Nâng cao tính chặt chẽ, minh bạch trong xét công nhận Giáo sư, Phó Giáo sư

Từ 440 ứng viên Giáo sư (GS) và Phó Giáo sư (PGS được) Hội đồng GS ngành, liên ngành đưa lên, Hội đồng GS Nhà nước đã xét đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS cho 423 ứng viên trong đợt năm 2019 (một người tự xin rút khỏi danh sách). 16 ứng viên bị 'loại' lần này được xem là một con số 'lịch sử', gây ra không ít tranh cãi. Ông Trần Anh Tuấn, Chánh Văn phòng Hội đồng GS Nhà nước trao đổi với Báo Nhân Dân điện tử chung quanh vấn đề nâng cao tính chặt chẽ, minh bạch trong công tác xét công nhận tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2019.

PV: Thưa ông Trần Anh Tuấn, ông có thể cho biết lý do 16 ứng viên GS, PGS bị Hội đồng GS Nhà nước không công nhận?

Ông Trần Anh Tuấn: Năm 2019 là năm đầu tiên thực hiện Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg ngày 31-8-2019 (Quyết định 37) của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh GS, PGS; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh GS, PGS. Hội đồng GS (HĐGS) Nhà nước đã tổ chức họp, tập huấn cho HĐGS các cấp, ra các nghị quyết và thống nhất chỉ đạo thực hiện nghiêm túc và xuyên suốt các nghị quyết của Hội đồng và các quy định của Quyết định 37, đồng thời gắn kết chặt chẽ với việc nâng cao chất lượng đội ngũ Giáo sư, Phó Giáo sư. Do việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS áp dụng cho đối tượng là các giảng viên đang giảng dạy ở các cơ sở giáo dục đại học (Điều 1, Điều 3), nhân tố ảnh hưởng quyết định đến chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho đất nước, nên HĐGS Nhà nước thống nhất áp dụng quy định của Quyết định 37 theo hướng nâng cao đối với những tiêu chuẩn được bù thay thế về thực hiện nhiệm vụ đào tạo. Các ứng viên không đủ đối với các tiêu chuẩn này là chỉ được thiếu một phần, không được thiếu toàn bộ.

Trên cơ sở đó, ngày 10 và 11-11, HĐGS Nhà nước đã họp xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2019 cho 440 ứng viên (82 ứng viên GS và 358 ứng viên PGS) do các HĐGS ngành, liên ngành đề nghị. HĐGS Nhà nước đã thống nhất các trường hợp đủ điều kiện theo quy định để đưa vào danh sách bỏ phiếu. Kết quả, 15 ứng viên không đưa vào danh sách bầu và một ứng viên không đủ số phiếu tín nhiệm của HĐGS Nhà nước, trong đó: sáu ứng viên GS thiếu hướng dẫn chính hai nghiên cứu sinh được cấp bằng tiến sĩ (theo quy định tại khoản 7, Điều 5), không chủ trì biên soạn giáo trình/chuyên khảo (theo quy định tại khoản 5, Điều 5); chín ứng viên PGS thiếu hướng dẫn hai học viên được cấp bằng thạc sĩ (khoản 6, Điều 6), không tham gia đào tạo liên tục ba năm cuối (khoản 3, Điều 6), đang trong thời gian bị kỷ luật (khoản 1, Điều 4), thiếu bài báo uy tín mà không có chương sách do nhà xuất bản quốc tế uy tín hoặc sách chuyên khảo do nhà xuất bản uy tín thay thế (điểm a, khoản 4, Điều 6), thiếu giờ giảng, phải gấp đôi điểm công trình khoa học nhưng không đạt đủ số điểm tối thiểu theo quy định (khoản 2, Điều 6).

Một ứng viên không đủ số phiếu tín nhiệm (đạt 5/32 phiếu) do mới được bổ nhiệm PGS năm 2018 và thiếu hướng dẫn chính một nghiên cứu sinh đã được cấp bằng tiến sĩ.

Ông Trần Anh Tuấn, Chánh Văn phòng Hội đồng GS Nhà nước

Ông Trần Anh Tuấn, Chánh Văn phòng Hội đồng GS Nhà nước

PV: Các HĐGS ngành, liên ngành có ý kiến gì về các trường hợp mà HĐGS nhà nước đã không công nhận không, thưa ông?

