Nâng cao tính tương tác qua Trung tâm điều hành đô thị thông minh

Trung tâm điều hành ĐTTM đặt tại trụ sở UBND thành phố được xem như “bộ não” với thiết kế gồm một hệ thống ca-mê-ra của trung tâm kết nối 1.200 ca-mê-ra từ các sở, ngành, quận, huyện của thành phố chuyển về để tích hợp hệ thống dữ liệu, hình ảnh cũng như thông tin thu nhận được, giúp chính quyền thành phố có cái nhìn tổng thể mọi hoạt động diễn ra, dễ dàng đưa ra quyết định chỉ đạo, ứng phó các tình huống khác nhau. 50 ca-mê-ra tại trung tâm được thí điểm sử dụng các công cụ phân tích hình ảnh bằng trí tuệ nhân tạo (AI) như đo đếm số lượng, phân tích khuôn mặt, nhận dạng đám đông, hành vi... được tích hợp về trung tâm điều hành để chuyển đến bộ phận xử lý. Thí dụ, liên quan đến lĩnh vực trật tự an toàn giao thông (kẹt xe, ngập nước), phòng cháy chữa cháy, môi trường…, thông qua hình ảnh thực tế thu nhận hay người dân cung cấp dữ liệu sẽ được hệ thống ca-mê-ra từ trung tâm ghi nhận tức thì rồi gửi đến những cơ quan, đơn vị có thẩm quyền để đưa ra phương án dự báo, giải quyết.

Trung tâm này được kết nối với Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn và Cổng tiếp nhận thông tin sự cố hạ tầng kỹ thuật thành phố 1022 để cùng liên thông dữ liệu, ghi nhận thông tin phản ánh qua dư luận xã hội giúp nâng cao tính tương tác giữa người dân và chính quyền thành phố. Hoàn thiện trụ cột quan trọng này và hoàn thành việc xây dựng, vận hành các trụ cột còn lại sẽ giúp thành phố tiến tới xây dựng ĐTTM một cách căn cơ, bài bản.

Xây dựng ĐTTM hướng tới một chính quyền điện tử công khai, minh bạch; một chính quyền số với sự tương tác nhanh nhạy, hiện đại giữa người dân và chính quyền, giữa chính quyền và doanh nghiệp nhằm giải quyết những bức xúc hằng ngày về đời sống dân sinh, các thủ tục trong dịch vụ hành chính công là kỳ vọng của đông đảo người dân thành phố, hàng ngàn doanh nghiệp và nhà đầu tư. Vấn đề quan trọng nhất mà người dân mong muốn là làm sao những số liệu, hình ảnh, thông tin được tích hợp và thu nhận về Trung tâm điều hành ĐTTM được thẩm định, phân tích một cách chính xác, khoa học, kịp thời để chuyển về đúng “địa chỉ”, đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết, nhất là với những sự việc liên quan trực tiếp đến đời sống người dân như cháy nổ, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường…; tránh tình trạng chỉ là dữ liệu “chết”.

Cùng với đó, qua quá trình giải quyết sự cố, chính quyền thành phố cần công khai, minh bạch trách nhiệm của từng đơn vị, cơ quan, nơi nào tắc trách, chậm trễ, đùn đẩy trách nhiệm cũng phải phản hồi cho dư luận biết. Đồng thời, thiết lập công cụ giám sát trực tuyến để cả chính quyền và nhân dân có thể cùng tham gia theo dõi, góp ý.

Xa hơn, đối với kho dữ liệu dùng chung của thành phố, khi đưa vào hoạt động cần tích hợp đầy đủ dữ liệu của các sở, ngành để chia sẻ đến các đơn vị, doanh nghiệp, phục vụ công tác điều hành của thành phố thông qua các trang web, cổng thông tin trên các lĩnh vực như đất đai, thuế, hải quan, thủ tục đăng ký kinh doanh, đầu tư nước ngoài, du lịch, môi trường... Thành phố cần tiếp tục mở và kết nối các dịch vụ công vào kho dữ liệu dùng chung như thủ tục xuất, nhập khẩu; giao thông; quy hoạch; xây dựng; địa chính; du lịch; hộ tịch - dân cư... để người dân, doanh nghiệp, tổ chức có thể tiếp cận được các thông tin cần thiết phục vụ cho đời sống, công việc hằng ngày một cách hiệu quả, tiện lợi nhất.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/40290102-nang-cao-tinh-tuong-tac-qua-trung-tam-dieu-hanh-do-thi-thong-minh.html