Nâng cao tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM - Hành trình không kết thúc: Vượt khó

Nâng cao thu nhập cho người dân là mục tiêu quan trọng trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), cũng là tiêu chí khó đạt nhất. Từ chương trình xây dựng NTM đến NTM nâng cao..., tiêu chí thu nhập phải tăng theo giai đoạn. Đây được xem là hành trình khó khăn nhưng nhiều địa phương đã nỗ lực hoàn thành tiêu chí với những dấu ấn tự hào...

Thu nhập ổn định, chất lượng cuộc sống người dân xã Vạn Thắng (Nông Cống) ngày càng được nâng cao.

Theo quy định, tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người hàng năm tính từ năm được công nhận xã đạt chuẩn NTM đến năm đề nghị xét công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao từ 10% trở lên. Đây là cả một “bài toán” khó, tạo áp lực lớn cho các địa phương khi thực hiện. Nhưng bằng nhiều giải pháp, cách làm thiết thực, hiệu quả của cấp ủy, chính quyền, nên chất lượng sống của người dân ở nhiều địa phương đã có chuyển biến rõ nét...

Từ đất cằn, đường khó...

Nâng cao tiêu chí thu nhập vốn phải kết hợp nhiều giải pháp, cách làm và chịu tác động của nhiều yếu tố. Thực hiện tiêu chí này, đã có những diện tích đất hoang hóa, chua mặn..., được đầu tư cải tạo hình thành nên các mô hình trang trại cho giá trị thu nhập cao; từ những tuyến đường giao thông nông thôn toàn ổ gà, sỏi đá đã được cứng hóa, tạo thuận lợi cho bà con giao thương, đi lại...

Thực hiện tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM nâng cao, một trong những giải pháp đã được xã Hưng Lộc (Hậu Lộc) triển khai, thực hiện đó là chuyển 10ha đất chua mặn sang mô hình trang trại, gia trại tổng hợp, nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên cùng đơn vị diện tích, cho thu nhập bình quân từ 120-140 triệu đồng/trại/ năm. Xã Vạn Thắng (Nông Cống) đã chuyển đổi đất 2 lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn, tạo thu nhập từ 100 triệu đồng/ha trở lên...

Xã Xuân Giang (Thọ Xuân), sau khi đạt chuẩn NTM và hiện đang trong quá trình hoàn thiện một số tiêu chí còn lại trong xây dựng NTM nâng cao, số lao động làm nông nghiệp đã giảm mạnh từ 90% xuống 26%. Ông Lê Văn Chế, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: “Lao động chủ yếu chuyển sang phát triển dịch vụ thương mại, đi làm việc tại các công ty, nhà máy... Trước đây, khi Xuân Giang chưa xây dựng NTM, đường trong làng, thôn chật hẹp, chỉ đi bộ hoặc xe đạp. Người dân nếu muốn mua một bó rau, ấm trà đều phải ra thị trấn. Làm NTM, đường thông, hè thoáng, các dịch vụ thương mại phát triển mạnh. Giao thông nông thôn là cú hích quan trọng để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân...”.

Và xuất phát điểm thấp...

Năm 2011, khi bắt tay vào xây dựng NTM, thu nhập bình quân đầu người tại xã Vạn Thắng (Nông Cống) còn thấp, mới 7 triệu đồng/người/ năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 20%. Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội, nhiều giải pháp nâng cao thu nhập ở xã Vạn Thắng đã được triển khai, thực hiện: Đưa mô hình sản xuất mới vào địa phương, cải tạo vườn tạp, xây dựng các mô hình trang trại tổng hợp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn... Bằng những cách làm này, đã nâng thu nhập bình quân đầu người ở Vạn Thắng năm 2017 lên 32,6 triệu đồng/năm, góp phần đưa xã về đích chương trình xây dựng NTM.