Ông Trần Anh Tuấn: Trong các trường hợp nêu trên, các HĐGS ngành, liên ngành đều đồng thuận với quyết định của HĐGS Nhà nước.

Quá trình rà soát và phát hiện ra những hồ sơ ứng viên có vấn đề, HĐGS Nhà nước đều mời Thường trực các HĐGS ngành, liên ngành lên làm việc trực tiếp để chỉ rõ các nội dung liên quan và đề nghị HĐGS ngành, liên ngành giải trình, bổ sung minh chứng. Trường hợp không thể giải trình, bổ sung minh chứng thì mới làm biên bản đưa ra khỏi danh sách. Công tác rà soát các hồ sơ được thực hiện liên tục trong khoảng ba tuần. Trong thời gian này, có HĐGS ngành, liên ngành được mời lên đến năm lần để thống nhất hồ sơ của các ứng viên.

PV: Việc các ứng viên vượt qua được cả hai cấp là các HĐGS cơ sở và HĐGS ngành, liên ngành và bị “loại” ở cấp cuối cùng cho thấy các Hội đồng còn những lúng túng trong việc áp dụng các quy định, hay các quy định chưa thật sự rõ ràng và chặt chẽ?

Ông Trần Anh Tuấn: Các HĐGS cơ sở, HĐGS ngành, liên ngành về cơ bản đã thực hiện đúng quy định tại Quyết định 37, thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Thường trực HĐGS Nhà nước.

Tuy nhiên, việc vận dụng xét về mức độ thiếu của một số tiêu chuẩn theo Quyết định 37 chưa được các Hội đồng quán triệt triệt để. Trong đó điển hình là quy định cho phép vận dụng linh hoạt, dùng các bài báo khoa học bù cho một số tiêu chuẩn hoạt động đào tạo “không đủ” (như thời gian, số giờ giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu sinh/học viên cao học đã được cấp bằng), đã nảy sinh một số ít Hội đồng hiểu là “không có” cũng được bù, thay thế.

PV: Phải chăng ngay giữa các HĐGS ở ba cấp chưa có sự thống nhất tiêu chí từ đầu? Trong số các trường hợp bị loại, có ứng viên có điểm rất cao, có thành tích tốt trong nghiên cứu khoa học nhưng lại thiếu giờ trực tiếp đứng lớp hoặc thiếu hướng dẫn nghiên cứu sinh? Liệu việc vận dụng “linh hoạt” các tiêu chí trong quá trình xét có khả năng gây ra “oan sai”?

Ông Trần Anh Tuấn: Các HĐGS đã thống nhất thực hiện nghiêm túc và xuyên suốt các nghị quyết của HĐGS Nhà nước từ các phiên họp trước và các quy định của Quyết định 37. Theo đó, việc thay thế bằng bài báo khoa học, bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích, tác phẩm nghệ thuật, thành tích huấn luyện, thi đấu thể dục thể thao đạt giải thưởng quốc tế đối với các ứng viên chưa đủ thâm niên, không đủ số giờ chuẩn giảng dạy, không đủ công trình khoa học, không thực hiện đủ nhiệm vụ khoa học và công nghệ quy định, không hướng dẫn đủ nghiên cứu sinh, thạc sĩ “phải theo hướng nâng cao chất lượng đối với những tiêu chuẩn được bù, thay thế”: các ứng viên chỉ được thiếu một phần, không được thiếu toàn bộ.

Các ứng viên không đạt có mấy nhóm lý do, trong đó phần lớn là không hướng dẫn chính nghiên cứu sinh/học viên cao học đã được cấp bằng; lý do tiếp theo liên quan đến thiếu giờ trực tiếp đứng lớp (quy định số giờ giảng dạy của giảng viên cơ hữu là 270 giờ quy đổi gồm cả giờ hướng dẫn, thực hành và giờ làm công tác quản lý, nhưng ít nhất 50 % số giờ đó phải trực tiếp đứng lớp). Các HĐGS cơ sở, HĐGS ngành có thể vận dụng quy định cho phép quy đổi để thông qua hồ sơ xét, nhưng HĐGS Nhà nước khi rà soát, kiểm lại thì thấy những trường hợp này là không đáp ứng được điều kiện quy định là hoàn thành nhiệm vụ của nhà giáo do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.

