Nâng cao trách nhiệm và đạo đức đội ngũ viên chức

Hôm qua (24/10), tại Hội trường, Quốc hội đã tiến hành thảo luận Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Một trong những nội dung mới trong lần chỉnh sửa này là quy định rõ hơn trách nhiệm, quyền lợi của viên chức.

Toàn cảnh kỳ họp. Ảnh: TTXVN

Toàn cảnh kỳ họp. Ảnh: TTXVN

Không ký hợp đồng không xác định thời hạn

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức trong Phiên họp toàn thể ở hội trường, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, về thực hiện chế độ hợp đồng có thời hạn đối với viên chức được tuyển dụng mới, tại kỳ họp thứ 7, Chính phủ trình Quốc hội hai phương án:

Phương án 1: Tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi Luật này có hiệu lực sẽ thực hiện ký kết hợp đồng làm việc xác định thời hạn, không ký hợp đồng không xác định thời hạn (kể cả đối với trường hợp sau khi kết thúc hợp đồng xác định thời hạn lần 2), trừ viên chức được tuyển dụng mới vào đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Chính phủ ưu tiên lựa chọn phương án này.

Phương án 2: Viên chức được tuyển dụng mới sau khi ký kết hợp đồng xác định thời hạn (tối đa 2 lần) sẽ ký hợp đồng không xác định thời hạn, trừ trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì khi tuyển dụng mới viên chức được ký ngay hợp đồng không xác định thời hạn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, đối với viên chức được tuyển dụng trước ngày Luật có hiệu lực thi hành, khi Luật có hiệu lực đối với cả hai phương án sẽ cơ bản không có thay đổi về chế độ, chính sách so với hiện hành.

Cụ thể: Đối với viên chức đã ký hợp đồng không xác định thời hạn thì tiếp tục thực hiện hợp đồng không xác định thời hạn; trường hợp đã ký hợp đồng xác định thời hạn thì sẽ được ký hợp đồng không xác định thời hạn theo đúng quy định của Bộ Luật Lao động. Đối với viên chức được tuyển dụng mới sau ngày Luật có hiệu lực thì mỗi phương án có những ưu điểm, hạn chế riêng.

Tuy nhiên, để tạo động lực làm việc cho đội ngũ viên chức, “tiến tới bỏ chế độ biên chế suốt đời” và thực hiện yêu cầu của nghị quyết Trung ương , kết luận của cơ quan có thẩm quyền, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho lựa chọn Phương án 1 và thể hiện như trong dự thảo Luật.

Về việc hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ rõ, với quy định về chế độ thôi việc như trong Điều 45 của Luật Viên chức hiện hành thì trong quá trình thực hiện đã phát sinh bất hợp lý trong việc giải quyết chế độ thôi việc trong trường hợp viên chức được điều chuyển từ đơn vị sự nghiệp công lập này sang đơn vị sự nghiệp công lập khác trên cùng một địa bàn hoặc luân chuyển từ địa phương này sang địa phương khác theo kế hoạch hoặc từ trung ương về địa phương và ngược lại.

Về chuyển đổi giữa viên chức và cán bộ, công chức, bảo đảm tính đồng bộ giữa các quy định trong nội tại của Luật, thể hiện rõ chế độ, chính sách chuyển đổi giữa viên chức và cán bộ, công chức, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội bổ sung khoản 8 vào Điều 2 của dự thảo Luật (sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 58 của Luật Cán bộ, công chức hiện hành) theo hướng: việc tuyển dụng viên chức vào làm công chức phải thực hiện theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức; cán bộ, công chức được chuyển sang làm viên chức tại đơn vị sự nghiệp công lập khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của Luật; quá trình cống hiến, thời gian công tác của viên chức trước khi chuyển sang làm cán bộ, công chức và ngược lại được xem xét khi thực hiện các nội dung liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng và các quyền lợi khác.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu rõ, để làm rõ việc áp dụng quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu nhưng có hành vi vi phạm trong thời gian công tác trước thời điểm Luật có hiệu lực, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, phù hợp với thực tiễn và tương thích với quy định về xử lý kỷ luật đảng viên, trong dự thảo Luật đã bổ sung Điều 3 về điều khoản chuyển tiếp trong đó quy định: Việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thực hiện theo quy định của Luật này.