Sau khi đạt chuẩn NTM vào năm 2017, Vạn Thắng tiếp tục xây dựng xã NTM nâng cao và hoàn thành vào năm 2020. Hành trình này khó hơn, các tiêu chí đặt ra cao hơn, trong đó tiêu chí thu nhập phải tăng từng năm và tại năm đạt chuẩn phải đạt từ 48 triệu đồng/người trở lên. Ông Lê Văn Sang, Chủ tịch UBND xã Vạn Thắng, cho biết: “Sang chặng đường mới, áp lực lớn, nhiều trăn trở, không nỗ lực, cố gắng sẽ khó hoàn thành. Xã đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, xây dựng vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap với 6ha, khuyến khích phát triển chăn nuôi công nghệ cao... Rất mừng, các mô hình đều thành công và đạt hiệu quả lớn. Năm 2020, xã đạt chuẩn NTM nâng cao, với mức thu nhập bình quân đầu người đạt 52,2 triệu/năm”.

Năm 2011, xã Quảng Bình (Quảng Xương) bắt tay xây dựng NTM khi xuất phát điểm thấp, thu nhập bình quân đầu người mới đạt 15 triệu đồng/năm. 4 năm sau đó, vào năm 2015, Quảng Bình được công nhận xã đạt chuẩn NTM, với thu nhập bình quân đầu người tăng lên 22,1 triệu đồng/năm.

Mô hình nuôi lợn rừng hữu cơ của anh Ngô Đình Tuấn, thôn 11, xã Xuân Giang (Thọ Xuân) cho thu nhập gần 300 triệu đồng/năm.

Sau đạt chuẩn NTM, Quảng Bình tiếp tục cuộc hành trình xây dựng xã NTM nâng cao. Theo chia sẻ của bà Trần Thị Huệ, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Bình: “Chúng tôi vô cùng trăn trở với tiêu chí thu nhập của người dân, vì nhìn sang các xã lân cận, xã nào cũng có điểm nhấn để phát triển. Quảng Bình không có cây thuốc lào như Quảng Định, không có mô hình rau an toàn như Quảng Lưu, thì lấy gì để khẳng định thu nhập đạt theo yêu cầu tiêu chí. Nhưng ngược lại, Quảng Bình có ưu thế để phát triển loại hình dịch vụ thương mại. Xã vận động, tạo điều kiện cho Nhân dân, các tổ dịch vụ, hợp tác xã đầu tư máy móc để tiến hành cơ giới hóa đồng bộ. Xác định cây lúa là cây chủ lực nên tập trung đẩy mạnh nâng cao năng suất... Đến năm 2020, xã đã về đích xã NTM nâng cao, trong đó tiêu chí thu nhập bình quân đạt 59,24 triệu đồng/người/năm, đời sống người dân no ấm hơn”...

Với những cơ chế, chính sách trong chương trình xây dựng NTM từ trung ương đến địa phương, từ các nguồn lực khác đã tạo cơ hội cho người dân phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống cả về vật chất lẫn tinh thần. Khi người dân có thu nhập tốt thì số hộ nghèo sẽ giảm, hộ khá giả tăng lên. Khi người dân phát triển kinh tế hiệu quả, họ sẽ có điều kiện để tham gia đóng góp các phong trào, xây dựng quê hương giàu mạnh hơn... Từ NTM đến NTM nâng cao rồi NTM kiểu mẫu, cuộc hành trình gian khó nhưng sẽ không khó nếu có sự vào cuộc, nỗ lực hơn nữa của cả hệ thống chính trị, đồng lòng, đồng thuận của người dân, góp phần làm nên cuộc cách mạng lớn để NTM đi vào chiều sâu chất lượng, bền vững, hiệu quả hơn...

Bài và ảnh: Hoàng Việt Anh

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/giao-duc/nang-cao-tieu-chi-thu-nhap-trong-xay-dung-ntm-hanh-trinh-khong-ket-thuc-nbsp-vuot-nbsp-kho/19873.htm