Nâng cao tính chủ động của doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có sự quan tâm đặc biệt đến sự phát triển của khu vực doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (Ảnh: MPI)

Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện rõ quyết tâm, chỉ đạo quyết liệt, điều hành hiệu quả nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp phát triển, tạo mối quan hệ chặt chẽ giữa Chính phủ và doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp, khẳng định vị trí, vai trò và những đóng góp quan trọng của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thực trạng hiện nay cho thấy, vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bình quân giai đoạn 2016-2018 đạt khoảng 34,3 triệu tỷ đồng/1 năm, tăng 82% so với bình quân của giai đoạn 2011-2015; riêng năm 2018, đạt 41,7 triệu tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2017 và tăng xấp xỉ gấp 3 lần so với năm 2011. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2018 đạt 243,5 tỷ đô la Mỹ, tăng 13,2% so với năm 2017; đáng chú ý là đã có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ đô la Mỹ, tỷ trọng xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước dần được cải thiện. Số lao động hiện làm việc trong khu vực doanh nghiệp chiếm khoảng 27% lực lượng lao động của toàn xã hội, thu hút bình quân 14,5 triệu lao động/1 năm trong giai đoạn 2016-2018, tăng 24,4% so với bình quân giai đoạn 2011-2015.

Kết quả từ quá trình cải cách mạnh mẽ

Ngày càng xuất hiện nhiều doanh nhân chủ động điều hành doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, góp phần vào sự phát triển của đất nước (Ảnh tư liệu)

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, về kết quả đạt được, quá trình cải cách mạnh mẽ, quyết liệt của Chính phủ cùng với nỗ lực của chính cộng đồng doanh nghiệp đã góp phần tạo nên những điểm sáng ấn tượng của khu vực doanh nghiệp thời gian qua, có thể khái quát được 03 điểm sáng quan trọng nhất là:

Một là, tinh thần khởi nghiệp kinh doanh ngày càng mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Số doanh nghiệp thành lập mới liên tục tăng cao trong 5 năm qua, trung bình mỗi năm có thêm trên 126 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng gấp 1,6 lần so với giai đoạn 2011-2015, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động lên khoảng 760 nghìn doanh nghiệp. Niềm tin, kỳ vọng của các doanh nghiệp và nhà đầu tư đã có mức tăng đáng kể, trong đó, 76% tổng số doanh nghiệp có kế hoạch tăng đầu tư, mở rộng thị trường trong năm 2020, 49% lãnh đạo doanh nghiệp APEC tại Việt Nam bày tỏ “rất lạc quan” về tăng trưởng doanh thu, cao hơn mức trung bình trong khối APEC là 34%.

Hai là, chuyển dịch cơ cấu quy mô và ngành nghề có bước chuyển biến tích cực, số doanh nghiệp có quy mô vừa tăng lên và doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ có xu hướng giảm. Trong những năm gần đây, tỷ trọng doanh nghiệp quy mô vừa tăng từ 2,5% lên 3,5% tổng số doanh nghiệp, tỷ trọng nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ giảm từ 70% xuống 63%. Điều này cho thấy, vị thế và tiềm lực kinh tế của các doanh nghiệp Việt Nam đã được cải thiện đáng kể; đã xuất hiện một số tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân có quy mô, tiềm lực lớn đã tham gia mạnh mẽ vào các lĩnh vực vốn trước đây chủ yếu do khu vực nhà nước và FDI thực hiện như sản xuất ô tô, điện thoại, kinh doanh hàng không, phát triển hạ tầng, công nghệ thông tin, lĩnh vực công nghệ, chế tạo kỹ thuật cao..., bước đầu xây dựng được thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp và của quốc gia.

Xu hướng dịch chuyển đầu tư, kinh doanh từ đơn ngành hoặc khai thác tài nguyên thô sang các lĩnh vực chế biến, chế tạo, dịch vụ diễn ra ngày càng mạnh, tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm, hàng hóa; trong giai đoạn 2016-2018, tỷ trọng doanh nghiệp đăng ký trong ngành chế biến, chế tạo đã tăng 40%, trong ngành hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ tăng 56,6% so với giai đoạn 2011-2015. Các mô hình kinh doanh khởi nghiệp sáng tạo diễn ra sôi động, nhiều Start-Up thành công, được các quỹ đầu tư nước ngoài quan tâm, đầu tư vốn. Xu hướng phát triển bền vững, phát triển bao trùm, nâng cao trách nhiệm xã hội cũng được lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kinh doanh hướng tới cộng đồng thu nhập thấp, nhóm yếu thế trong xã hội như EcoLink, KOTO, KymViet…

Ba là, mức độ linh hoạt và đổi mới sáng tạo trong kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước tiến lớn và được các tổ chức có uy tín trên thế giới ghi nhận và đánh giá cao. Chỉ số mức độ năng động trong kinh doanh là một trong 3 trụ cột có cải tiến lớn nhất, năm 2019 tăng 12 bậc về thứ hạng so với năm 2018; chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam tăng 3 bậc so với năm 2018 và tăng 17 bậc so với năm 2016, lên vị trí 42 và đưa Việt Nam vươn lên xếp thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp, đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN, chỉ sau Singapore và Malaysia.