Thế nào là người tài?

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (đoàn Hà Nội) phát biểu (ảnh Q.K)

Bên cạnh các quy định trên, một trong những điểm mới của dự thảo luật là chính sách thu hút tài năng. Đây cũng chính là nội dung mà được nhiều đại biểu tranh luận.Về chính sách đối với người có tài năng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, người có tài năng nói chung là một khái niệm rất rộng, tương ứng với mỗi ngành, lĩnh vực thì các tiêu chí và yêu cầu đối với người có tài năng là không giống nhau.

Vì vậy, việc xây dựng một khái niệm chung về người có tài năng trong Luật này là khó khả thi. Trong phạm vi của Luật Cán bộ, công chức, xin Quốc hội cho bổ sung khái niệm “người có tài năng trong hoạt động công vụ” và quy định về chính sách trọng dụng, đãi ngộ, cơ quan có thẩm quyền quy định về khung chính sách, quyết định áp dụng chế độ, trọng dụng đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ để bảo đảm tính thống nhất, phù hợp với thực tiễn.

Cụ thể, dự thảo luật cho rằng, người có tài năng trong hoạt động công vụ là cán bộ, công chức có năng lực chuyên môn vượt trội, có đóng góp lớn, hiệu quả cho cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc lĩnh vực công tác mà ít người đạt được. Nhà nước có chính sách trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ.

Đưa ra ý kiến với dự thảo chính sách trên, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn đại biểu tỉnh Cà Mau) nhận thấy trong luật chưa được định nghĩa cụ thể về chính sách trọng dụng nhân tài. Đại biểu cho rằng, người tài cần phải phân loại ở từng lĩnh vực cụ thể. Theo đó, trong chính trị là người khởi xướng ra chính sách; trong văn hóa nghệ thuật phải sáng tác ra những tác phẩm nghệ thuật để lại cho muôn đời sau…

Liên quan đến khái niệm về người tài, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (đoàn đại biểu thành phố Hà Nội) đưa ra ý kiến tranh luận và cho rằng, nhiều tỉnh thành đã có chính sách trải thảm đỏ mời thạc sĩ, tiến sĩ về làm việc. Nhiều tỉnh, thành phố cử nhân tài đi nước ngoài đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn băn khoăn là có bao nhiêu phần trăm thạc sĩ, tiến sĩ trong đó đóng góp được cho tỉnh thành?

Cũng theo ông Tuấn, nhân tài muốn phát triển thì cần có môi trường đào tạo tốt. Tuy nhiên, nếu người có tài, nhưng tâm không tốt thì sao? Bởi thực tế, đại biểu đoàn Hà Nội nhận thấy, nhiều người có đủ yếu tố như vừa giỏi, vừa có môi trường cống hiến, vừa có nhiệt huyết, nhưng lại không muốn đóng góp cho đất nước, mà chỉ lo vun vén cá nhân, cho lợi ích nhóm…

Đóng góp ý kiến cho dự thảo liên quan đến khái niệm người tài, đại biểu Nguyễn Bắc Việt (đoàn đại biểu Ninh Thuận) cho rằng, dự thảo cũng chưa rõ ràng đối với người có tài. “Có những người có lợi cho tổ chức, cơ quan, nhưng lại không có lợi cho nhân dân”.

Do đó, cần phải sửa lại nội dung dự thảo luật theo hướng người tài là người có năng lực thực hiện nhiệm vụ chuyên môn vượt trội; được xã hội, tổ chức, cơ quan nhìn nhận; có đóng góp hiệu quả cho đất nước, cho nhân dân…

Tuấn Minh

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nang-cao-trach-nhiem-va-dao-duc-doi-ngu-vien-chuc-98480.html