Nâng cao tiêu chuẩn đầu bếp để phát triển du lịch

Sáng 20/11, trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam (VITM Hà Nội 2020) đã diễn ra Hội thảo xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật nghề chế biến món ăn - lĩnh vực mà những người làm du lịch luôn trăn trở để nâng cao hơn nữa vai trò của người đầu bếp, góp phần hỗ trợ cho ngành du lịch phát triển.

Toàn cảnh hội thảo - Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Toàn cảnh hội thảo - Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo Vụ Xã hội (Ban Kinh tế Trung ương), Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Hội Đầu bếp Việt Nam.

Tại Hội thảo, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam đánh giá, ẩm thực Việt Nam mặc dù đã tạo được dấu ấn và được báo chí thế giới ca ngợi nhưng chưa được khai thác hết tiềm năng để hỗ trợ cho phát triển du lịch. Trong đó, đầu bếp là nghề đặc biệt, đang dần được đánh giá cao, thậm chí là nghề tiêu biểu. Vì vậy, những người làm du lịch luôn trăn trở để nâng cao hơn nữa vai trò của người đầu bếp.

Theo ông Vũ Thế Bình, hiện chưa có tiêu chí cụ thể để xác định những đầu bếp giỏi, do đó cần những đánh giá tiêu chuẩn chi tiết từng bậc nghề, xếp hạng tất cả các ngành nghề.

Bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, đầu năm 2019, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã thành lập Hội đồng Tư vấn khoa học và đào tạo du lịch gồm 21 thành viên để từng bước xây dựng các bộ tiêu chuẩn nhằm thẩm định, đánh giá tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ, chất lượng lao động trong các doanh nghiệp của ngành du lịch. Hội thảo lần này được mở ra để từng bước xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật cho nghề chế biến món ăn. Nội dung cơ bản của Bộ Tiêu chuẩn kỹ thuật nghề chế biến món ăn đã đưa ra tiêu chuẩn cho 7 bậc trong nghề kỹ thuật chế biến để các đại biểu nghiên cứu, thảo luận.

Theo bà Lê Mai Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam, trong giai đoạn này có nhiều vướng mắc do có rất nhiều đầu bếp đã giữ hạng ở bậc 7 rất lâu năm (tức là bậc cao nhất theo quy định), họ mong muốn được chứng minh khả năng, trình độ ở mức cao hơn. Hơn nữa, đến nay, tiêu chuẩn kỹ thuật chế biến món ăn 7 bậc và tiêu chuẩn chuyên gia nấu ăn 3 bậc được xây dựng hàng chục năm trước đây đã trở nên lạc hậu so với yêu cầu thực tế.

Cũng theo bà Khanh, tại dự thảo Tiêu chuẩn kỹ thuật chế biến món ăn do Hội Đầu bếp du lịch Việt Nam (thuộc Hiệp hội Du lịch Việt Nam) xây dựng, hiện đang xếp đầu bếp theo 5 bậc, với các yêu cầu cụ thể cho mỗi bậc, trong đó có 4 nội dung là: Nhiệm vụ, hiểu biết nghề nghiệp, kỹ năng nghề nghiệp và trình độ chuyên môn. Bốn nội dung này tương đồng với kết cấu của tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật tiêu chuẩn chế biến món ăn trước đây và bao quát được các nội dung cần có của mỗi bậc nghề.

Nếu dự thảo tiêu chuẩn nêu trên được ban hành và được áp dụng trong thực tế, chắc chắn trình độ chuyên môn, tay nghề của đội ngũ đầu bếp du lịch Việt Nam sẽ từng bước được nâng cao. Từ đó, góp phần nâng cao vị thế cũng như đóng góp cho doanh thu của ngành du lịch.

Thiện Tâm

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/du-lich/nang-cao-tieu-chuan-dau-bep-de-phat-trien-du-lich/414645.vgp