Tuy nhiên, cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, sự phát triển và đóng góp của doanh nghiệp đối với sự nghiệp phát triển đất nước là chưa tương xứng với tiềm năng, doanh nghiệp vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, tồn tại, hạn chế, nhất là các điểm nghẽn trong phát triển. Tất cả cần phải được tập trung làm rõ các nguyên nhân, xây dựng và thực hiện các giải pháp cả trước mắt và lâu dài nhằm tháo gỡ, khắc phục và thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.

Về phía các doanh nghiệp, mặc dù số doanh nghiệp thành lập mới tăng đáng kể, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động vẫn còn cao, đồng thời, chúng ta còn thiếu vắng các doanh nghiệp có quy mô lớn và vừa, nếu có, thì vẫn còn quá nhỏ bé so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Như chúng ta đã biết, đa số doanh nghiệp của nước ta có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, chiếm tới hơn 97% tổng số doanh nghiệp. Mặc dù đã có dấu hiệu chuyển biến tích cực trong 2 năm trở lại đây, số lượng doanh nghiệp cỡ vừa đang tăng lên và chiếm tỷ trọng khoảng 3,5%, nhưng vẫn là rất khiêm tốn so với các nước khác trong khu vực (trung bình phải đạt khoảng 5-10%). Chúng ta hiện mới có chưa đến 30 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa đạt trên 1 tỷ đô la Mỹ.

Bên cạnh đó, năng lực khoa học công nghệ của các doanh nghiệp còn hạn chế, có nơi còn lạc hậu; doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư cho ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ, nhất là công nghệ lõi, công nghệ tiên phong. Trình độ quản trị doanh nghiệp còn yếu và thấp, thiếu lao động có chất lượng cao, có kỹ năng, tay nghề.

Theo số liệu điều tra doanh nghiệp gần đây, mới chỉ có 10% số doanh nghiệp đã từng đăng ký, hoặc đăng ký thành công 01 bằng sáng chế trong vòng 3 năm liên tiếp; đầu tư của doanh nghiệp cho đổi mới công nghệ chỉ chiếm khoảng 0,3% doanh thu, thấp hơn nhiều so với các nước như Ấn Độ (5%), Hàn Quốc (10%); chỉ có khoảng 10,2% doanh nghiệp có đầu tư vào một số hoạt động nghiên cứu triển khai (R&D); tỷ trọng chi phí dành cho nghiên cứu khoa học công nghệ của doanh nghiệp còn thấp; liên kết giữa doanh nghiệp với các cơ quan nghiên cứu, trường đại học còn yếu.

Về trình độ lao động và quản lý, có tới hơn 55,6% chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa có trình độ học vấn từ trung cấp trở xuống; 75% lực lượng lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chất lượng nguồn nhân lực nước ta mới đạt mức 3,79 điểm, xếp hạng thứ 11 trong số 12 quốc gia được khảo sát tại Châu Á, còn khoảng cách khá xa so với Hàn Quốc (6,91 điểm), Ấn Độ (5,76 điểm), Malaysia (5,59 điểm). Nhìn chung, nguồn nhân lực nước ta còn yếu về chất lượng, thiếu năng động, sáng tạo, tác phòng công nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực hiện đang là điểm nghẽn lớn nhất đối với phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Về tính liên kết, các doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng cải thiện khả năng liên kết, nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; mới chỉ có 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia được một phần chuỗi giá trị toàn cầu, 14% thành công trong việc liên kết với đối tác nước ngoài, trong khi số doanh nghiệp FDI đầu tư tại Việt Nam là rất nhiều. Nhiều doanh nghiệp còn nặng tư duy kinh doanh chụp giật, thiếu tầm nhìn chiến lược dài hạn, ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ đối với nhà nước, cộng đồng, xã hội còn hạn chế, nhất là về nghĩa vụ thuế, bảo vệ môi trường, chống gian lận thương mại...

Ngoài ra, tính liên kết, văn hóa hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam còn mang tính hình thức, chưa thực sự tạo thành khối liên kết để cùng nhau phát triển; chưa nhìn được giá trị lợi ích chung của việc hợp tác, liên kết, tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn hơn.

Về phía Nhà nước, hệ thống thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách và quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp còn nhiều tồn tại và bất cập; chất lượng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thực chất, chưa đáp ứng được yêu cầu; một số chính sách quan trọng đã được ban hành nhưng chậm đi vào cuộc sống, chưa có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành. Công tác cải cách hành chính nhằm đẩy mạnh cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận nguồn lực, đất đai, khoa học công nghệ còn yếu và chưa kịp thời; thủ tục còn phức tạp, doanh nghiệp còn mất nhiều thời gian và chi phí để tiếp cận. Mức độ bảo vệ nhà đầu tư còn thấp, chưa trở thành điều kiện hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp yên tâm bỏ vốn ra đầu tư, kinh doanh, chưa khơi thông được nguồn lực còn rất nhiều tiềm năng trong xã hội.