Như vậy, những trường hợp ứng viên không đủ minh chứng về các tiêu chuẩn hoạt động đào tạo nêu trên thì mặc dù có điểm công trình cao nhưng vẫn bị loại. Điều này đồng thuận với ý kiến đánh giá của các giảng viên, nhà khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học là nếu không hướng dẫn nghiên cứu sinh, không giảng dạy thì không phải là nhà giáo.

PV: Trong các đợt xét trước đây, có trường hợp nào HĐGS Nhà nước rà soát và “bỏ ra” những ứng viên đã được HĐGS ngành/liên ngành thông qua?

Ông Trần Anh Tuấn: Những năm trước cũng có trường hợp HĐGS Nhà nước không xét công nhận. Nhưng đó là khi có đơn thư và khi xác minh nội dung đơn thư là chính xác thì mới bỏ chứ không tiến hành xét lại các tiêu chí.

PV: Năm 2019 là năm đầu tiên thực hiện Quyết định 37. Để việc xét công nhận GS, PGS ngày càng nâng cao chất lượng, theo ông cần làm gì để thực hiện tốt hơn trong những năm tiếp theo?

Ông Trần Anh Tuấn: Quyết định 37 so với các văn bản liên quan trước đó đã có nhiều điểm đổi mới tích cực, tiệm cận với xu hướng quốc tế, như: ứng viên phải có bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới (thuộc hệ thống ISI, Scopus) hoặc tạp chí khoa học của 500 đại học hàng đầu thế giới; đã hướng dẫn nghiên cứu sinh/học viên cao học đã được cấp bằng; chủ trì biên soạn sách phục vụ đào tạo; đủ thâm niên và số giờ giảng dạy; đủ năng lực ngoại ngữ…

Tuy nhiên, trong vận dụng còn một vài điểm vướng mắc ở một vài HĐGS, đó là việc hiểu và xét về mức độ thiếu của một số tiêu chuẩn, nên dẫn đến nảy sinh thắc mắc. Năm nay, HĐGS Nhà nước đã tổ chức tập huấn Quyết định 37, thu thập thắc mắc và có chỉ đạo kịp thời, cử cán bộ tham dự các cuộc họp của hai HĐGS cấp dưới, trao đổi với Thường trực HĐGS cơ sở và HĐGS ngành/liên ngành để thực hiện theo hướng nâng cao chất lượng, không được thiếu toàn bộ. Nguyên tắc này đã được vận dụng nhất quán ở các HĐGS ngành, liên ngành. Bên cạnh đó, một số HĐGS ngành, liên ngành chỉ tập trung vào thẩm định chuyên môn, còn chủ yếu dựa vào bản khai của ứng viên mà chưa chú ý nhiều đến tính pháp lý, tính xác thực của hồ sơ. Qua rà soát hồ sơ, HĐGS Nhà nước đã chấn chỉnh một số HĐGS ngành, liên ngành về thẩm định hồ sơ chưa rõ các minh chứng và chưa đánh giá chuẩn xác nội dung khoa học của các công trình khi cho điểm… Ngoài ra, còn hiện tượng lúng túng trong việc xác định tạp chí quốc tế uy tín, nhà xuất bản uy tín phù hợp theo tính chất riêng của ngành, liên ngành, từ đó ảnh hưởng đến việc xác định bài báo uy tín…

Tất cả những vướng mắc từ thực tế đã được Thường trực HĐGS Nhà nước kịp thời tháo gỡ, trên cơ sở nâng cao chất lượng và đã xét được những GS, PGS chất lượng trong đợt năm 2019.

HĐGS nhà nước sẽ tổ chức rà soát, sơ kết năm đầu tiên thực hiện Quyết định 37 để báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều để bảo đảm chặt chẽ, phù hợp hơn với thực tiễn.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

LÊ HÀ - GIANG SƠN - Ảnh: THANH TÙNG

Thực hiện

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/giaoduc/dien-dan/item/42450202-nang-cao-tinh-chat-che-minh-bach-trong-xet-cong-nhan-giao-su-pho-giao-su.html