo chuyên ngành trong nước và quốc tế, tổ chức đào tạo cán bộ về công nghệ thông tin, tác chiến không gian mạng; rà soát, thẩm định chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra các đối tượng, đáp ứng nhu cầu và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tác chiến không gian mạng trong Quân đội.

Ba là, nghiên cứu định hình, phát triển nghệ thuật tác chiến không gian mạng. Các cơ quan, đơn vị toàn quân, nhất là các cơ quan chức năng cần phối hợp, đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển nghệ thuật, phương thức chiến tranh thông tin, tác chiến không gian mạng trong các cuộc chiến tranh gần đây trên thế giới, làm cơ sở vận dụng vào định hình, phát triển nghệ thuật tác chiến không gian mạng, bảo đảm phù hợp với Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng. Trong đó, tập trung nghiên cứu, tham mưu cho Thủ trưởng Bộ Quốc phòng tổ chức thống nhất hệ thống lãnh đạo, chỉ huy tác chiến không gian mạng trong toàn quân; triển khai các biện pháp nâng cao năng lực phòng thủ mạng cho Sở Chỉ huy Bộ Quốc phòng, các cơ quan, đơn vị cấp chiến lược, chiến dịch, lực lượng đặc thù. Kết hợp nghiên cứu các biện pháp trinh sát mạng, thu thập tin tức tình báo, phát hiện nhanh hệ thống vũ khí tấn công mạng và các hoạt động tác chiến mạng của đối phương với các biện pháp triển khai, bảo vệ hệ thống vũ khí, trang bị hiện đại và hoạt động tác chiến không gian mạng của ta, sẵn sàng tiến công đáp trả kịp thời, ngăn chặn, vô hiệu hóa hoạt động chống phá của các tổ chức phản động, khủng bố và các đòn tiến công bằng vũ khí công nghệ cao của địch. Đẩy mạnh nghiên cứu hoàn thiện, đề xuất, ban hành Điều lệnh tác chiến không gian mạng, Điều lệ công tác tham mưu tác chiến không gian mạng, Điều lệ công tác công nghệ thông tin trong Quân đội nhân dân Việt Nam và các tài liệu chuyên ngành có liên quan. Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao tiềm lực tác chiến không gian mạng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng tác chiến không gian mạng. Đồng thời, nghiên cứu phương thức, nghệ thuật phối hợp tác chiến không gian mạng với tác chiến trên các môi trường: không, bộ, biển, vũ trụ, tạo sức mạnh tổng hợp bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Bốn là, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nâng cao chất lượng các mặt bảo đảm phục vụ thiết thực nhiệm vụ tác chiến không gian mạng. Trên cơ sở hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện có, các cơ quan, đơn vị, trực tiếp là lực lượng tác chiến không gian mạng tiếp tục rà soát, tham mưu nội dung, phương thức đầu tư nâng cao chất lượng hệ thống này theo hướng ngày càng đầy đủ, đồng bộ, hiện đại. Đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp Quân đội, bảo đảm trang thiết bị khoa học công nghệ, phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số trong Bộ Quốc phòng. Hoàn thành hạ tầng trọng điểm của các trung tâm dữ liệu quốc phòng khu vực phía Bắc, cổng kết nối an toàn liên mạng Bộ Quốc phòng, kết nối dữ liệu quốc gia theo Đề án chuyển đổi số của Bộ Quốc phòng. Xây dựng giải pháp bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng cho các cơ quan chiến lược, sở chỉ huy đơn vị cấp chiến dịch, hệ thống vũ khí, khí tài hiện đại của các quân chủng, binh chủng. Tăng cường công tác kiểm tra về phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số trong các cơ quan, đơn vị toàn quân. Nghiên cứu đề xuất, triển khai nhân rộng phần mềm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành trên hạ tầng truyền dẫn không dây; xây dựng phần mềm phục vụ diễn tập trên nền bản đồ số và sa bàn số.

Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm toàn diện các mặt công tác hậu cần phục vụ tác chiến không gian mạng. Tăng cường công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe bộ đội, bảo đảm tốt chế độ, chính sách đặc thù của ngành gắn với thực hiện các nội dung, chỉ tiêu phong trào Thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của bộ đội trong công tác bảo đảm hậu cần. Đồng thời, tổ chức bảo đảm đầy đủ, kịp thời trang bị, vật tư, phương tiện kỹ thuật cho lực lượng tác chiến không gian mạng toàn quân, ưu tiên nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, diễn tập, xử lý tình huống. Nâng cao chất lượng khai thác, sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng, sữa chữa vũ khí, trang bị, phương tiện kỹ thuật, công nghệ thông tin. Thực hiện tốt mục tiêu an toàn thông tin, an toàn vũ khí, trang bị kỹ thuật và an toàn giao thông theo tinh thần Cuộc vận động 50, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.

Thượng tướng HUỲNH CHIẾN THẮNG, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam
______________

1 - Không, bộ, biển, vũ trụ và không gian mạng.

2 - Nghị định số 98/2015/NĐ-CP, ngày 19/10/2015 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của lực lượng tác chiến không gian mạng.

Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nang-cao-trinh-do-kha-nang-tac-chien-khong-gian-mang-cua-quan-doi-2147935.html