Từng bước giúp các doanh nghiệp vượt khó

Cần chủ động, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo vào hoạt động của doanh nghiệp thời kỳ hội nhập

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn trăn trở làm thế nào giúp các doanh nghiệp khắc phục hạn chế, tồn tại, vượt qua các khó khăn, thách thức để có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa, chủ động hội nhập và đưa các doanh nghiệp Việt Nam tiến lên nấc thang mới trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; đồng thời tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng, với xã hội, hướng tới tăng trưởng nhanh và bền vững.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, với trách nhiệm là cơ quan tham mưu tổng hợp của Chính phủ trong lĩnh vực phát triển doanh nghiệp, trước bối cảnh đất nước chuẩn bị bước vào một thập kỷ mới, phát triển nhanh, bền vững, hướng tới mục tiêu thịnh vượng và hùng cường, trên cơ sở đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm phát triển doanh nghiệp và kinh tế tư nhân trở thành trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất gợi mở một số định hướng và giải pháp để giải quyết căn cơ các vấn đề lớn gồm có:

Trước hết, cần có cơ chế chính sách tập trung phát triển doanh nghiệp nhằm hình thành lực lượng doanh nghiệp có quy lớn, đóng vai trò chủ lực trong nền kinh tế, tạo ra các sản phẩm chiến lược của quốc gia, khẳng định được thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế. Sản phẩm của những doanh nghiệp này cần được coi là sản phẩm quốc gia, thành công của những sản phẩm chủ lực này cũng chính là sự thành công của quốc gia.

Thứ hai, cần đẩy mạnh cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, lấy sản xuất, chế biến chế tạo là trọng tâm trên cơ sở tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng lần thứ 4 để tái cấu trúc doanh nghiệp theo hướng bền vững, sáng tạo. Từ đó tạo nên các ngành chủ lực quốc gia, cần có khát vọng tạo ra các sản phẩm được làm bởi các doanh nghiệp Việt Nam; phát triển bởi con người Việt Nam; tạo thành xu hướng chuyển dịch từ “Made in Vietnam” tiến tới “Made by Vietnam”.

Thứ ba, xây dựng và hoàn thiện chính sách đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, có tay nghề giỏi, kiến thức chuyên môn sâu, trình độ quốc tế và kinh nghiệm làm việc chuyên nghiệp. Cần tiếp tục tận dụng nhiều hơn nữa mạng lưới tri thức cao người Việt trong và ngoài nước, đang sống và làm việc ở rất nhiều nước phát triển trên thế giới, tạo thành cơ chế đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở nhiều cấp bậc. Cùng với đó là chính sách thu hút và phát triển các công nghệ hiện đại nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng, sức cạnh tranh, thân thiện với môi trường.

Thứ tư, cần tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước trong phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là việc đảm bảo quyền đối với nhà đầu tư cần tiếp tục được tăng cường để ngày càng khuyến khích người dân tham gia vào hoạt động kinh doanh, không hình sự hóa các hoạt động kinh tế nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Và cuối cùng, chính cộng đồng doanh nghiệp cũng cần chủ động đổi mới tư duy kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ; chuẩn hóa sản xuất kinh doanh để đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí của các thị trường quốc tế; tăng cường đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt các công nghệ lõi có tính tiên phong; phát huy tinh thần dân tộc, đoàn kết sức mạnh để cùng tạo dựng thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế, đồng thời, tinh thần hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam cần được thay đổi nhận thức, hướng tới giá trị, lợi ích chung từ nhiều phía; tăng cường trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, với quốc gia dân tộc hướng tới tăng trưởng nhanh và bền vững.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh rằng, các giải pháp cần bảo đảm tính tổng thể, toàn diện, giải quyết cả vấn đề trước mắt và lâu dài, huy động được sự tham gia của tất cả các bên liên quan, các cơ quan của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Cùng đó, các doanh nghiệp cũng cần có những suy nghĩ trăn trở cùng với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, tìm các giải pháp, hướng đi mạnh dạn, đột phá, sáng tạo và hiện đại, không chỉ để tự lớn mạnh mà còn đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước, vươn ra thị trường thế giới, tạo lập và khẳng định thương hiệu của chính doanh nghiệp, từ đó, xây dựng thương hiệu quốc gia./.

Hà Anh (lược ghi)

Nguồn ĐCSVN: http://dangcongsan.vn/kinh-te/nang-cao-tinh-chu-dong-cua-doanh-nghiep-trong-thoi-ky-hoi-nhap-546016.html